Những khu vực nóng trong cơn sốt nhà đất hồi đầu năm nay ở Tp.HCM như quận 2, 7, 9, huyện Nhà Bè hiện đang xuống giá từng ngày.
Nơi giảm thấp nhất là 10% và nơi cao nhất lên đến 40%. Tuy giảm nhiều nhưng người mua vẫn "bóng chim tăm cá”!
Nhiều nhà đầu tư bất động sản đang tìm cách đẩy hàng để thoát khỏi thị trường đóng băng càng làm giá giảm thêm. Vẫn chưa thấy sức mua trở lại trên thị trường bất động sản. Giá giảm mạnh ở những dự án đất nền và căn hộ còn đang trong giai đoạn triển khai.
Vẫn chưa thấy người mua
Theo các công ty môi giới địa ốc, những ngày qua giá nhà đất tiếp tục giảm đều. Các dự án tại khu Nam Sài Gòn có mức giảm bình quân 20%, một số dự án giá giảm đến 30% trong vòng hơn một tháng qua.
Tại dự án khu dân cư Phú Mỹ (phường Phú Mỹ, qận 7), thời điểm giá cao nhất lên đến 46 triệu đồng/m2 (nhà phố, đường 16m) nhưng hiện nay còn 35 triệu đồng/m2 vẫn không có người mua.
Dự án Him Lam - kênh Tẻ (nhà phố, đường 12m) chào 48 triệu đồng/m2 so với trước đó rao 60 triệu đồng/m2... Ở các dự án thuộc quận 2, quận 9 giá đất có giảm chậm hơn, từ 2-5 triệu đồng/m2 nhưng khách mua cũng rất ít.
Một nhân viên công ty môi giới địa ốc tại quận 7 cho biết gần đây khách hàng rao bán tăng rất nhanh. "Mặc dù giá giảm, nhà đất rao bán nhiều nhưng chẳng thấy khách hàng đến mua. Kể cả những người có nhu cầu thật sự cũng đang nghe ngóng, chờ đợi giá giảm tiếp", nhân viên trên cho biết.
Còn theo giám đốc một công ty môi giới địa ốc tại quận 7, lượng nhà đất bán ra chủ yếu từ các khách hàng vay vốn ngân hàng để đầu tư nay đến kỳ hạn phải trả tiền. Bên cạnh là những khách hàng mua nhiều dự án cùng lúc, nay muốn xả hàng trước thời điểm chủ đầu tư yêu cầu đóng tiền cho đợt tiếp theo.
Theo giám đốc này, với tình hình hiện nay một số chủ đầu tư cũng du di cho khách hàng kéo dài thời gian đóng tiền. Tuy nhiên họ chỉ xem xét trong thời gian nhất định vì nếu càng kéo dài giá vật tư càng tăng, ảnh hưởng đến tiến độ công trình.
Suất mua căn hộ: giá gốc cũng khó bán
Giảm mạnh nhất là suất mua căn hộ khiến những người có trong tay quyền mua căn hộ như ngồi trên lửa vì giá cứ rớt từng ngày.
Một nhà đầu tư chung cư BMC Hưng Long, đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho biết cuối năm 2007 dù "canh me" nhưng anh không thể mua được căn hộ tại dự án này. Đầu năm 2008, suất mua căn hộ tại dự án này bỗng dưng vọt lên đến 450-550 triệu đồng/căn. Cách nay một tháng giá rớt xuống 240 triệu đồng và hai ngày trước giá còn 20-100 triệu đồng, tùy vị trí.
Thế nhưng ngày 10/4 khi khách hàng gọi đến chợ địa ốc Đất Xanh để nhờ rao bán thì nhân viên tại đây cho biết: mới có hai khách hàng rao bán ba căn hộ giá gốc nhưng chưa có người hỏi mua!
Tương tự suất mua dự án chung cư cao cấp Phú Long (đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè) hiện rao giá qua các chợ địa ốc chênh lệch từ 2.000-4.000 USD/căn, giảm gần một nửa so với trước đó.
Theo nhân viên một chợ địa ốc trên đường Khánh Hội, quận 4, "nếu mua nhiều sẽ được tính giá ưu đãi". Trong khi theo một nhà đầu tư, hiện có người rao bán suất mua tại dự án trên chỉ 5-10 triệu đồng/căn.
Giá giảm, nhưng...
Thạc sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia về đầu tư tài chính, nói rằng quan sát các đợt sốt giá nhà đất trước đây cho thấy giá bất động sản chỉ tăng rồi chựng lại sau đó tiếp tục tăng, rất ít trường hợp giảm giá. Chính vì vậy nhiều người nghĩ rằng thị trường vẫn theo chu kỳ này và lao vào đầu tư bất động sản.
Nhưng thực tế lần này khác với những đợt trước đó, do nhiều người đầu tư bất động sản từ nguồn vốn vay ngân hàng. Khi có chủ trương siết chặt tín dụng với bất động sản, nhà đầu tư không còn cách nào khác phải bung hàng để có tiền trả nợ, khiến giá giảm mạnh.
Mặc dù dự báo giá bất động sản sẽ còn giảm thêm nhưng ông Hiển cho rằng khó có thể giảm về mức giá của đầu năm 2007 - là thời điểm chưa sốt giá. Ông nêu hai lý do: giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, cộng với lạm phát những tháng đầu năm khá cao.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate