June 20, 2021 | 06:00 GMT+7

Nhà báo tác nghiệp thời Covid-19: “Chiến binh” quả cảm nơi tuyến đầu chống dịch

Xuân Thái -

Nhiều hoạt động, tác nghiệp báo chí bỗng “trở nên” khác thường khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, hoành hành, tác động không nhỏ đối với đời sống kinh tế - xã hội, an sinh của người dân. Các nhà báo, từ chỗ tác nghiệp trực tiếp tại “hiện trường”, đã chuyển sang tác nghiệp trực tuyến. Lại cũng có những nhà báo lao vô tuyến đầu “đồng hành” cùng các y bác sĩ, cán bộ y tế, các tình nguyện viên...

Phóng viên tác nghiệp giữa mùa dịch Covid-19
Phóng viên tác nghiệp giữa mùa dịch Covid-19

Ngay từ những ngày đầu của năm 2020, thông tin về hai trường hợp là cha và con người Trung Quốc, đi du lịch tại Việt Nam, được phát hiện tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhiễm loại virus lạ mà trước đó đã xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, đã khiến giới báo chí thành phố này “nhốn nháo” hẳn lên. Dư luận rất quan tâm càng khiến các cơ quan báo chí phải cập nhật nhanh nhất các thông tin y khoa, dịch tễ liên quan đến hai ca bệnh đầu tiên được phát hiện này.

BÁO CHÍ TÁC NGHIỆP TẠI "HIỆN TRƯỜNG"

Lúc đó là ngày 29 tháng Chạp (29 Tết), nhiều tòa soạn báo nhận được thông tin “có hai ca nhiễm virus ở bệnh viện Chợ Rẫy” và các phóng viên mảng y tế liền được “lệnh” có mặt ngay tại hiện trường để đưa tin.

Nhiều người nôn nao, trong lòng đầy nhiệt huyết kèm “tính tò mò báo chí” đã khẩn trương có mặt, nhưng ngay cả các bác sĩ ở đây cũng phải thừa nhận, họ còn khá lạ lẫm với con virus này cũng như diễn tiến bệnh của nó nên rất dè dặt, cẩn trọng bởi đó là một bệnh về truyền nhiễm. Nhiều nhà báo bắt đầu tỏ ra lo lắng.

Nhà báo Nguyễn Trung Tuyến, Chi nhánh Truyền hình Thông tấn của Thông tấn xã Việt Nam tại TP.HCM, kể lại: “Tôi là phóng viên duy nhất được cùng với các bác sĩ vào sâu bên trong khu vực cách ly, tiếp xúc trực tiếp với hai bệnh nhân người Trung Quốc. Thú thật là có hơi run sợ nhưng tôi vẫn cố gắng ghi lại những hình ảnh đầu tiên về bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam, sau đó chia sẻ hình ảnh này rộng rãi cho các đồng nghiệp”.

Không riêng gì trường hợp kể trên mà hầu hết các phóng viên mảng y tế - sức khỏe của các báo, cho biết họ đều “bật” chế độ sẵn sàng, chế độ “báo động đỏ” để tác chiến bất kỳ lúc nào, khi có thông tin mới nhất về bệnh truyền nhiễm lạ này (lúc đó các nước và cả Tổ chức Y tế Thế giới vẫn chưa đặt tên cho bệnh dịch này, chỉ tạm gọi là “bệnh viêm phổi cấp Vũ Hán” - Wuhan Pneumonia). Nhiều bổn báo đã lập sẵn một chuyên trang, chuyên mục về bệnh truyền nhiễm này, để cập nhật thông tin về Covid-19 cho bạn đọc...

Phóng viên tác nghiệp trong đại dịch Covidd-19
Phóng viên tác nghiệp trong đại dịch Covidd-19.

Khi các khu cách ly tập trung được lập ra, cánh phóng viên tác nghiệp coi những nơi này như “bàn làm việc dã chiến” của mình. Họ đeo bám các y bác sĩ để lấy thông tin, họ tiếp cận với những người đang cách ly (với những quy định, khuyến cáo chặt chẽ của ngành y) để trao đổi, phỏng vấn họ. Thậm chí “họ” ở đây là các bệnh nhân Covid-19. Không dễ dàng chút nào!

Vào lúc cao điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thời điểm tháng 3 – 4/2020, thông tin về trường hợp một ký giả công tác tại một hãng tin lớn trong nước, bị dương tính với SARS-CoV-2 càng khiến anh em báo chí lo lắng, tâm tư hơn khi phải đối diện với khả năng bị lây nhiễm và yêu cầu cập nhật thông tin cho độc giả. Chưa bao giờ, có thể nói là từ hồi Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất (1991) đến nay, cánh phóng viên tác nghiệp chạy theo thời sự săn tin như vậy; Và cũng có thể nói, chưa bao giờ bạn đọc khắp trong và ngoài nước quan tâm đến các thông tin nóng hổi từng ngày từng giờ về bệnh nhân Covid-19, về các ca nhiễm mới, được loan trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo chí đến như vậy.

TRUNG TÂM BÁO CHÍ TP.HCM KHÔNG ĐỨNG NGOÀI CUỘC

Trung tâm Báo chí TP.HCM (HCM) được thành lập và đi vào hoạt động vào ngày 5/5/2019, tính đến thời điểm đại dịch Covd-19 bùng phát (lần 1) cũng đã hoạt động được gần một năm. Đây được xem là nơi làm việc hàng ngày của cánh báo chí tại TP.HCM, là nơi tổ chức các cuộc họp báo, hội nghị báo chí, địa chỉ trao đổi, chia sẻ thông tin chính thống giữa chính quyền thành phố, các sở/ngành thành phố với các cơ quan báo đài, các nhà báo.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, HMC là nơi tổ chức thường xuyên, đều đặn các cuộc họp thông tin về Covid-19 cho các nhà báo, cơ quan báo đài. Những nhà báo đến HMC tác nghiệp phải chịu sự kiểm tra chặt chẽ về y tế, như: đo thân nhiệt, yêu cầu rửa tay, mang khẩu trang... trước khi bước vào phòng họp. Đó hầu hết là các cuộc họp trực tuyến. Nhiều màn hình khổ lớn được treo trong khán phòng, truyền hình ảnh lãnh đạo chính quyền thành phố, lãnh đạo các sở/ngành, cánh phóng viên “tường thuật trực tiếp” nội dung cuộc họp thông qua những con người thật... trên màn hình. Đây là một hình thức hoạt động khá mới mẻ của HMC, đặc biệt phát huy tác dụng trong thời điểm các lần dịch Covid-19 bùng phát.

Ngoài ra, hàng ngày, HMC có các bản tin tóm lược (điểm tin) tin tức báo chí tại Tp.HCM, trong đó luôn cập nhật các bản tin về Covid-19 mới nhất, để các nhà báo có thể khai thác nguồn tin từ đây. Trước đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư này, HMC có chuyên mục “Thông tin về dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM” (cập nhật liên tục nhiều lần trong ngày). Các nhà báo, nếu không cập nhật được thông tin về Covid-19 từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ Ban chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch bệnh Covid-19, từ Bộ Y tế, có thể cập nhật đầy đủ các thông tin trên chuyên mục nói trên của HMC.

PHÓNG VIÊN XUẤT NGOẠI TÁC NGHIỆP GIỮA MÙA DỊCH

Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước là vậy, ở nước ngoài tình hình càng phức tạp, khó lường hơn. Rất nhiều nhà báo ở nước ngoài đã thiệt mạng vì Covid-19, vì mắc bệnh, vì bị lây nhiễm rồi mắc bệnh trong quá trình tác nghiệp. Với các nhà báo trong nước ra nước ngoài tác nghiệp, nỗi lo cũng không kém.

Câu chuyện nhiều phóng viên thể thao của các báo theo chân đội tuyển bóng đá Việt Nam, qua đất nước Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE), để trực tiếp loan tin các trận đấu vòng loại World Cup 2022 (Qatar Worldcup 2022) của đội tuyển bóng đá Việt Nam, được nhiều phóng viên “chiến trường” thuật lại là “chỉ biết khóc mếu”!

Theo lời kể của nhà báo Hoàng Linh, Báo Thể thao và Văn hóa, Thông tấn xã Việt Nam, thì ngay khi đặt chân đến sân bay nước bạn, các phóng viên Việt Nam mới biết được thông báo của FIFA, quy định vì lý do Covid-19 nên chỉ cho 5 phóng viên ảnh và 5 phóng viên viết tác nghiệp trong mỗi trận đấu. Đoàn phóng viên Việt Nam theo chân đội tuyển bóng đá Việt Nam qua UAE lần này có cả thảy 14 người, gồm: 8 phóng viên ảnh, 4 phóng viên truyền hình, 1 phóng viên viết và 1 youtuber.

Chưa hết, các phóng viên buộc tuân thủ xét nghiệm RT-PCR theo quy định. Cụ thể, đối với phóng viên ảnh và phóng viên truyền hình có bản quyền tiến hành 3 ngày/lần; đối với phóng viên báo chí là 7 ngày/lần. Các nhà báo sẽ phải tự chi trả chi phí vì Liên đoàn Bóng đá UAE (UAEFA) không hỗ trợ, với mỗi lần xét nghiệm RT-PCR khoảng 150 DHS (đơn vị tiền tệ của UAE), khoảng 940.000 đồng. Taxi di chuyển trong mùa Covid-19, nước bạn chỉ cho phép chở tối đa 2 người/xe, và giá cước lại đắt đỏ, nên chi phí đi lại hằng ngày từ nơi lưu trú đến sân vận động, đã chiếm một khoản khá lớn.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp tục hoành hành trên toàn cầu tình hình diễn biến hết sức phức tạp của Covid-19 tại Việt Nam trong hai tháng vừa qua càng khiến hàng triệu người dân trong cả nước phải đề cao cảnh giác, chủ động phòng dịch. Một cập nhật về tình hình đã có hàng trăm nhà báo Ấn Độ tử vong vì Covid-19 trong lúc tác nghiệp, không thể không làm chạnh lòng những người làm công tác báo chí khắp nơi trên thế giới, trong đó có các nhà báo Việt Nam. Tờ The Guardian của Anh, được Tuổi Trẻ dẫn lại, cho biết: Họ (các nhà báo – chú thích của người viết) là những người đã có mặt tại hiện trường, ghi lại tình trạng thiếu oxy và giường bệnh, họ đã đếm các thi thể tại các lò hỏa táng để buộc chính quyền địa phương giải trình. Nhưng các nhà báo đó đã phải trả giá đắt cho việc đưa tin của mình: hàng trăm người đã mất mạng khi đưa tin về đại dịch này, trong đó có hơn 50 người chỉ trong vài tuần qua...

Thống kê của Bộ Y tế Việt Nam cho biết, tính đến nay thế giới đã có 178.603.212 ca nhiễm, 3.866.947 ca tử vong (số liệu đến sáng 19/6 giờ Việt Nam). Tại Việt Nam, số ca nhiễm tính đến sáng ngày 19/6/2021, đã vượt 12.508 người, số tử vong là 62 trường hợp. Tác nghiệp báo chí trong mùa đại dịch Covid-19, để cập nhật thông tin về Covid-19 hằng ngày hằng giờ cho bạn đọc, cho mọi tầng lớp nhân dân, các nhà báo cũng được ví như những “chiến binh quả cảm nơi tuyến đầu”!

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate