November 22, 2022 | 15:46 GMT+7

Người tiêu dùng Mỹ lo bị lạm chi trước thềm Black Friday

Băng Hảo -

2022 là một năm khó khăn đối với người tiêu dùng Mỹ. Lạm phát ở mức cao, lãi suất tăng, thị trường nhà đất bắt đầu giảm nhiệt. Điều đó đặt ra không ít câu hỏi với những ngày lễ cuối năm đang cận kề: Liệu người tiêu dùng có còn nhiều tiền để mua sắm hay không?...

Ảnh: The Guardian
Ảnh: The Guardian

Những con số thống kê cho thấy người dân Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn là tiết kiệm so với thu nhập hàng tháng, do lạm phát đang xảy ra làm giá cả tăng cao. Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho biết số dư thẻ tín dụng đã tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 3, mức tăng lớn nhất trong hơn hai thập kỉ. Tỉ lệ nợ quá hạn 30 ngày đã tăng lên ở các nhóm thu nhập.

Chuyên gia Ian Shepherdson từ Công ty tư vấn kinh tế Pantheon Macroeconomics cho biết, tỉ lệ tiết kiệm giảm có thể là một dấu hiệu căng thẳng tài chính. Hãng tài chính JP Morgan Chase thì đưa ra nhận định tổng số tiền tiết kiệm rơi vào khoảng 1,2 đến 1,8 nghìn tỉ USD trong quý 3 vừa qua và sẽ cạn kiệt vào nửa cuối năm 2023. Các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs thì ước tính các hộ gia đình đã chi tiêu khoảng 25% số tiền tiết kiệm, đến cuối năm 2023 sẽ là 60%.

Kì nghỉ lễ sắp tới sẽ là thời điểm “phân chia thu nhập” khi người dân buộc phải mua sắm những vật dụng thiết yếu. Joseph Brusuelas, chuyên gia công ty kiểm toán RSM US LLP nhận định: “Mùa nghỉ lễ sắp tới sẽ đón nhận mức chi tiêu mạnh mẽ của những người có thu nhập cao từ du lịch nghỉ dưỡng. Với những người có thu nhập trung bình và thấp, đây sẽ là một mùa lễ khiêm tốn”.

Hàng hóa, quà tặng đang tăng giá trong khi chỉ mấy ngày nữa là Black Friday sẽ tới. Theo CBS News, mùa mua sắm trong dịp lễ này sẽ kéo dài hơn, đắt đỏ hơn và theo một cách nào đó là hỗn loạn hơn so với những năm trước và dễ khiến người tiêu dùng bị lạm chi. Báo cáo của PayPal Honey cho thấy, các chương trình giảm giá sẽ đặc biệt quan trọng vì so với năm ngoái giá các loại đồ chơi, trò chơi điện tử hiện đã đắt hơn 11%, giá máy pha cà phê tăng 7% và các dụng cụ, thiết bị đi xe đạp tăng giá 9%.

Khoảng 25% người tiêu dùng sẽ chọn các loại hàng hóa phiên bản giá rẻ hoặc quà tặng thiết thực.
Khoảng 25% người tiêu dùng sẽ chọn các loại hàng hóa phiên bản giá rẻ hoặc quà tặng thiết thực.

Reuters mới đây có một bài viết với tựa đề: "Ưu đãi sớm cho Black Friday rất nhiều, nhưng những món hời thực tế thì khan hiếm". Đối với đồ chơi, một mặt hàng phổ biến thường được sử dụng làm quà tặng trong dịp lễ, tờ báo này trích dữ liệu của DatWeave cho thấy, ngay cả khi đã giảm giá sâu, người tiêu dùng vẫn phải chi nhiều tiền hơn cho một số mẫu ô tô đồ chơi phổ biến, vì giá tăng còn nhanh hơn so với khuyến mãi.

Một khảo sát khác về mua sắm trong dịp lễ của TransUnion thì cho thấy, năm nay người Mỹ dự kiến sẽ mua trung bình khoảng 9 món quà, giảm so với con số 16 vào năm ngoái, đồng thời hạn chế mua những thứ không phải là quà tặng như đồ trang trí trong ngày lễ. Khoảng 25% người tiêu dùng sẽ chọn các loại hàng hóa phiên bản giá rẻ hoặc quà tặng thiết thực hơn chẳng hạn như thẻ xăng dầu.

Theo kết quả nghiên cứu của DataWeave, công ty phân tích giá hàng hóa trực tuyến hàng ngàn sản phẩm khác nhau của các hãng bán lẻ, hàng may mặc là danh mục duy nhất trong khoảng 12 loại hàng hóa mà giá còn thấp hơn giá mùa sale năm trước. Nhìn chung, khách mua hàng may mặc trong mùa giảm giá năm nay được rẻ hơn khoảng 5% so với năm ngoái nhưng tình hình này đang tạo áp lực đáng kể cho các công ty may mặc bởi chi phí sản xuất của họ vẫn tăng nhưng giá bán lại giảm sâu.

Hàng may mặc là danh mục duy nhất trong khoảng 12 loại hàng hóa mà giá còn thấp hơn giá mùa sale năm trước.
Hàng may mặc là danh mục duy nhất trong khoảng 12 loại hàng hóa mà giá còn thấp hơn giá mùa sale năm trước.

Tuy nhiên, người tiêu dùng năm nay có nhiều lựa chọn hơn là chỉ mua quần áo; họ có thể dành tiền đi du lịch và mua các mặt hàng thiết yếu, cho nên hàng may mặc lại chất đống trên kệ, giá vì không có người mua. Trong khi đó, lạm phát cao năm nay lại khiến giá cả các đồ gia dụng, sản phẩm làm đẹp, đồ điện tử, nội thất… đều tăng lên. Dù các hãng đã giảm giá nhiều nhưng người tiêu dùng thực ra vẫn phải trả nhiều tiền hơn khi mua các mặt hàng này so với cùng thời điểm này năm trước.

Khảo sát của hãng Accenture PLC cho thấy có tới 150 giám đốc các hãng bán lẻ cho biết họ phải tăng mức khuyến mại, chiết khấu trong mùa lễ hội năm nay, trong đó khoảng 1/3 số giám đốc doanh nghiệp được hỏi cho biết họ phải chấp nhận giảm giá sâu để giải quyết hàng tồn kho.

Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin CNN mới đây, ngay cả nhà sáng lập của Amazon cũng đã khuyên người tiêu dùng tiết kiệm tiền và tránh tiêu cho những khoản không cần thiết trong kỳ nghỉ lễ. "Nếu bạn là một cá nhân đang cân nhắc mua TV màn hình lớn, bạn có thể nên đợi, hãy giữ tiền của mình và xem điều gì sẽ xảy ra. Điều tương tự cũng đúng với một chiếc ô tô mới, tủ lạnh hoặc bất kỳ thứ gì khác", tỷ phú Jeff Bezos nói.

Ông Jeff Bezos đưa ra tuyên bố này ngay trước thềm Black Friday. Trong thời gian này, người tiêu dùng có thể xuất hiện tràn ngập trên Amazon để tìm kiếm các ưu đãi và mua sắm với giá hời. Nếu ai cũng làm theo lời khuyên của Jeff Bezos, doanh số bán hàng của Amazon sẽ thấp hơn mọi năm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate