Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Phòng cháy, chữa cháy cho công trình cao tầng - Thực trạng và giải pháp” do Báo Xây dựng phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường tổ chức ngày 17/12.
NHIỀU NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN CHÁY NỔ
Theo Bộ Xây dựng, thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh, thành phố xảy ra hàng trăm vụ cháy công trình cao tầng gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, để lại hệ luỵ và lo ngại bất ổn về công trình cao tầng.
Nguyên nhân cháy công trình cao tầng có thể kể đến do quy hoạch, do thiết kế, do các biện pháp thi công; do chủ đầu tư các công trình dự án chưa thực hiện đúng trách nghiệm nghĩa vụ, do Ban quản lý, Ban Quản trị trong quá trình vận hành chưa thực hiện nghiệm quy định phòng cháy chữa cháy về tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị, chưa thực hiện chuẩn mực công tác bảo hành bảo trì phòng cháy, chữa cháy. Bên cạnh đó, phần lớn là do ý thức của người dân khi làm việc và sinh sống tại các công trình cao tầng để xảy ra hoả hoạn.
Đồng quan điểm, ông Bùi Quang Việt, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cho biết thêm: Ở Việt Nam, nhiều công trình cao tầng hoạt động trong nhiều năm (chung cư mini, văn phòng khách sạn, nhà nghỉ cao tầng), nhà dân sau một thời gian sử dụng lại chuyển đổi mục đích kinh doanh và chưa đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy.
Nhiều công trình xây dựng không đúng quy hoạch, giấy phép xây dựng, hệ thống thiết bị điện, bảo trì bảo dưỡng, hệ thống báo cháy hư hỏng, thiếu đồng bộ trong quy hoạch xây dựng nên không đảm bảo về điều kiện giao thông, khoảng cách, an toàn phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, việc triển khai các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Một bộ phận chủ đầu tư, cơ sở chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy. Ý thức chấp hành quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy của một bộ phận người lao động, người dân còn chưa cao. UBND cấp huyện, xã chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc giám sát, quản lý Nhà nước trong công tác này. Sự phối hợp giữa các Ban ngành vẫn còn mang tính hình thức, chưa thống nhất trong việc thẩm định, thẩm duyệt, phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng, công tác thanh tra kiểm tra còn chưa được tốt.
CẦN MẠNH TAY CÓ NHỮNG BIỆN PHÁP CƯỠNG CHẾ
Bàn về những giải pháp hạn chế hiểm hoạ cháy nổ đối với công trình cao tầng, ông Việt cho rằng: thứ nhất, cần tiếp tục củng cố hoàn thiện hành lang pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các công trình cao tầng, đảm bảo sự đồng bộ thống nhất giữa các lĩnh vực như xây dựng, phòng cháy chữa cháy.
Thứ hai là, tăng cường đẩy mạnh công tác phối hợp trong việc thẩm định, phê duyệt phòng cháy chữa cháy đối với các công trình xây dựng. Thống nhất việc thẩm định phê duyệt quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng công trình nhà cao tầng, siêu cao tầng. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra công trình cao tầng để phát hiện những công trình được phê duyệt xây dựng sai giấy phép, không đảm bảo về công tácphòng cháy chữa cháy.
Đồng thời, thực hiện công tác góp ý đối với nhà cao tầng, tránh tình trạng đã phê duyệt quy hoạch nhưng không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về phòng cháy chữa cháy. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần mạnh tay có các biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp sai phạm.
Cuối cùng, các doanh nghiệp, đơn vị quản lý, cơ quan chức năng phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của chủ đầu tư công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong công trình nhà cao tầng.
Cũng nói về điều này, bà Vũ Kiều Hạnh, đại diện Savills Hà Nội nhận định, hiện nay, tại các thành phố lớn của Việt Nam, có nhiều tòa nhà cao trên 120m, thường là các tòa nhà hỗn hợp. Nếu không nâng cao ý thức của người dân, sẽ gây đến nguy cơ cháy nổ cao. Để bảo đảm an toàn, thì công tác tuyên truyền cần được đặc biệt quan tâm. Bởi người dân vẫn chưa đủ kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy.
Từ thực tế quản lý các toà nhà, bà Hạnh cho biết thêm, công tác bảo trì hiện tại đang còn nhiều khó khăn do các chung cư xây dựng trước đây không có quỹ bảo trì. Nhà nước đã ban hành nhiều tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy, tuy nhiên do thời gian cộng với công tác duy tu, bảo dưỡng chưa được quan tâm thường xuyên nên nhiều nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao. Do đó, cần xem xét đưa vào một nguồn ngân sách để thực hiện công tác bảo trì hệ thống phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, cần nâng cao ý thức và ngăn ngừa cháy nổ ngay từ khi công trình mới đưa vào sử dụng.
Theo thống kê, đến hết 2020, trên cả nước có 3.335 nhà cao từ 10-29 tầng, 283 nhà cao từ 30 tầng trở lên. Trong đó, có 1.106 nhà chung cư, chiếm 30,75%; 935 công trình là nhà nghỉ/khách sạn, chiếm 25,8%; 747 nhà văn phòng, chiếm 20,6%; 594 nhà công trình hỗn hợp, chiếm 16,42%; 56 công trình giáo dục, chiếm 1,55%; 64 bệnh viện, chiếm 1,77% và 116 nhà có công năng khác, chiếm 3,21%.