July 06, 2024 | 10:09 GMT+7

Nguồn cung nhà ở trong nửa đầu năm tăng 182%

Thanh Xuân -

6 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn cung bất động sản nhà ở có sự tăng trưởng mạnh, đạt mức tăng 182% so với cùng kỳ năm 2023, và tăng 46% so với thời điểm cuối năm 2023...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services (Dat Xanh Services - FERI) vừa công bố báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo thị trường  6 tháng cuối năm 2024. Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Anh Khôi, Viện trưởng FERI, cho biết thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam nửa đầu năm 2024 đã ghi nhận tăng cả về nguồn cung, tỷ lệ hấp thụ và giá bán.

PHÍA BẮC CHIẾM TỶ TRỌNG LỚN VỀ NGUỒN CUNG MỚI

Theo ông Khôi, thống kê 6 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn cung bất động sản nhà ở đạt mức tăng 182% so với cùng kỳ năm 2023, và tăng 46% so với thời điểm cuối năm 2023. Trong đó, khu vực phía Bắc chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn cung mới, với hơn 50%. Tuy nhiên, về nguồn cung sơ cấp, khu vực phía Nam vẫn dẫn đầu với hơn 45%. Bên cạnh đó, khu vực miền Trung cũng khởi sắc, khi tổng nguồn cung sơ cấp vào cuối tháng 6/2024 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ 2023.

Ông Khôi cũng đánh giá nhu cầu thị trường nhà ở đã khả quan hơn. Cụ thể, tỷ lệ hấp thụ chung của toàn thị trường tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ hấp thụ được nhận định tăng trưởng dần qua các quý, đặc biệt là trong những tháng sau Tết Nguyên đán. Khu vực phía Bắc, nhất là thị trường Hà Nội tiếp tục dẫn đầu với kết quả bán hàng tốt nhất, vượt xa thị trường khác. Nhu cầu thuê căn hộ tại khu vực trung tâm và đô thị vệ tinh có xu hướng tăng, tiếp tục cho thấy sự phục hồi và phát triển của thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, giá bán sơ cấp ghi nhận tăng từ 5-10%, riêng loại hình căn hộ có mức tăng trung bình cao nhất lên đến 20%. Đặc biệt, tại Hà Nội, phân khúc chung cư có mức tăng giá trung bình 30% - 40%.

Tại thị trường thứ cấp, dù tình trạng bán cắt lỗ còn nhưng đã tăng nhẹ ở hầu hết các loại hình sản phẩm, tăng mạnh ở loại hình nhà phố riêng lẻ. Tương tự, giá cho thuê nhà ở tăng từ 5-10%, đặc biệt ở phân khúc căn hộ. Điều đó cho thấy sự dần ổn định và phát triển của thị trường.

Từ diễn biến thực tế, ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Dat Xanh Services, nhận định niềm tin trên thị trường đang dần hồi phục. Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến những diễn biến tích cực vào nửa cuối năm 2024 bởi các yếu tố hỗ trợ. 

TIẾP TỤC CÓ NHIỀU YẾU TỐ HỖ TRỢ

"Trong đó, việc ban hành và thi hành những bộ luật mới có thể tạo ra điều kiện thuận lợi, cụ thể hóa và bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Mặt khác, đối với nguồn lực tài chính, nhà đầu tư cùng bên liên quan trên thị trường đang rất tích cực chuẩn bị, nhằm giúp thị trường hoạt động ổn định và hiệu quả hơn. Đặc biệt, trên thị trường bất động sản còn có sự cải thiện đáng kể về nguồn cung sản phẩm mới phù hợp hơn với nhu cầu đa dạng của khách hàng. Trong khi đó, nhu cầu bất động sản tiếp tục có dấu hiệu tăng lên, nhất là từ nhà đầu tư và người mua sở hữu”, ông Tiến nhấn mạnh.

Theo vị này, những diễn biến trên tạo nên động thái tích cực cho thị trường bất động sản Việt Nam, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững, hài hòa trong thời gian tới.

Dự báo kịch bản cho thị trường bất động sản nhà ở nửa cuối năm 2024, Đất Xanh cho rằng sẽ có kịch bản khác nhau.

Thứ nhất, với kịch bản lý tưởng, nguồn cung mới tăng mạnh 35-40%, lãi suất thả nổi duy trì ở mức 9-11%, giá bán tăng 10-15% và tỷ lệ hấp thụ đạt 40-45%. Đây là kịch bản lạc quan nhất, kỳ vọng vào sự phục hồi sớm của thị trường.

Thứ hai, kịch bản kỳ vọng, nguồn cung mới tăng 25-30%, lãi suất thả nổi ở mức 9-11%, giá bán tăng 5-8% và tỷ lệ hấp thụ đạt 30-35%. Đây là kịch bản khả thi nhất, phản ánh sự tăng trưởng được cải thiện tích cực hơn của thị trường.

Thứ ba, kịch bản thách thức, nguồn cung mới tăng 15-25%, lãi suất thả nổi lên tới 10-12%, giá bán tăng 3-5% và tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 20-25%. Đây là kịch bản cẩn trọng nhất, là dấu chỉ của việc thị trường đi vào chu kỳ hồi phục chậm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate