Giá thành đầu vào để sản xuất sữa đã giảm, nhưng giá bán sữa vẫn không giảm, một phần cũng do người tiêu dùng.
Quan điểm trên đã được nhiều đại biểu tham gia hội thảo “Sữa với người tiêu dùng Việt Nam”, tổ chức hôm qua (28/5) tại Hà Nội, chia sẻ.
Tại đây, ông Đỗ Kim Tuyên, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết: người tiêu dùng Việt Nam hiện đang phải chịu thiệt thòi lớn do giá sữa trong nước và thế giới chênh lệch quá nhiều.
Giá sữa bột trên thế giới hiện nay đã giảm hơn 50% từ trên 5.000 USD/tấn xuống còn dưới 2.000 USD/tấn so với năm 2007 và giữa năm 2008. Ngoài ra, thuế nhập khẩu sữa cũng đã giảm mạnh, nhưng giá bán sữa trong nước vẫn không giảm mà chỉ chững lại, thậm chí còn tăng lên.
Cụ thể, một hộp sữa bột Dumex trong năm 2008 có giá là 300.000 đồng, nay được bán với giá 330.000 đồng. Về lợi nhuận người sản xuất hưởng lợi tới 28%, còn người phân phối hưởng là 13%. “Mức lợi nhuận trên là quá cao”, ông Tuyên nhìn nhận.
Còn ông Hồ Tất Thắng, Phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam thì cho hay: giá sữa trên thị trường nước ta hiện nay, đặc biệt là giá sữa nhập khẩu chưa phản ánh đầy đủ mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng, chưa đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các bên.
Ông dẫn ra, với chất lượng tương đương, giá sữa bột nhập ngoại luôn cao hơn từ 2-3 lần so với sữa sản xuất trong nước và cao hơn sữa ở Thái Lan 1,5 lần, Malaysia là 2 lần.
Trong khi giá nguyên liệu sữa trên thế giới hiện nay đã giảm mạnh chỉ còn bằng ½ so với thời kỳ cao điểm năm 2007, 2008. Thuế nhập khẩu trong năm 2008 cũng đã giảm rất nhiều, nên việc các nhà nhập khẩu viện lý do chênh lệch tỷ giá để không giảm giá bán cũng là điều không hợp lý.
“Sự chênh lệch quá lớn giữa sữa bột sản xuất trong nước và sữa bột nhập khẩu với chất lượng tương đương là việc không bình thường”, ông Thắng bức xúc.
Theo ông, nguyên nhân khiến cho sữa ngoại chiếm thị phần lớn (60%) trên thị trường nước ta và có giá cao là do tâm lý chuộng sữa ngoại của một bộ phận người tiêu dùng. Thậm chí nhiều gia đình dù khó khăn vẫn cố dành ra một khoản thu nhập để mua sữa ngoại cho con.
Bên cạnh đó, việc các hãng sữa nước ngoài liên tục quảng cáo về việc bổ sung thêm các chất có tác dụng tốt đến sự phát triển của trẻ em đã khiến người dân “hoang tưởng” về chất lượng của sữa ngoại.
Thêm nữa, gần đây các phương tiện thông tin đại chúng lại liên tục đưa tin về các loại sữa có chất lượng và hàm lượng đạm khác xa so với công bố đã khiến người tiêu dùng càng mất niềm tin vào sữa sản xuất trong nước và chuyển sang sử dụng sữa nhập ngoại do tin rằng những sản phẩm này được kiểm soát tốt hơn về mặt vệ sinh, an toàn thực phẩm.
“Việc thiếu thông tin về các cơ sở sản xuất trong nước đảm bảo chất lượng, uy tín cũng đã làm cản trở việc sử dụng sữa nội của người tiêu dùng trong nước”, ông Thắng nhận định.
Theo đó, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng kiến nghị Bộ Y tế cùng các cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy trình kỹ thuật quốc gia về yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh cho sữa và sản phẩm từ sữa; nghiên cứu thay đổi phương thức và nội dung quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ sữa; quy hoạch lại ngành sản xuất kinh doanh sữa, nâng thị phần sữa sản xuất trong nước từ 30% lên 50% và cao hơn nữa; nâng tỷ lệ nguồn nguyên liệu trong nước từ 20% lên 40%.
Song song với những việc trên cũng cần tăng cường kiểm soát hoạt động quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại đối với sữa và sản phẩm sữa để cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; đưa mặt hàng sữa vào danh mục các mặt hàng nhà nước bình ổn và kiểm soát về giá; tuyên truyền hướng dẫn, nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng về sữa, hướng dẫn người sử dụng lựa chọn sữa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, giá cả hợp lý; xã hội hoá hoạt động quản lý chất lượng an toàn vệ sinh sữa và sản phẩm từ sữa.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate