AI mở ra những cơ hội to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế thông qua khả năng tăng năng suất. Tuy nhiên, AI cũng có thể là một yếu tố đột phá và sẽ đặt ra những thử thách đặc biệt so với các làn sóng công nghệ trước đó, đòi hỏi những giải pháp mới để đảm bảo công nghệ này mang lại lợi ích cho lực lượng lao động của Việt Nam.
VIỆT NAM ĐANG PHẢI ĐỐI DIỆN VỚI TÌNH TRẠNG THIẾU HỤT CHUYÊN GIA AI
Mới đây, Google đã công bố Báo cáo “Cơ hội AI cho Việt Nam - Một số khuyến nghị”, trong đó khẳng định với nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng, dân số đông, trẻ tuổi và thành thạo công nghệ, cùng với cộng đồng khởi nghiệp năng động, Việt Nam có thế mạnh để khai thác cơ hội từ AI.
Báo cáo cho rằng Việt Nam nằm trong khu vực có tính cạnh tranh cao về sản xuất. Một số quốc gia láng giềng gần đây đã công bố các sáng kiến nhằm thu hút đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt ở phạm vi rộng hơn trong khu vực.
Việt Nam hiện đang nắm bắt cơ hội đẩy mạnh AI nhằm duy trì và nâng cao khả năng cạnh tranh lâu dài của mình như một trung tâm sản xuất, bao gồm đa dạng hóa các thế mạnh truyền thống và mở rộng sản xuất trong các ngành công nghệ cao như điện tử và viễn thông.
Tuy vậy, Google cho rằng để hiện thực hóa tiềm năng AI, Việt Nam cần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật cơ bản cho sáng tạo AI và trang bị cho các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực năng lực và sự tự tin để áp dụng công nghệ này vào các sản phẩm. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần chuẩn bị lực lượng lao động sẵn sàng với AI.
Khảo sát Hopes and Fears Global Workforce Survey 2023 của PwC cho thấy người lao động tại Việt Nam nhìn chung đều lạc quan về các cơ hội và lợi ích mà AI có thể mang lại, với 60% đồng ý rằng AI có thể cải thiện năng suất của họ tại nơi làm việc và 58% tin rằng AI mở ra cơ hội học các kỹ năng mới. Tuy nhiên, cũng có lo ngại rằng AI có thể dẫn đến mất việc làm ở một số lĩnh vực.
Đặc biệt, Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt chuyên gia AI, với ước tính chỉ có khoảng 300 chuyên gia AI trong nguồn nhân lực. Báo cáo từ TopDev, một nền tảng việc làm trong lĩnh vực CNTT, chỉ ra khoảng cách đáng kể giữa trình độ kỹ năng hiện có và yêu cầu thị trường đối với việc làm CNTT tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực AI. Báo cáo cũng ước tính mỗi năm Việt Nam thiếu hụt khoảng 150.000-200.000 lập trình viên và kỹ sư công nghệ.
Chính vì thế, một trong những biện pháp nhằm khai thác toàn diện cơ hội AI tại Việt Nam được Google khuyến nghị là xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng cho AI. Google cho rằng xây dựng một lực lượng lao động chuyên môn về AI là vô cùng quan trọng để đảm bảo Việt Nam có đủ nhân lực đáp ứng nhu cầu các dự án AI.
Điều này có nghĩa là đầu tư vào con người, để đảm bảo mọi người, từ học sinh, sinh viên đến người lao động, từ doanh nghiệp nhỏ đến các tập đoàn lớn, có thể sử dụng và tận dụng lợi ích của AI.
CÂU HỎI KÉP LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO NHÂN LỰC AI
Câu chuyện xây dựng nguồn nhân lực sẵn sàng cho AI sẽ liên quan đến một vấn đề kép. Thứ nhất là chuẩn bị lực lượng lao động để sử dụng AI một cách hiệu quả – giúp người lao động trở nên mạnh mẽ hơn, tăng năng suất làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn và làm cho kỹ năng của họ có giá trị hơn.
Và thứ hai là giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn đối với lực lượng lao động thông qua các quan hệ đối tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng nghiên cứu. Theo đó, chính phủ sẽ tối đa hóa cơ hội sử dụng và áp dụng AI thành công nếu vừa phát triển và thu hút nhân tài AI hàng đầu, đồng thời trang bị cho lực lượng lao động kỹ năng số nhằm chuẩn bị cho kỷ nguyên AI.
Các chuyên gia Google cho rằng xây dựng một lực lượng lao động được AI hỗ trợ sẽ đòi hỏi một tầm nhìn chung - và trách nhiệm chung - giữa ba nhóm liên quan. Thứ nhất là nhóm doanh nghiệp. Cụ thể, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc phát triển các chương trình đào tạo kỹ năng mới tập trung vào chuẩn bị cho AI.
Tuy nhiên, trước tác động chuyển đổi của AI đối với tất cả các lĩnh vực kinh tế, nỗ lực của từng công ty là không đủ – các công ty sẽ cần thiết lập các mối quan hệ đối tác đào tạo AI đa ngành mới để đảm bảo người lao động trong tất cả các ngành công nghiệp sẵn sàng khai thác AI một cách hiệu quả.
Thứ hai là giới học thuật, các quỹ và tổ chức tư vấn cần đẩy mạnh nghiên cứu mới để hiểu rõ những gì đã và chưa hiệu quả trong quá khứ về việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho các công nghệ mới, và sau đó áp dụng những hiểu biết đó để đảm bảo rằng những người lao động có mức lương thấp và cộng đồng nông thôn hay những cộng đồng chưa được quan tâm đầy đủ, sẽ là trung tâm của các chương trình nhân lực về AI.
Và thứ ba, quan trọng nhất, chính là các chính phủ cần hỗ trợ mở rộng quy mô các chương trình đào tạo AI để tiếp cận tất cả các cộng đồng, đồng thời xây dựng những biện pháp hỗ trợ hiệu quả hơn, giúp những người lao động bị ảnh hưởng bởi AI có thể đào tạo lại kỹ năng và nhanh chóng thích nghi, từ đó tìm kiếm được công việc mới và tốt hơn.
Tại Singapore, Chiến lược AI Quốc gia 2.0 của Singapore đã tập trung vào việc đào tạo kỹ năng cho các loại năng lực khác nhau, bao gồm Người sáng tạo AI (tài năng hàng đầu về AI), Người thực hành AI (nhân sự công nghệ) và Người dùng AI (doanh nghiệp và lực lượng lao động nói chung). Mục tiêu của tất cả những nỗ lực này là đảm bảo AI mở rộng khả năng tiếp cận các kỹ năng và kiến thức chuyên môn, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho người lao động thuộc mọi tầng lớp.
Ngoài việc thu hẹp khoảng cách về kỹ năng số, điều quan trọng là đảm bảo rằng các chương trình nâng cao và tái đào tạo AI có tính bao trùm và bền vững. Ví dụ, Việt Nam có cơ hội tập trung hơn nữa vào việc thúc đẩy tiếp cận internet cho phụ nữ, nâng cao kỹ năng số và giáo dục STEM.
“Hiện nay, chúng ta vẫn đang trong quá trình khám phá những kỹ năng mới mà các công việc được AI hỗ trợ sẽ cần đến. Chúng ta đều hiểu rõ rằng một số kỹ năng – như tầm quan trọng của việc nhân viên có hiểu biết cơ bản về AI và những kỹ năng thiết yếu của con người như tư duy phản biện, giải quyết vấn đề đa lĩnh vực, cộng tác hiệu quả và sự đồng cảm có thể giúp nâng cao giá trị trong công việc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi cần khám phá sâu hơn về tác động của AI đối với công việc”, Báo cáo nêu rõ.
Báo cáo về Chỉ số sẵn sàng AI tại khu vực châu Á Thái Bình Dương 2023 của Salesforce cho biết giải quyết tình trạng thiếu nhân tài AI “rất cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh của ngành AI Việt Nam trong khu vực”.