Tại phiên thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của đại biểu Quốc hội chuyên trách, sáng 8/9, Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng cho biết theo quy định tại dự thảo luật, người nước ngoài về cơ bản có quyền sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như công dân Việt Nam, kể cả việc theo học tại cơ sở đào tạo tôn giáo Việt Nam hay được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử.
Tuy nhiên quy định này, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hồng, là vẫn chưa trả lời được câu hỏi người nước ngoài có được thành lập tổ chức tôn giáo hay không.
Hồi âm trực tiếp từ đại diện ban soạn thảo tại phiên thảo luận, là người nước ngoài không được lập tổ chức tôn giáo tại Việt Nam.
Cũng góp ý về quyền tự do tín ngưỡng của người nước ngoài, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị quy định người nước ngoài được giảng đạo ở Việt Nam, nhưng cần nêu rõ là chỉ được thực hiện ở cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác chứ không phải ở bất cứ đâu.
Đại biểu Tám và một số vị đại biểu khác cũng góp ý cần quy định cấm hoạt động tôn giáo cản trở hoạt động công vụ. Vì trên thực tế đã có chuyện cản trở xảy ra.
Liên quan đến quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, hiện tại Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng và chưa có cơ quan nào quản lý Nhà nước về tín ngưỡng.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi và một số vị đại biểu khác đề nghị nên để Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo.
Hiện nay cơ quan quản lý tôn giáo nằm ở Bộ Nội vụ nhưng lại độc lập hoàn toàn với Bộ này, khi hỏi Bộ trưởng thì Bộ trưởng bảo không nắm được lĩnh vực này. Nên quy định Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo, không có bộ nào khác làm tốt hơn, đại biểu Bùi Sỹ Lợi góp ý.
Tuy nhiên, cũng có vị đại biểu cho rằng cần phải có một cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo độc lập để phản ánh đúng tính phức tạp, quan trọng của lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội hiện nay.
Theo dự kiến, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp khai mạc cuối tháng 10 năm nay.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate