Theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp người lao động phải ngừng việc do thiên tai thì việc trả lương ngừng việc sẽ được hai bên thỏa thuận.
Cụ thể, trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống, thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận, nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Theo Nghị định số 74/2024/NĐ-CP, lương tối thiểu hiện hành các vùng dao động từ 3,45 – 4,96 triệu đồng/tháng. Trong đó, vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng; vùng II là 4,41 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,86 triệu đồng/tháng; và vùng IV là 3,45 triệu đồng/tháng.
Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau: Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào, thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên gọi, hoặc chia đơn vị hành chính, thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên gọi, hoặc chia đơn vị hành chính, cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn, hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau, thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh, được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV, thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại.
Cũng theo quy định, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm, hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước, do hậu quả thời tiết, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất.
Tuy nhiên, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ đối với trường hợp nêu trên phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu. Đơn cử như phải được sự đồng ý của người lao động.
Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày. Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần, thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày, không quá 40 giờ trong 1 tháng.
Đối với trường hợp thực hiện các công việc nhằm bảo vệ tính mạng con người, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động làm thêm giờ vào bất kỳ ngày nào, mà không bị giới hạn về số giờ làm thêm theo quy định Bộ luật Lao động 2019, và người lao động không được từ chối.
Trừ trường hợp thực hiện công việc có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người lao động theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.