July 27, 2025 | 00:47 GMT+7

Người thương binh trở về từ “địa ngục trần gian”

Nguyễn Thuấn -

Trở về từ nhà tù Phú Quốc sau gần 1.500 ngày bị giam cầm, mang trên thân mình đầy thương tích, nhưng ông Nguyễn Quốc Phú thương binh hạng 4/4, chưa bao giờ lùi bước. Với ông, “địa ngục trần gian” năm xưa không chỉ là nơi của đau đớn tột cùng, mà còn là nơi hun đúc ý chí thép, để một đời người lính sống trọn vẹn với nghĩa tình và khát vọng cống hiến...

Thương binh Nguyễn Quốc Phú (bên phải) đã trải qua gần 2.000 ngày ở “địa ngục trần gian” - nhà tù Phú Quốc.
Thương binh Nguyễn Quốc Phú (bên phải) đã trải qua gần 2.000 ngày ở “địa ngục trần gian” - nhà tù Phú Quốc.

GẦN 1.500 NGÀY "SỐNG KHÔNG BẰNG CHẾT" Ở PHÚ QUỐC

Một sáng tháng Bảy lặng gió, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Quốc Phú, người từng sống sót trở về từ "địa ngục trần gian" Phú Quốc. Mái tóc đã bạc trắng, nhưng ánh mắt ông vẫn sáng và giọng nói trầm ấm, vững vàng. Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày trở về từ nhà tù Phú Quốc, ông vẫn giữ nguyên ký ức như in về những ngày tháng đen tối, nhưng cũng là quãng thời gian hun đúc bản lĩnh, ý chí cách mạng của đời binh nghiệp.

Tình nguyện nhập ngũ ngày 10/7/1967, khi chưa tròn 20 tuổi, chàng trai trẻ quê Thanh Hóa được phân về Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 2, Sư đoàn 338. Sau thời gian huấn luyện, đến cuối năm ấy, đơn vị ông hành quân vào chiến trường miền Nam.

“Chúng tôi đi bộ suốt 6 tháng trời. Dọc đường có biết bao người ngã xuống vì trúng bom tọa độ. Mỗi lần nhìn đồng đội hy sinh là mỗi lần lòng tôi dâng lên căm thù giặc. Ai cũng mong được sớm vào chiến trường, chiến đấu trực diện với quân thù”, ông Phú nhớ lại.

Tháng 3/1969, khi là trung đội trưởng của C21, Quân đoàn 5, ông bị thương nặng ở chân, bụng và đầu trong một trận đánh ác liệt. Được đơn vị cất giấu tại ấp Tân Hiệp nhưng không may bị lộ, ông rơi vào tay giặc, bị đưa về Sài Gòn tra khảo.

Từ đó bắt đầu chuỗi ngày ông gọi là “sống không bằng chết”. “Ngay khi bị bắt, tôi xác định thà hy sinh chứ không khai báo bất cứ thông tin nào của đơn vị. Tôi cố tình khai sai và thật ngắn để dễ nhớ, tránh lộ sơ hở. Chúng thay nhau tra khảo, dùng ánh sáng cực mạnh chiếu thẳng vào mắt, tra tấn bằng đủ kiểu để tìm kẽ hở, nhưng tôi vẫn giữ được lời khai ban đầu”, ông kể.

Không moi được gì, sau hai tháng, địch đưa ông ra nhà tù Phú Quốc, nơi nổi tiếng với những hình thức tra tấn dã man. Ở đây, ông cùng hàng nghìn chiến sĩ khác phải sống trong điều kiện khắc nghiệt, chịu đựng những cực hình như đóng đinh vào đầu gối, nhốt chuồng cọp, dội nước sôi, nhốt vào thùng phi rồi dùng búa đập bên ngoài.

“Cảnh tượng ấy không thể nào quên. Tiếng la hét, máu chảy, thân người quằn quại. Nhưng tôi chưa bao giờ run sợ. Ngược lại, sự tàn bạo của chúng càng khiến tôi thêm căm giận, thêm quyết tâm không khuất phục”, ông nghẹn ngào.

Trong hoàn cảnh ấy, ông nhanh chóng kết nối với tổ chức Đảng bí mật trong trại giam, được tín nhiệm giao làm bí thư chi đoàn. Ông cùng các đồng đội tổ chức 3 cuộc đào hào vượt ngục, nhiều chiến sĩ đã trốn thoát thành công.

TRỞ VỀ, TIẾP TỤC CỐNG HIẾN

Ngày 21/3/1973, sau gần 1.500 ngày bị giam cầm, ông Nguyễn Quốc Phú được trao trả tù binh. Trở về đơn vị cũ, ông lại tiếp tục ra trận, tham gia chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Sau giải phóng, ông chuyển ngành về làm việc tại Công ty Cầu Thanh Hóa, đảm nhiệm vai trò bí thư đoàn.

Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục theo học tại Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa, rồi chuyển công tác về Tỉnh đoàn. Từ năm 1995, ông sang công tác tại Hội Cựu chiến binh tỉnh Thanh Hóa, đảm nhiệm vị trí Trưởng ban phong trào cho đến khi nghỉ hưu năm 2008.

Nhiều người nghĩ, nghỉ hưu là gác lại mọi việc. Nhưng với ông Phú, đó là khởi đầu của một hành trình sống để chăm lo cho đồng đội, những người từng cùng ông đi qua “lửa đạn” và “địa ngục”.

Ông tham gia sinh hoạt tại Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (Thanh Hóa), rồi được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch hội vào năm 2022. Ông đi khắp nơi, kết nối đồng đội, tìm cách hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi xây nhà tình nghĩa, động viên nhau sống tốt.

“Bây giờ hội chỉ còn khoảng 600 người, giảm hơn một nửa so với ban đầu. Nhưng anh em vẫn gặp gỡ thường xuyên. Ai ốm đau thì thăm hỏi, ai thiếu thốn thì cùng nhau giúp đỡ. Tôi thấy mình có trách nhiệm phải làm những điều đó”, ông chia sẻ.

Ông Phú tích cực kết nối đồng đội, tìm cách hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi xây nhà tình nghĩa, động viên nhau sống tốt.
Ông Phú tích cực kết nối đồng đội, tìm cách hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi xây nhà tình nghĩa, động viên nhau sống tốt.

Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng với ông Phú, những ngày tháng chiến đấu, bị thương, bị giam cầm vẫn còn nguyên vẹn. Mỗi lần có dịp kể lại, ông đều nghẹn ngào, nhưng không phải vì nỗi đau, mà vì sợ người ta quên đi.

“Đời binh nghiệp là phần không thể thiếu trong cuộc đời tôi. Đó là những năm tháng thiêng liêng, phải ghi nhớ để kể lại cho con cháu. Không được quên!”, ông nói, mắt nhìn xa xăm như đang sống lại quãng thời gian tuổi trẻ khát khao ra trận.

Với những cống hiến trong chiến tranh và cả thời bình, ông Nguyễn Quốc Phú đã được Đảng, Nhà nước trao tặng 24 huân, huy chương và bằng khen các loại. Nhưng hơn tất cả, phần thưởng lớn nhất là sự kính trọng của đồng đội, tình cảm của người dân, và lòng tự hào của con cháu.

Ở tuổi gần 80, ông vẫn giữ thói quen tập thể dục mỗi sáng, tự tay chăm chút khu vườn nhỏ, và dạy cháu học. Cuộc sống của người thương binh già tưởng như bình dị, nhưng ẩn chứa phía sau là một câu chuyện về lòng quả cảm, đức hy sinh và tinh thần cách mạng bất khuất.

Tháng Bảy – tháng tri ân khi cả nước nghiêng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thì những người như ông Phú là minh chứng sống động nhất cho tinh thần “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”. Một thế hệ từng bước qua khói lửa, vẫn lặng lẽ gìn giữ ký ức, hun đúc tinh thần dân tộc, để truyền lại cho thế hệ sau bằng cả cuộc đời.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate