Theo tin từ Bloomberg, việc người Nga đổ xô gom ngoại tệ vào cuối tuần vừa rồi diễn ra bất chấp việc một số ngân hàng nước này bán đồng USD với giá cao hơn khoảng 1/3 so với giá đóng cửa hôm thứ Sáu và cao hơn nhiều so với mốc tâm lý quan trọng 100 Rúp đổi 1 USD – mốc tỷ giá mà nhiều chuyên gia kinh tế nói là sẽ dẫn tới việc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) nâng lãi suất.
Cú sốc tiền tệ diễn ra trong lúc người Nga còn đang ngỡ ngàng trước việc nhiều nước châu Âu đóng cửa không phận đối với Nga và những hệ thống thanh toán phổ biến ở nước này như ApplePay sẽ ngừng hoạt động.
“Tôi đã đứng xếp hàng trong một giờ đồng hồ, nhưng ở đâu cũng hết ngoại tệ, chỉ còn đồng Rúp thôi”, một nhà lập trình 28 tuổi chỉ tiết lộ tên là Vladimir cho biết trong lúc đang chờ trong hàng người dài trước một cây ATM trong một trung tâm thương mại ở Moscow. “Tôi đến muộn vì không nghĩ chuyện này có thể xảy ra. Tôi đang bị sốc”.
Cuối tuần vừa rồi, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế SWIFT và đóng băng dự trữ ngoại hối của Nga. Phần lớn các quốc gia châu Âu đã cấm máy bay Nga đi qua không phận của họ, khiến cho việc chuyển tiền mặt bằng phương pháp vật lý từ Nga tới một quốc gia khác là rất khó khăn.
Nước Nga đang hứng chịu “cơn mưa” trừng phạt khắc nghiệt nhất mà một nền kinh tế lớn của thế giới phải đương đầu trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Tổn thất có thể hiện rõ trên thị trường tài chính Nga trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (28/2).
Mới vào hôm thứ Sáu vừa rồi, nguồn tin là quan chức chính quyền Tổng thống Joe Biden tiết lộ với Bloomberg rằng Mỹ còn chưa thực sự muốn loại Nga khỏi SWIFT, nhưng ý tưởng này đã trở nên thuyết phục hơn khi đà tấn công của Nga tại Ukraine ngày càng mạnh.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy tỷ giá Rúp có thể giảm chóng mặt khi giao dịch mở cửa ngày thứ Hai. Trong ngày Chủ nhật, tỷ giá các ngân hàng Nga đưa ra có sự chênh lệch lớn, dao động từ hơn 98 cho tới 115 Rúp đổi 1 USD tại các nhà băng khác nhau. Tỷ giá đồng Rúp giao ngay khi đóng cửa phiên ngày thứ Sáu tại Sở Giao dịch Moscow là 83 Rúp đổi 1 USD.
“Tôi không thể hình dung ra một kịch bản mà ở đó đồng Rúp không suy sụp”, nhà quản lý quỹ Paul McNamara của GAM Investments phát biểu. “Tôi không cho là (Ngân hàng Trung ương Nga) sẽ có sự can thiệp để tác động đến tỷ giá, nhưng họ sẽ can thiệp để hạn chế bớt việc bán đồng Rúp”.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) tuyên bố sẽ tăng cung cấp tiền mặt cho các ATM để đáp ứng nhu cầu. Hôm Chủ nhật, CBR cam kết cung cấp nguồn cung “không gián đoạn” đồng Rúp cho các ngân hàng, nhưng không để cập đến hỗ trợ về ngoại tệ hay các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Lần gần đây nhất Nga trải qua một đợt rút tiền ồ ạt là vào năm 2014, khi giá dầu giảm chóng mặt và các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến tỷ giá đồng Rúp giảm sâu. Khi đó, ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank bị rút 1,3 nghìn tỷ Rúp, tương đương 16 tỷ USD, chỉ trong vòng 1 tuần.
“Tình hình hiện nay cực kỳ bất ổn. Các biện pháp trừng phạt và hạn chế đối với CRB sẽ chỉ trở trở nên tồi tệ hơn”, chuyên gia Alexandra Suslina thuộc tổ chức Economic Expert Group có trụ sở ở Moscow phát biểu. “Người dân đã bắt đầu đổ đến các máy ATM để rút tiền, nhưng không máy rút tiền nào được thiết kế cho những hàng người dài chuẩn bị xuất hiện tại các ngân hàng bị trừng phạt”.