Thời gian gần đây, "lướt" trên các website bất động sản, các trang thông tin về nhà đất, có thể thấy những thông tin cần cho thuê nhà, phòng trọ giảm giá được đăng tải dày đặc.
KHÁCH HẾT HỢP ĐỒNG KHÔNG THUÊ NỮA
Năm 2012, anh Phạm Long Vũ mua một căn hộ tại Times City. Sau khi nhận nhà, anh bỏ thêm 300 triệu đồng để trang bị nội thất rồi cho thuê. Đều đặn từ đó đến cuối năm 2020, mỗi tháng anh thu về 20-22 triệu đồng. Thế nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, khi các đợt dịch gối nhau bùng phát, hết hợp đồng, khách không muốn thuê nữa bởi thu nhập của họ giảm sút. Hơn nữa, xung quanh có rất nhiều căn hộ đang chào thuê với giá cả cạnh tranh. Vì vậy, ngay cả khi anh chủ động giảm tiền nhà xuống còn 17 triệu đồng/tháng cũng không giữ nổi khách hàng.
Cũng giống như anh Vũ, chị Hoàng Anh đang ngồi trên đống lửa khi căn nhà 35m2, 5 tầng tại trung tâm quận Cầu Giấy (Hà Nội) chưa tìm được khách kể từ cuối tháng 4/2021. Khi mua căn nhà này (với giá 4,3 tỷ đồng), chị đã phải vay ngân hàng 2 tỷ và vay người thân 300 triệu. Chị tính toán, tiền cho thuê căn hộ sẽ "đập" vào tiền lãi vay ngân hàng và người thân mỗi tháng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dù đã đăng tin trên các nhóm và diễn đàn bất động sản song căn nhà vẫn cứ ế ẩm.
Chị băn khoăn: “Căn nhà được trang bị nội thất đầy đủ, thuộc khu vực dân trí cao, an ninh đảm bảo, ô tô đỗ cửa và quan trọng giá thuê giảm 30% nhưng không hiểu sao vẫn vắng khách”.
Lộ rõ sự mệt mỏi, chị Hoàng Anh bày tỏ, nếu tình trạng này kéo dài, tôi sẽ khó lòng cầm cự. Vì để mua được căn nhà mới, tôi đã phải bán nhà cũ và vay mượn thêm. Cả gia đình chấp nhận đi ở trọ để lấy nhà cho thuê với hy vọng có thêm tiền để trả hết nợ, ngôi nhà sẽ thực sự thuộc về mình. Nhưng với tình cảnh hiện nay, tôi đành phải vừa rao cho thuê vừa rao bán. Hy vọng có khách mua, để trút được gánh nặng nợ nần.
Tình trạng “ế” nhà mặt phố như chị Hương không phải hiếm gặp, kể từ giữa quý 2/2021. Bởi thực hiện giãn cách xã hội khiến các cửa hàng đều phải đóng cửa, khách thuê nhà không có thu nhập khiến nhu cầu trả lại mặt bằng gia tăng mạnh. Chính vì vậy, tâm lý thà cho thuê rẻ còn hơn không kiếm được đồng nào đang dẫn dắt thị trường, làm cho giá thuê nhà phố trở nên rẻ chưa từng có. Còn phía người thuê cũng muốn giá càng thấp càng tốt nên rất tích cực mặc cả.
BẤT ĐỘNG SẢN CHO THUÊ SẼ CÒN "BẤT ĐỘNG"
Nhiều chuyên gia cho rằng, Covid-19 khiến nhiều ngành kinh doanh bị tạm dừng hoạt động, dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Thực tế đó khiến một bộ phận người lao động đã rời thành phố về quê lánh dịch. Điều này dẫn tới tình trạng phân khúc nhà cho thuê dư thừa do cầu thấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá nhà cho thuê giảm. Đặc biệt, trong quý 2/2021 khi bị “bồi” thêm làn sóng thứ 4 của đại dịch thì phân khúc này càng trở nên ảm đạm.
Mặt khác, do nguồn cung lớn nên thị trường nhà cho thuê không còn là một miếng bánh ngon, không còn là một xu hướng đầu tư sinh lời như những năm 2010-2017. Dự báo, phân khúc bất động sản cho thuê có thể sẽ còn bất động cho tới khi chiến dịch phổ cập vaccine được hoàn thành và Covid-19 bị đẩy lùi. Như vậy, ít nhất một năm nữa, lĩnh vực này mới có khả năng hồi phục.
Nhìn nhận về thị trường này, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, thời gian qua khi phải đối mặt với dịch bệnh, cũng như nhiều lĩnh vực kinh tế khác, thị trường bất động sản Việt Nam đã không thể đứng ngoài tác động tiêu cực. Cụ thể là phân khúc nhà cho thuê/mặt bằng bán lẻ, hay bất động sản nghỉ dưỡng tạm thời bị giảm thanh khoản do nhu cầu giam sút mạnh.
Trong khi đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, không kỳ vọng vào một gam màu sáng cho thị trường bất động sản phân khúc cho thuê trong thời gian tới khi dịch bệnh vẫn chưa thể dập tắt ngay. Các tháng cuối năm 2021, thị trường bất động sản nói chung và phân khúc nhà ở cho thuê sẽ còn nhiều khó khăn.