July 19, 2024 | 10:25 GMT+7

Nguy cơ lây nhiễm bệnh bạch hầu thành dịch lớn là thấp

Nhật Dương -

Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá tình hình bệnh bạch hầu từ đầu năm 2024 đến nay chưa phải là vấn đề phức tạp, số mắc thấp. Các ổ dịch nhỏ vẫn trong tầm kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thành dịch lớn diện rộng là thấp.

 TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh: Phương Thảo.
TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế). Ảnh: Phương Thảo.

Trước tình hình thời gian gần đây xuất hiện các ca bệnh bạch hầu, và đã có trường hợp tử vong, TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã có trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

CÁC Ổ DỊCH NHỎ VẪN TRONG TẦM KIỂM SOÁT

Thông tin về tình hình dịch bệnh bạch hầu, TS. Hoàng Minh Đức cho biết năm 2023, cả nước ghi nhận 57 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong.

Năm 2024, theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, trong những tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 18/7/2024), Việt Nam ghi nhận 6 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó 1 trường hợp tử vong.

Trong đó, bao gồm 3 trường hợp mắc tại tỉnh Hà Giang trong các tháng 1, 2, và tháng 4/2024 tại các ổ dịch cũ; 1 trường hợp mắc và tử vong tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An (huyện Kỳ Sơn) trong tháng 6/2024, và 2 trường hợp mắc tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang trong tháng 7/2024.

“Trong những ngày gần đây trên phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về trường hợp nghi mắc bạch hầu tại tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của trường hợp này và cho kết quả âm tính với bạch hầu”, TS. Hoàng Minh Đức phản hồi.

Theo TS. Hoàng Minh Đức, bệnh bạch hầu là bệnh có vaccine phòng bệnh, và vaccine bạch hầu đã được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng ở nước ta từ năm 1985. Do đó đã tạo được miễn dịch rộng rãi trong cộng đồng, và đã làm giảm số mắc hàng trăm lần so với thời điểm năm 1983 với khoảng 3.500 ca.

Những năm gần đây, nước ta chỉ ghi nhận các ca bệnh rải rác tại các nơi có tiêm chủng đầy đủ, do tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt được 100% đối tượng tiêm, vì vậy vẫn còn một tỷ lệ nhỏ nhất định đối tượng chưa được tiêm tại cộng đồng.

“Các ổ dịch chủ yếu xảy ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những nơi điều kiện cung cấp vaccine tiêm chủng mở rộng còn khó khăn nên tạo vùng lõm tiêm chủng”, ông Đức nói.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết bệnh bạch hầu không phải là bệnh mới, đã có vaccine tạo miễn dịch cộng đồng. Khi chẩn đoán dương tính có thuốc kháng sinh và huyết thanh kháng độc tố để điều trị.

Bên cạnh đó, với các trường hợp tiếp xúc ca dương tính, thì có biện pháp phòng bệnh bằng tiêm liều đơn penicillin, hoặc uống Erythromycine từ 7-10 ngày có tác dụng phòng bệnh.

“Do đó đánh giá tình hình bạch hầu năm 2024 đến nay chưa phải là vấn đề phức tạp, số mắc thấp. Các ổ dịch nhỏ vẫn trong tầm kiểm soát. Nguy cơ lây nhiễm thành dịch lớn diện rộng là thấp”, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

KHÔNG LẠM DỤNG CÁCH LY RỘNG RÃI

Tuy nhiên, trong thời gian qua, có hiện tượng nhiều người dân bị cách ly khi có tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng cho hay bệnh bạch hầu có thể lây nhiễm qua đường hô hấp, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân, hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi.

Tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ. Ảnh: Bộ Y tế.
Tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ. Ảnh: Bộ Y tế.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện số 68/CĐ-TTg ngày 13/7/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bạch hầu. Bộ Y tế đã chỉ đạo Ủy ban nhân dan các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm, và xử lý triệt để các ổ dịch, không để bùng phát dịch trong cộng đồng.

Đồng thời, Bộ cũng đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện xử lý ổ dịch, phòng bệnh chủ động cho người dân đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Do đó, đối với những người tiếp xúc gần với các trường hợp xác định mắc bệnh bạch hầu, Bộ Y tế khuyến nghị phải tự theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.

Cùng với đó, cần liên hệ với cán bộ y tế để được hướng dẫn phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh và uống thuốc kháng sinh dự phòng. Tất cả các trường hợp tiếp xúc gần trong khu vực ổ dịch cần được uống kháng sinh dự phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

TS. Hoàng Minh Đức lý giải, việc cách ly tại nhà chỉ áp dụng đối với các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định, và không mở rộng đối với các trường hợp tiếp xúc khác, như đã từng thực hiện đối với bệnh Covid-19 trong thời gian đang có dịch.

Do đó, ông đề nghị các địa phương không lạm dụng việc cách ly rộng rãi một cách không cần thiết, không đúng đối tượng, gây hoang mang lo lắng, và xáo trộn cuộc sống của người dân.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Đưa trẻ từ 2 tháng đến 7 tuổi thuộc đối tượng tiêm chủng mở rộng đi tiêm chủng các vaccine có chứa thành bạch hầu (DPT-VGB-Hib, DPT…) đầy đủ, đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Trong trường hợp hoãn tiêm, tham gia tiêm chủng sớm nhất có thể.

Các biện pháp dự phòng nữa là thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, cần được đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân tại nơi có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng, và tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate