Nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc đang mua mạnh cổ phiếu Mỹ với kỳ vọng thị trường sẽ đi lên trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump. Làn sóng này cũng diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nước ảm đạm do biến động chính trị và mối lo về thuế quan dâng cao ở Mỹ ảnh hưởng tới nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Hàn Quốc.
Theo dữ liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán Hàn Quốc (KSD), tổng giá trị cổ phiếu Mỹ mà các nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc đang nắm giữ lập kỷ lục 112,1 tỷ USD vào cuối năm 2024, tăng 65% so với một năm trước.
THẤT VỌNG VỚI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC
Con số này ngược lại hoàn toàn với vốn bán ròng 5,4 nghìn tỷ won (3,6 tỷ USD) khỏi các cổ phiếu trong chỉ số KOSPI của chứng khoán Hàn Quốc năm 2024, kéo chỉ số này giảm gần 10%. Điều này diễn ra bất chấp nỗ lực thúc đẩy thị trường chứng khoán của Chính phủ Hàn Quốc thông qua sáng kiến có tên “Value-up”.
Tesla là cổ phiếu nước ngoài được nhà đầu tư Hàn Quốc ưa chuộng nhất. Điều này khiến tỷ phú Elon Musk, CEO Tesla, hồi tháng 7/2024 gọi người Hàn Quốc là “những người thông minh” trong một bài đăng trên mạng xã hội X. Tính tới tháng 12 năm ngoái, các nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc nắm giữ tổng cộng 24,5 tỷ USD cổ phiếu Tesla, theo sau là 12,1 tỷ USD cổ phiếu Nvidia, 4,9 tỷ USD cổ phiếu Apple và 3,2 tỷ USD cổ phiếu Microsoft.
“Sự thay đổi này cho thấy sự thất vọng của nhà đầu tư Hàn Quốc với thị trường vốn trong nước do lợi nhuận thấp. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra, trừ phi có sự kiện gì đó đặc biệt lớn xảy ra”, ông Namuh Rhee, giám đốc Diễn đàn quản trị doanh nghiệp Hàn Quốc, nhận xét.
Theo nhiều nhà phân tích, xu hướng mua cổ phiếu Mỹ của nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc thậm chí có thể mạnh lên trong năm nay do bất ổn chính trị gia tăng tại nước này. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã bị luận tội trước Quốc hội sau lệnh thiết quân luật ngắn ngủi vào đầu tháng 12.
Dữ liệu từ MSCI cho thấy tổng lợi nhuận hàng năm trong vòng 10 năm của nhà đầu tư Hàn Quốc chỉ ở mức 5%, so với 10% ở Nhật và 13% ở Mỹ.
HJ Baek, quản lý truyền thông tại một công ty môi giới Hàn Quốc, đã đầu tư cổ phiếu Mỹ từ năm 2019 và hiện nắm giữ khoảng 100 triệu won cổ phiếu, bao gồm các mã Tesla, Apple và một số mã nằm trong danh mục của tỷ phú Warren Buffett.
“Tôi thích đầu tư dài hạn nhưng thị trường trong nước quá biến động”, nhà đầu tư 39 tuổi chia sẻ. “Không có nhiều công ty Hàn Quốc có tiềm năng tăng trưởng mạnh. Cổ phiếu của các công ty này khó có thể tăng nhiều kể cả khi tôi nắm giữ trong 10 năm tới”.
Danh mục đầu tư ở nước ngoài của Baek đến nay mang về lợi nhuận khoảng 20%, trong khi cô mất khoảng 30% số vốn 20 triệu won đầu tư vào cổ phiếu trong nước.
Baek không phải trường hợp duy nhất. Hàn Quốc hiện có khoảng 14 triệu nhà đầu tư cá nhân, chiếm gần 50% doanh thu bình quân hàng ngày trên thị trường chứng khoán so với 30% của nhà đầu tư ngoại. Trong số này, nhiều người đã chuyển sang đầu tư ở nước ngoài để kiếm lợi nhuận cao hơn và cảm thấy thất vọng với tình trạng giá thấp “kinh niên” của cổ phiếu Hàn Quốc.
Khoảng hai phần ba số công ty trong chỉ số KOSPI hiện có hệ số giá/giá trị sổ sách (P/B) dưới 1, tức định giá thấp hơn so với giá trị tài sản ròng.
Tâm lý tiêu cực trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc càng thêm nặng nề sau khi ông Trump thắng cử tổng thống Mỹ, làm tăng mối lo rằng thuế quan của Mỹ sẽ tăng cao và có thể giảm trợ cấp dành cho các nhà sản xuất của Hàn Quốc tại nước này.
Tháng 11 năm ngoái, giá cổ phiếu Samsung chạm mức thấp nhất 4 năm do lo ngại rằng khả năng cạnh tranh về công nghệ của công ty này sẽ suy yếu. Là công ty lớn nhất Hàn Quốc, Samsung chiếm khoảng 18% chỉ số KOSPI.
“Trong khi cổ phiếu Mỹ lập kỷ lục mới, còn cổ phiếu trong nước tiếp tục đi xuống, nhà đầu tư Hàn Quốc lo sẽ bỏ lỡ cơ hội bắt sóng cơn sốt ở Mỹ”, ông gAn Hyung-jin, Giám đốc đầu tư của quỹ đầu tư Billionfold Asset Management tại Seoul.
Ở trong nước, để vực dậy thị trường đang suy yếu, nhà chức trách Hàn Quốc đã đưa ra một chỉ số mới với các công ty có hiệu suất sử dụng vốn cao theo sáng kiến Value-up. Seoul cũng cam kết ưu đãi thuế cho những doanh nghiệp tăng lợi nhuận cho cổ đông. Dự kiến năm nay, Chính phủ nước này sẽ xóa bỏ thuế thu nhập từ vốn đầu tư để xoa dịu nhà đầu tư đang bất mãn trong nước.
Tuy vậy, kể từ khi chương trình Value-up được công bố vào tháng 2, mới chỉ có 3,9% trong tổng số 2.600 doanh nghiệp niêm yết của Hàn Quốc đăng ký hoặc cam kết đăng ký tham gia.
“Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào chương trình này nhưng có vẻ nó sẽ không hiệu quả nếu như không có biện pháp mạnh mẽ”, anh KW Kim, nhân viên một công ty trò chơi trực tuyến chia sẻ và cho biết đang lỗ nặng với danh mục đầu tư 600 triệu won vào công ty công nghệ sinh học trong nước.
RÀO CẢN PHÁP LÝ LỚN
Nhiều nhà phân tích cho rằng thị trường chứng khoán Hàn Quốc bị định giá thấp do khuôn khổ pháp lý được thiết kế để bảo vệ gia đình sáng lập của các tập đoàn công nghiệp lớn và bất lợi cho cổ đông thiểu số.
Những nhà đầu tư cá nhân như anh Kim đang hy vọng vào dự thảo sửa đổi Luật Thương mại đang được triển khai, trong đó đặt ra trách nhiệm pháp lý buộc các thành viên hội đồng quản trị phải gia tăng lợi ích cho cổ đông của công ty.
Theo các chuyên gia, Hàn Quốc cũng cần giảm mức thuế thừa kế đang thuộc hàng cao nhất thế giới. Mức thuế thừa kế lên tới 65% khiến cổ đông kiểm soát của các tập đoàn gia đình luôn tìm cách ghìm giá cổ phiếu ở mức thấp để có lợi cho mình.
“Nếu thực sự nghiêm túc với việc thay đổi thị trường, nhà chức trách cần cải cách các luật thuế liên quan, bởi vì thuế cao là một trong những lý do lớn nhất khiến các cổ đông kiểm soát doanh nghiệp không muốn tăng giá cổ phiếu”, ông Chaiwon Lee, Chủ tịch quỹ đầu tư Life Asset Management, tại Seoul, nhận xét.
Ông Lee hy vọng các nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc sẽ trở lại thị trường trong nước trong bối cảnh chênh lệch về định giá ở hai thị trường ngày càng lớn.
“Cổ phiếu Mỹ không thể tăng mãi. Trong khi thị trường trong nước đang gần chạm đáy. Tôi cho rằng đây là cơ hội để bắt đáy”, ông Lee phát biểu.
Tuy vậy, YJ Lee, một công chức 31 tuổi ở Seoul, người đã bán hết cổ phiếu Hàn Quốc đang nắm giữ vào năm 2019, cho biết cô không có kế hoạch đầu tư vào một công ty trong nước nữa.
“Mua cổ phiếu Mỹ an toàn hơn”, Lee nhận định và cho biết từ năm 2022 đã đầu tư 500.000 won mỗi tháng vào cổ phiếu Mỹ. “Giá cổ phiếu Mỹ thỉnh thoảng giảm nhưng thường phục hồi an toàn. Tôi sẽ tiếp tục đầu tư”.