November 18, 2024 | 08:56 GMT+7

Người trẻ Trung Quốc đang tập sống tối giản

Minh Anh -

Trong bối cảnh áp lực kinh tế và xã hội gia tăng, thế hệ Millennials và Gen Z tại Trung Quốc đang chuyển hướng sang lối sống tối giản, đồng thời định nghĩa lại thành công theo cách của riêng họ…

Ảnh: Jing Daily
Ảnh: Jing Daily

Tại Trung Quốc, ngày càng nhiều người trẻ từ bỏ thói quen mua trà sữa và cà phê uống hàng ngày, thay vào đó là áp dụng triết lý “càng ít càng nhiều”, sống tiết kiệm nhưng vẫn tận hưởng trọn vẹn từng khoảnh khắc. Xu hướng này phản ánh sự rời xa lối sống “996” (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần), công việc văn phòng và các tiêu chuẩn truyền thống về thành công cũng như địa vị tại quốc gia này.

“Mỗi ngày một cốc trà sữa là 10.000 nhân dân tệ (khoảng 1.407 USD) mỗi năm,” blogger về lối sống tối giản, Trình Du Du, chia sẻ. “Không biết tiết kiệm mới đáng xấu hổ, chứ nghèo không phải điều đáng hổ thẹn.” Nhiều bình luận khác cũng đồng tình rằng việc không có nhiều tiền không đáng xấu hổ, và những khoản chi tiêu nhỏ hàng ngày như trà sữa hay cà phê “không thực sự cải thiện chất lượng cuộc sống — vậy nên hãy tiết kiệm khi có thể”.

Nhiều người trẻ Trung Quốc cho rằng những khoản chi tiêu nhỏ hàng ngày như trà sữa hay cà phê không thực sự cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nhiều người trẻ Trung Quốc cho rằng những khoản chi tiêu nhỏ hàng ngày như trà sữa hay cà phê không thực sự cải thiện chất lượng cuộc sống.

Thế hệ Millennials và Gen Z ở Trung Quốc đang ưu tiên sự đủ đầy về tâm trí thay vì đeo bám chủ nghĩa làm việc cực đoan như trước đây. Xu hướng này ngày càng rõ ràng trên các mạng xã hội, nơi cư dân mạng ủng hộ các khái niệm như “cuộc sống ít ham muốn” và “lối sống tối giản”.

“Hãy mua những gì thật sự cần thiết, đừng bao giờ chạy theo xa xỉ,” blogger “Cuộc sống đơn giản của Peach" - người từng là một giám đốc tài chính, chia sẻ trên nền tảng Xiaohongshu. “Tôi chỉ cắt tóc với giá không quá 15 nhân dân tệ (khoảng 2,11 USD) mỗi tháng… Ngoài thời gian dành cho gia đình, sở thích duy nhất của tôi là đọc sách”.

Lễ hội mua sắm Ngày Độc thân của Trung Quốc năm nay đã bắt đầu vào ngày 14/10, sớm hơn một tuần so với năm ngoái, khi các công ty thương mại điện tử Alibaba và JD.com đang đối mặt với doanh số chi tiêu tiêu dùng ảm đạm, theo CNBC. Giữa bối cảnh nền kinh tế trong nước của Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự báo, người tiêu dùng không còn chi tiêu mạnh mẽ như trước trong dịp mua sắm này.

“Mỗi ngày chúng tôi chỉ tiêu vài trăm nhân dân tệ cho các nhu yếu phẩm hàng ngày”, bà Wang Haihua, chủ một phòng tập thể dục ở Bắc Kinh, chia sẻ. Nhận xét về xu hướng chi tiêu của thị trường Trung Quốc, bà Ashley Dudarenok, người sáng lập ChoZan, một công ty tư vấn tiếp thị Trung Quốc nhận xét: “Tâm lý năm nay khá khác biệt, bình tĩnh hơn nhiều. Người tiêu dùng Trung Quốc không bị cuốn vào cơn sốt mua mua mua, họ đang săn lùng những sản phẩm mà họ thực sự cần thay vì chỉ là giá thấp hơn”.

Điều này có thể thấy qua việc các danh mục như đồ thể thao và thể hình đang bán rất chạy vì khách hàng đã bắt đầu “đổi chiếc túi Gucci sang đồ thể thao Lululemon”. Các nền tảng như JD.com và Alibaba, điều hành các sàn thương mại điện tử Taobao và Tmall, trước đây từng công bố giá trị giao dịch trong suốt sự kiện nhưng giờ đây đã ngừng công bố số liệu tổng thể.

SỰ PHẢN KHÁNG CỦA NGƯỜI TRẺ TRƯỚC GUỒNG QUAY ÁP LỰC CỦA CUỘC SỐNG

“Phong trào ‘nằm thẳng’ ở Trung Quốc cho thấy giới trẻ đang chống lại những áp lực từ xã hội, kinh tế khó khăn và kỳ vọng công việc quá mức… Nhiều người hiện đang tìm kiếm một cuộc sống đơn giản và cân bằng hơn,” Mạc Châu, cựu nhân viên công nghệ Trung Quốc và người sáng lập công ty truyền thông xã hội Hybrid Rituals, nhận định. “Những xu hướng này xuất hiện do tầng lớp trung lưu Trung Quốc — trụ cột của văn hóa tiêu dùng trong nước — đã chịu tổn thất nặng nề thời gian qua”.

Người trẻ Trung Quốc đang tập sống tối giản - Ảnh 1

Theo ông Châu, sau cuộc suy thoái kinh tế và những biến động trong ngành bất động sản, nhiều người đã mất đi “lưới an toàn” tài chính vì đã đầu tư nhiều vào bất động sản. “Những yếu tố như nền kinh tế phục hồi chậm sau đại dịch, lạm phát, cơ hội việc làm giảm sút và các phúc lợi như thưởng hay tăng lương bị thu hẹp đã khiến mọi người suy nghĩ lại về thói quen chi tiêu của mình”.

Theo báo cáo của tờ South China Morning Post, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi 16 - 24 tại Trung Quốc vào tháng 9 đạt 17,6% — giảm nhẹ nhưng vẫn là một trong những mức cao nhất được ghi nhận trong năm 2024. Tỷ lệ này ảnh hưởng đến khoảng 1/6 thanh niên, trong bối cảnh hơn 11,79 triệu sinh viên tốt nghiệp tham gia vào thị trường lao động Trung Quốc năm nay.

Người trẻ Trung Quốc đang tập sống tối giản - Ảnh 2

Chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục thúc đẩy mục tiêu “việc làm chất lượng cao” nhằm duy trì sự ổn định. Trong một bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm với các yếu tố như “vị trí ổn định, thu nhập hợp lý, bảo hiểm đáng tin cậy và an toàn lao động”.

 Tuy nhiên, thế hệ trẻ đang tự định hướng con đường riêng của họ. Họ lựa chọn sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, kết hợp lối sống tối giản và tiết kiệm như một cách để đối phó với nền kinh tế đầy thách thức. Trên nền tảng mạng xã hội Xiaohongshu, nơi giới trẻ Trung Quốc thường thảo luận về xu hướng sống và triết lý cá nhân, không ít người đang từ chối các con đường sự nghiệp truyền thống để theo đuổi công việc tự do và lối sống đơn giản hơn.

ƯU TIÊN NGHỈ NGƠI VÀ DU LỊCH

Sự gia tăng của xu hướng “workation” – kết hợp làm việc và nghỉ dưỡng – đã trở thành biểu tượng cho lối sống lý tưởng của nhiều người trẻ Trung Quốc. Khái niệm này, đôi khi được gọi là “bizcation” khi kết hợp giữa công việc và giải trí, mang đến cho những người lao động trẻ cơ hội cân bằng giữa trách nhiệm công việc và mong muốn khám phá những điểm đến mới.

Người trẻ Trung Quốc đang tập sống tối giản - Ảnh 3

Nhiều bạn trẻ tại Trung Quốc cảm thấy các cột mốc truyền thống trong cuộc sống ngày càng khó đạt được, khiến họ trân trọng hơn những trải nghiệm mang lại sự thỏa mãn tức thời, như du lịch. Sự chuyển hướng này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn có ý nghĩa lớn đối với các công ty du lịch và các nhà tuyển dụng đang nỗ lực thu hút, giữ chân thế hệ Gen Z tại Trung Quốc.

Lực lượng lao động Gen Z tại Trung Quốc đang trở thành nhóm khách hàng chính trong ngành du lịch, khi những sở thích độc đáo của họ đang định hình lại toàn bộ lĩnh vực này. Năm 2023, có 71 triệu công dân Trung Quốc du lịch quốc tế, và con số này được dự đoán sẽ gần như gấp ba trong vòng bốn năm tới. Đa phần nhóm khách du lịch này là những người trẻ khi gần 2/3 là dưới, nữ giới và hành động khá bộc phát, với gần 70% đặt vé trong vòng một tháng trước ngày khởi hành.

Người trẻ Trung Quốc đang tập sống tối giản - Ảnh 4

Xu hướng này không chỉ thay đổi lối sống và thói quen tiêu dùng của giới trẻ Trung Quốc, mà còn báo hiệu một sự thay đổi văn hóa lớn, khi thế hệ này đặt trọng tâm vào trải nghiệm và cân bằng. “Những xu hướng này phản ánh một sự dịch chuyển toàn cầu, nơi người trẻ đặt câu hỏi về định nghĩa truyền thống của thành công, và lựa chọn cân bằng thay vì làm việc đến kiệt sức,” ông Mạc Châu nhận định.

“Điều này hoàn toàn phù hợp với câu nói trong Đạo giáo: Con đường phía trước là sự giản dị, càng ít càng nhiều,” blogger “Cuộc sống đơn giản của Peach” viết. “Cuộc sống càng đơn giản, ta càng giàu có.”

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate