February 13, 2025 | 16:19 GMT+7

Nguồn gốc ý tưởng thuế quan có đi có lại của ông Trump

An Huy -

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump dự kiến vào ngày thứ Năm (13/2) sẽ công bố đánh thuế quan có đi có lại đối với tất cả các quốc gia áp thuế quan lên hàng hóa Mỹ...

Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Mỹ Donald Trump - Ảnh: Bloomberg.

Theo tờ báo Wall Street Journal (WSJ), một động thái như vậy đồng nghĩa Mỹ sẽ đi trệch xa hơn khỏi các nguyên tắc thương mại toàn cầu.

Nguồn thạo tin tiết lộ với WSJ rằng trong số các trợ lý của ông Trump, ông Peter Navarro - người giữ vai trò cố vấn cấp cao về thương mại và sản xuất - là người ủng hộ hàng đầu đối với ý tưởng thuế quan có đi có lại.

Trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên của ông Trump, ông Navarro đã hậu thuẫn ý tưởng này, kêu gọi các nghị sỹ dành sự ủng hộ cho một dự luật thuế quan có đi có lại được khởi xướng bởi nghị sỹ Cộng hòa Sean Duffy - người hiện là Bộ trưởng Bộ Giao thông trong chính quyền Trump 2.0.

CÁC HÀNG RÀO PHI THUẾ QUAN CŨNG SẼ ĐƯỢC TÍNH ĐẾN

Một dự luật tương tự đã được đưa ra tại Hạ viện Mỹ vào tháng trước, nhưng các cố vấn của ông Trump nói họ sẽ không đợi cho tới khi Quốc hội thúc đẩy ý tưởng này. Thay vào đó, ông Trump muốn hành động ngay bằng một sắc lệnh điều hành, sử dụng thẩm quyền của tổng thống để áp thuế quan lên những quốc gia mà ông cho là đối xử không công bằng với Mỹ.

“Thương mại có đi có lại. Đó là điều công bằng nhất trên thế giới. Nếu họ lừa dối chúng tôi, điều đó không được phép xảy ra”, ông Navarro nói trên kênh CNN hôm 11/2.

Một quan chức Nhà Trắng cho biết ông Trump đã muốn áp thuế quan có đi có lại từ nhiệm kỳ trước, và lần này, ông Navarro là “một trong nhiều người” thực thi chính sách này.

Gần đây, ông Trump tuyên bố sẽ sớm đưa ra một kế hoạch nhằm cân bằng thuế quan giữa Mỹ với gần như tất cả các đối tác thương mại của Mỹ. Nói với các nhà báo, ông Trump cho biết động thái như vậy có nghĩa là nếu một quốc gia áp mức thuế quan nhất định lên Mỹ, nước đó sẽ bị Mỹ áp mức thuế quan đúng như vậy.

“Đây là điều mà Tổng thống đặt niềm tin mạnh mẽ. Đó là nguyên tắc vàng mà chúng ta học được khi lớn lên ở trường học: hãy đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử”, thứ ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt phát biểu ngày 12/2, nói thêm rằng ông Trump sẽ công bố thuế quan này vào ngày thứ 13/2.

Việc Mỹ cân bằng thuế quan với các quốc gia khác có nghĩa là một số nước đang phát triển có thể phải chịu mức thuế cao hơn, đặc biệt là Ấn Độ, Brazil, Việt Nam, Argentina và nhiều quốc gia Đông Nam Á và châu Phi khác. Những quốc gia này đều đánh thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đối với các mặt hàng như hàng nông sản và ô tô. Một sắc lệnh thuế quan có đi có lại cũng sẽ không loại trừ các nền kinh tế phát triển.

Theo những người thân cận với ông Trump, kế hoạch này có thể không chỉ đơn giản là cân bằng với thuế quan của các quốc gia khác, mà còn tính đến các rào cản thương mại phi thuế quan. Những rào cản đó bao gồm thuế đánh vào các công ty Mỹ - chẳng hạn như thuế giá trị gia tăng - trợ cấp của chính phủ cho doanh nghiệp, hoặc các quy định gây trở ngại cho các công ty Mỹ kinh doanh ở nước ngoài.

Như vậy, các quốc gia như Nhật Bản và các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) có thể phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn tại thị trường Mỹ nếu so với mức thuế quan mà họ áp lên hàng hóa Mỹ. Và điều đó cũng có nghĩa là các quốc gia như Trung Quốc - hiện có mức thuế quan bình quân thấp hơn Mỹ nhưng lại có một số rào cản phi thuế quan - cũng có thể phải đối mặt với các mức thuế bổ sung đối với hàng hóa mà những nước đó xuất khẩu sang Mỹ.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Bill Hagerty, một đồng minh thân cận của ông Trump tại Thượng viện, cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống vào hôm thứ Sáu tuần trước về chiến lược thuế quan có đi có lại. “Trợ cấp và các rào cản pháp lý cũng có tác động tương tự như thuế quan”, ông Hagerty nói.

NHỮNG CĂN CỨ PHÁP LÝ

Nếu ông Trump triển khai thuế quan có đi có lại, cam kết mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử về áp thuế quan phủ khắp 10-20% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu có thể sẽ không trở thành hiện thực nữa. Đó là vì việc Mỹ đưa ra mức thuế quan tương xứng với thuế quan và rào cản thương mại của các quốc gia khác áp lên hàng hóa Mỹ đồng nghĩa rằng mức thuế sẽ không giống nhau đối với các quốc gia khác nhau, và điều này hoàn toàn xung đột với ý tưởng một mức thuế quan phủ khắp.

Ông Navarro nói với hãng tin CNN: “Chúng tôi sẽ xem xét tất cả các đối tác thương mại của Mỹ, bắt đầu với những nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất, xác định xem họ có lừa dối Mỹ không và nếu có, chúng tôi sẽ có biện pháp để xử lý”.

Ông cũng cho biết các bộ Tài chính, Thương mại và Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) sẽ phối hợp để đánh giá mức thuế quan và các hàng rào phi thương mại mà các đối tác thương mại của Mỹ đặt ra với hàng hóa Mỹ.

Một khi đã có đầy đủ các thông tin đó, chính quyền Mỹ có thể bắt đầu tính toán bao nhiêu hàng hóa Mỹ phải chuyển hướng vì hàng rào thương mại của một nước, rồi đưa ra một mức thuế quan của Mỹ phản ánh khối lượng thương mại đó - nguồn thạo tin cho biết.

Cũng theo các nguồn thạo tin, giới chức Mỹ đã xem xét Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 - mục cho phép áp dụng thuế quan để giải quyết sự phân biệt đối xử của các chính phủ nước ngoài. Chính quyền cũng đang cân nhắc việc viện dẫn Mục 338 của Đạo luật Thuế quan năm 1930, vốn đã không được sử dụng trong nhiều thập kỷ nhưng cho phép áp dụng mức thuế lên tới 50% đối với các quốc gia phân biệt đối xử hoặc “gây bất lợi” cho các công ty Mỹ.

Ngoài ra, Tổng thống có thể triển khai Đạo luật Quyền lực kinh tế khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), đạo luật mà ông Trump đã sử dụng để áp mức thuế quan bổ sung 10% gần đây đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, đạo luật này sẽ yêu cầu Tổng thống phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và việc đó nhiều khả năng có thể khiến ông Trump phải đối mặt với sự giám sát pháp lý.

Chính phủ Mỹ cũng có thể tập hợp một số thẩm quyền pháp lý khác nhau, tùy thuộc vào việc quốc gia nào là mục tiêu áp thuế quan.

Cho dù ông Trump chọn con đường pháp lý nào để áp thuế quan có đi có lại, các chuyên gia thương mại cho rằng thuế quan này sẽ cho thấy Mỹ tiếp tục đi trệch hơn nữa khỏi các quy tắc và chuẩn mực thương mại toàn cầu được thiết lập như một phần của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trong nhiệm kỳ cầm quyền đầu tiên, ông Trump đã làm suy yếu WTO bằng cách chặn việc bổ nhiệm thành viên cho hội đồng giải quyết tranh chấp hàng đầu của tổ chức này.

Theo một số chuyên gia thương mại, thuế quan có đi có lại sẽ pha loãng khái niệm của WTO về quy chế “tối huệ quốc” (MFN) - một nguyên tắc của tổ chức yêu cầu các quốc gia thành viên đảm bảo mức thuế quan và sự đối xử pháp lý bình đẳng với các thành viên khác. Hành động này sẽ “làm mất đi một phần lớn nguyên nhân sâu xa cho sự ra đời của WTO” - theo bà Christine McDaniel, cựu Thứ trưởng Bộ trưởng Tài chính Mỹ thời Tổng thống George W. Bush.

Ông Trump và các đồng minh của ông từ lâu cho rằng Trung Quốc và các quốc gia khác lợi dụng các nguyên tắc WTO và lừa dối Mỹ.

“WTO đã không làm được gì từ lâu rồi”, ông Hagerty nói, và bày tỏ hy vọng thuế quan có đi có lại “sẽ khiến các đối tác thương mại của Mỹ trên toàn cầu phải tự hỏi mình xem họ đã đối xử bình đẳng với Mỹ hay chưa”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate