Qua năm tháng, sách cũ dù có mòn góc vẫn có sức hút biết bao người và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người Sài Gòn vốn năng động, hối hả và thích ứng nhanh với cuộc sống, nhưng hằng ngày, hằng giờ vẫn có không ít người lặng lẽ đi tìm một góc riêng cho mình. Họ tìm đến các khu chợ, cửa hàng sách cũ, những điểm bán sách bên vệ đường, lật lật, mở mở, cố tìm cho mình một vài cuốn ưng ý…
TẦM SÁCH MỌI NẺO ĐƯỜNG, GÓC PHỐ
Không kể mùa mưa hay mùa khô, người Sài Gòn đã mê sách là có thể đến nhà sách bất cứ lúc nào. Còn với người mê sách cũ, đó không chỉ là sưu tầm kiến thức mà còn là một món ăn tinh thần vô giá: gìn giữ những tinh hoa của tiền nhân, để ôn cố tri âm…
Vào những ngày gió đông từ đất Bắc len lỏi vào phương Nam, người Sài Gòn bắt đầu vội vã đôn đáo lo cho cái Tết sắp cận kề. Đó cũng là thời điểm rộ lên thú sưu tầm sách cũ. Những gian hàng sách cũ tại Hội sách TP.HCM, những hoạt động trao đổi sách cũ của các nhà xuất bản như: Nhã Nam, Alpha Book, Vinabook, Sách Cũ Sài Gòn luôn tấp nập.
Không ai biết rõ, thú sưu tầm sách cũ ở Sài Gòn có từ khi nào. Nhiều người chỉ biết rằng khi bắt đầu “sa ” vào thú sưu tầm sách cũ thì những địa chỉ tìm đến từng có biết bao thế hệ sưu tầm đã đi qua. Thoạt đầu là những con đường vắng vẻ như Trần Nhân Tôn ở quận 5, đoạn đối diện nhà máy thuốc lá Vinataba trước đây; đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai ở quận 3, đối diện nhà sách Minh Khai ngày nay; rồi đường Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận; nhưng nổi tiếng nhất đối với dân sưu tầm sách cũ Sài Gòn vẫn là đường Trần Nhân Tôn.
Tại đây, sách bày bán không nhất thiết là sách rẻ tiền, bán xả bán tháo, mà có những cuốn sách khá nhiều tiền, thậm chí rất mắc, đến cả triệu đồng, dù gáy sách có thể không còn nguyên vẹn, màu sách đã úa vàng, phải lật nhẹ, nâng niu. Người tìm mua, muốn có phải đặt trước, có khi chờ đợi hàng tháng trời.
Các cửa hàng sách san sát nhau, trưng bày từ trong nhà, trên quầy, ra đến ngoài hiên. Có cuốn được đặt để ở vị trí trang trọng, cũng có cuốn bị chất thành đống phía trước nhà, bán theo cân ký. Cạnh đó là các quầy sách lộ thiên, bởi nhiều người có sách mà không có chỗ bán. Họ trải một vài tấm bạt nhựa ngay vỉa hè, ai thích thì tấp xe vào lề, mặc sức chọn. Giá thì khá rẻ vì không có nhiều sách quý, trừ phi người sưu tầm cần tìm và cho là quý, khi đó người mua coi như “trúng mánh”.
Còn đối với những nhà sưu tập sách cũ lành nghề, tức là có nhiều kinh nghiệm, họ có thời gian tìm hiểu kỹ những tác phẩm. Họ không chỉ đi dạo các con phố sách mà chấp nhận trả một món tiền khá cao để sở hữu một cuốn sách, bộ sách mà nhiều người dù “thèm” mấy cũng chưa dám mua.
Sách cũ giá bao nhiêu là câu hỏi không thể trả lời. Bộ 29 cuốn Tập san Sử Địa (tam cá nguyệt san), bản in gốc trước năm 1975 (từ 1966 – 1974), do nhóm giáo sư và sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ biên (nhóm của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Lâm Thanh Liêm, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Nhã…) được ra giá trên 20 triệu đồng tại một hội sách ở TP.HCM; vậy mà vẫn có người sở hữu vào giờ chót, trước sự “suýt xoa” của không ít người mê sách.
Đó là chưa kể, sách cũ bây giờ bán cả trên online, mạng xã hội. Người bán công khai loại sách, giá sách trên mạng, cò kè giá cả đôi chút. Sau khi đã “chốt” thì người mua sẽ nhận được sách trong ngày, nếu qua bưu điện thì trong vài ngày. Nhận sách và trả tiền, vẹn cả đôi đường.
VĂN HÓA ĐỌC VẪN CÓ KHÔNG GIAN RIÊNG
Ngày nay, giữa thế giới phẳng, xô bồ mà máy điện toán, mạng internet, sách điện tử (E-book),… tràn ngập trên thế giới mạng, nơi văn hóa thị giác đang thống lĩnh hầu hết các lĩnh vực trong đời sống, nói đến đọc sách, tầm sách, lại là sách cũ thì đúng là chuyện “xưa nay hiếm”. Thế nhưng không phải như vậy.
Về văn hóa đọc, người Sài Gòn chơi sách cũ không phải vì phong trào hay vì có tiền, rảnh rang mà đi mua về rồi bỏ đó. Họ là người đọc sách thực sự. Họ đọc và chăm chút từng ý, từng câu từng chữ chứ không đơn thuần là đọc để nắm bắt nội dung, kiến thức. Bởi vì công việc đó, các sách tái bản hoặc in lại đã làm rồi.
Những quyển như: từ điển Pháp Việt phổ thông của tác giả Đào Văn Tập được xuất bản vào năm 1949, Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh - nhà xuất bản Minh Tân in năm 1951, Việt Nam Sử lược của tác giả Trần Trọng Kim xuất bản năm 1949, Đại Nam Quấc âm tự vị (1891, hai cuốn), Kim Van Kiéou (Kim Vân Kiều, bản tiếng Pháp, năm 1926, bản in thứ 492), Chinh phụ ngâm (bản tiếng Pháp của Bùi Văn Lăng chuyển ngữ, năm 1943), bộ sách của nhóm Tự Lực Văn Đoàn (11 cuốn),… là một vài cái tên trong vô số tên sách cũ in bằng giấy dó từ những năm của thập niên 40, 50, 60, 70 của thế kỷ trước.
Chủ một tiệm sách cũ trên đường Trần Nhân Tôn, phường 9, quận 5, chia sẻ: “Gắn bó với nghề mua bán sách cũ từ nhiều năm, tôi rất mừng khi thấy nhiều bạn trẻ có thú vui sưu tầm sách cũ bằng tất cả tâm huyết của họ, bởi tôi cũng là người mê sách cũ”. Ông cũng cho biết thêm: “Nhiều cuốn sách bị rách bìa, hư gáy sách, được xuất bản từ trước năm 1975 của một số nhà xuất bản hiện đã đi vào dĩ vãng như Khai Trí, Sài Gòn, Thái Bạch… đều được nhiều người hỏi mua, đặt hàng trước dù giá tiền khá cao”.
Không mê sách cũ sao được khi chính họ là người dày công sưu tập đem về những cuốn sách quý hiếm. Có trường hợp, khách vào tiệm sách cũ, gọi chủ nhà suốt mà người bán vẫn cặm cụi, dí mắt vào sách đọc miết đọc mải, đọc đến khi khách gọi lớn tiếng mới giật mình ngẩng lên. “Bán mà tiếc, nhiều cuốn tiếc quá thì cất luôn không bán nữa”, một chủ tiệm sách cũ ở đây nói dứt khoát. Họ chỉ khác người mua một điều, sách cũ sưu tập về để bán lại, còn dân sưu tập thì mua về để đọc, để gìn giữ và thậm chí, thỉnh thoảng khoe với bạn bè.
Nói đến việc đi khoe với bạn bè, dân chơi sách cũ có câu thành ngữ ví von: “Thà cho mượn vợ chứ không cho mượn sách”. Ý nói lên sự mất mát thi thoảng xảy ra mỗi khi cho bạn bè mượn vì nể nang. Người viết bài này cũng là dân mê sách cũ và cũng từng bị “mất ” sách như thế, nên sau này cứ phải giấu giấu giếm giếm nếu có ai đó hỏi mượn.
Ngày nay, khi công nghệ thông tin, mạng internet phát triển, người ta dễ dàng tìm đọc những sách dạng E-book (sách.pdf), hay đặt mua online một vài cuốn sách mới nhất về xem một lượt theo sở thích hoặc theo giới thiệu, quảng cáo của nhà kinh doanh sách online. Thậm chí cứ vào hỏi “thánh Gúc” (Google Search) là có liền.
Vậy mà sách cũ vẫn có một không gian yên ả riêng, vẫn đều đặn và âm thầm hằng ngày, hằng giờ đón tiếp những vị khách thân quen, có người đến đọc rồi đi. Khác với người đi mua sách, đến nhà sách rồi đi, người sưu tập sách cũ có khi bỏ cả ngày trời, lang thang khắp các con đường, tiệm sách để tìm cho bằng được cuốn sách mình thích, cuốn sách mình cần tìm.
Người Sài Gòn đam mê và sưu tập sách cũ vẫn còn khá khiêm tốn. Dù sao, đó là những tín hiệu vui cho thấy giá trị của sách cũ vẫn tiếp tục được lan tỏa. Văn hóa đọc vẫn có một sức sống lâu bền trong thời đại công nghệ số...
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 03-20245 phát hành ngày 20/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam