February 13, 2009 | 18:23 GMT+7

Người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam: Mới bắt đầu... tìm hiểu!

Trong khoảng thời gian từ sau Tết đến nay, khách người nước ngoài đến tìm hiểu thông tin, xem nhà để mua đã tăng lên nhiều

 Từ đầu tháng 2/2009 đến nay, sàn giao dịch địa ốc ACBR đã đông người hơn nhưng vẫn vắng bóng người nước ngoài - Ảnh: B.Chương.
Từ đầu tháng 2/2009 đến nay, sàn giao dịch địa ốc ACBR đã đông người hơn nhưng vẫn vắng bóng người nước ngoài - Ảnh: B.Chương.
Hơn một tháng sau khi có nghị quyết thí điểm cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam (từ 1/1/2009), lượng khách là người nước ngoài đến tìm hiểu thông tin tại các dự án có tăng hơn so với thời gian trước đây.

Đến nay mới có dự án Saigon Pearl bàn giao căn hộ Ruby đầu tiên cho một phi công người Úc đang công tác tại Vietnam Airlines vào ngày 9/1. Ước tính có trên 80.000 người nước ngoài ở Việt Nam, trong đó có khoảng 10.000 người có khả năng và điều kiện để mua nhà tại Việt Nam.

Còn e ngại

Trong những ngày đầu giao dịch sau Tết, lượng khách đến giao dịch tại sàn giao dịch bất động sản của Công ty Địa ốc Ngân hàng Á Châu (ACBR) tăng lên, đạt trung bình 130 khách hàng/ngày, trong đó bình quân có 14 giao dịch thành công.

Theo ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc ACBR, điều này khá bất ngờ đối với ACBR khi mà thị trường trong những ngày cuối năm hơi trầm lắng. Theo quan sát của ACBR, lượng khách hàng đến sàn tìm mua bất động sản là khách hàng có nhu cầu thật sự (mua nhà mới, mua cho con cái, mua cho con cái học hành...), mua nhà mục đích để ở và đầu tư dài hạn. Sản phẩm được giao dịch tập trung vào căn hộ đã hoàn chỉnh, nhà ở có giá từ 1,5-4 tỉ đồng có giấy tờ hoàn chỉnh, tập trung ở các quận 2, 7, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình...

Ông Phạm Văn Hải cho biết trong khoảng thời gian từ sau Tết đến nay, khách người nước ngoài đến tìm hiểu thông tin, xem nhà để mua đã tăng lên nhiều. Tuy nhiên, vẫn chưa có trường hợp người nước ngoài trực tiếp đứng ra mua nhà. Phần lớn họ vẫn mua thông qua những phương thức cũ là nhờ người trong nước đứng tên nhằm tránh những phiền phức về thủ tục giấy tờ.

Bên cạnh đó, mặc dù nghị quyết thí điểm cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam có hiệu lực từ 1/1, nhưng Chính phủ chưa ban hành quy định cụ thể để thực hiện.

Nhiều khả năng khách nước ngoài vẫn còn chờ chính sách cụ thể hơn, và đặc biệt là nghe ngóng tình hình thị trường chứ chưa quyết định vội. Một số chuyên gia nhận định rằng cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cũng kềm chân người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Dù khu đô thị Phú Mỹ Hưng là một trong những khu vực được người nước ngoài ưa thích nhưng theo các nhân viên kinh doanh ở đây thì trong đợt bán sản phẩm của dự án Riverside Residence đầu năm 2009, khách mua chủ yếu là người trong nước.

Còn theo thông tin từ phòng kinh doanh dự án Cantavil Hoàn Cầu, lượng khách nước ngoài tham quan nhà mẫu tuy có nhích lên trong nửa tháng đầu năm 2009 nhưng vẫn có ít người đặt cọc mua.

Chị Dương, nhân viên môi giới ở khu vực quận 2, cho biết trong khoảng thời gian trước và sau tết, đã có một vài khách hàng người Hàn Quốc, Nhật Bản có yêu cầu tìm hiểu cụ thể về vấn đề mua nhà, tuy nhiên vẫn chưa có giao dịch nào tiến hành.

Muốn được mua trả góp

Theo các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc, sức mua từ người nước ngoài làm việc, sinh sống tại Việt Nam là tiềm năng. Tuy nhiên, để bán được nhà cho những khách hàng này lại không hề dễ dàng.

Hiện tại, giá căn hộ cao cấp ở Việt Nam còn khá cao. Một căn nhà ở trung tâm thành phố hay ở các khu vực người nước ngoài ưa thích như quận 2, 7 (Tp.HCM) giá thấp cũng trên 100.000 USD, cao hơn có thể đến 500.000 USD. Đó là mức giá mà không phải người nước ngoài nào cũng có thể với tới.

Để mua được nhà đòi hỏi đối tượng này phải có thu nhập cao, có kế hoạch sinh sống lâu dài tại Việt Nam ít nhất 2-3 năm. Ngoại trừ chủ các doanh nghiệp có khả năng mua nhà thì chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội chưa mặn mua nhà vì họ làm việc ngắn hạn tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, người nước ngoài có thói quen mua nhà trả góp từ tiền vay ngân hàng. Nhiều ngân hàng tại Việt Nam đã có cho vay nhưng lại chưa chú tâm đến các khách hàng là người nước ngoài. Thực tế tại nhiều ngân hàng đã có nhiều người nước ngoài tìm hiểu để vay tiền mua nhà nhưng chưa được vay.

Trở ngại đang nằm ở phía ngân hàng. Một phần là do gần đây mới có chính sách cho người nước ngoài mua nhà nên ngân hàng chưa có những sản phẩm cho vay phù hợp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhận định cần phải có thêm thời gian để chính sách thẩm thấu vào cuộc sống, khi đó người nước ngoài thay vì đi thuê sẽ chuyển sang mua nhà và thị trường này sẽ sớm hình thành.

Sớm có hướng dẫn thủ tục

Nghị quyết số 19 về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam áp dụng từ 1/1/2009, sẽ thí điểm trong năm năm.

Theo đó, cá nhân và tổ chức nước ngoài được mua và sở hữu nhà, cụ thể là căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại, trong thời gian tối đa là 50 năm (đối với cá nhân) hoặc tương ứng với thời hạn ghi trên giấy chứng nhận đầu tư (đối với doanh nghiệp nước ngoài).

Hiện Bộ Xây dựng đang gấp rút hoàn tất hướng dẫn nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cho người nước ngoài mua nhà theo hướng cụ thể hóa nhiều nội dung trong nghị quyết để các giao dịch có thể triển khai thuận lợi, không cần phải quy định thêm các thủ tục, giấy tờ.

Dự kiến nghị định sẽ được ban hành trong quý 1/2009.

Bảo Chương (Tuổi Trẻ)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate