Sách trắng về Bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2020 vừa được Savills công bố ghi nhận nhiều điểm hấp dẫn của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam so với các nước trong khu vực về mức lương, chi phí xây dựng…
VIỆT NAM HỘI TỤ NHIỀU YẾU TỐ THUẬN LỢI
Cụ thể, mức lương ngành sản xuất năm 2020 của Việt Nam khá rẻ, khoảng 252 USD, tương đương (5.796 triệu đồng), chỉ nhỉnh hơn một chút so với Indonesia, nhưng vẫn thấp hơn các quốc gia khác như Trung Quốc 968 USD, Thái Lan 431 USD, Malaysia 766 USD.
Chi phí xây dựng theo đơn vị m2 tính đến năm 2019 Việt Nam cũng được ghi nhận khá rẻ so với Trung Quốc. Cụ thể, chi phí xây dựng nhà xưởng và kho cơ bản tại Việt Nam hơn 300 USD/m2; kho lớn và trung tâm phân phối 400 USD/m2; Nhà máy công nghệ cao 600 USD/m2. Trong đó, chi phí các khoản này tại Trung Quốc lần lượt là: gần 400 USD/m2; Gần 500 USD/m2 và gần 700 USD.
Tương tự, so với các quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, chi phí xây dựng tại các khu công nghiệp của Việt Nam cũng rẻ hơn rất nhiều.
Tính đến năm 2020, Việt Nam có hơn 350 Khu công nghiệp được thành lập, nhiều hơn Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippine.
Theo Savills, trước đây các nhà sản xuất không thiết lập nhà máy sản xuất ở Việt Nam do chuỗi cung ứng địa phương còn yếu kém. Tuy nhiên, các công ty sản xuất đa quốc gia do chịu áp lực cắt giảm chi phí, có xu hướng dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam.
“Nhờ môi trường kinh doanh ổn định. Chính phủ tiếp tục duy trì các khoản hỗ trợ để ngăn chặn dịch bệnh, tăng cường chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng… Việt Nam có vị thế tốt để phục hồi và phát triển mạnh sau Covid 19, ví dụ Covid 19 đẩy nhanh làn sóng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc”, báo cáo nhấn mạnh và cho rằng, các công ty có vốn FDI không chỉ thành lập nhà máy mới ở Việt Nam mà còn có động lực lớn hơn để thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng địa phương.
NHÀ ĐẦU TƯ TRUNG QUỐC, HỒNG KÔNG ĐỔ XÔ KHU CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Theo thống kê từ Sách trắng Bất động sản công nghiệp 2020 của Savills, trong 20 dự án tiêu biểu ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam 9 tháng năm 2020, ghi nhận chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore.
Trong đó, có 8 dự án của các nhà đầu tư Hồng Kông, chiếm tỷ lệ 40% với tổng vốn đầu tư gần 700 triệu USD. 8 dự án phủ sóng tại khu công nghiệp Hải Hà (Quảng Ninh), Văn Trung (Bắc Giang), An Dương (Hải Phòng), Phước Đông (Tây Ninh), Bầu Xeo (Đồng Nai), Mỹ Phước 3 (Bình Dương) và Mộc Bài (Tây Ninh).
4 dự án do nhà đầu tư Trung Quốc, chiếm tỷ lệ 20%, với tổng giá trị 300 triệu USD. Các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tập trung ở các khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), Hòa Phú (Bắc Giang), Nam Tân Uyên (Bình Dương) và Châu Đức (Bà Rịa – Vũng Tàu).
Ba giao dịch của nhà đầu tư Đài Loan chỉ tập trung tại hai khu công nghiệp phía Bắc là Đồng Văn 3 (Hà Nam) và Đông Mai (Quảng Ninh) và giá trị các thương vụ này đạt hơn 380 triệu USD.
Nhà đầu tư Singapore đầu tư hai dự án tại khu công nghiệp Bỉm Sơn (Thanh Hóa) và Bầu Bàng (Bình Dương), tổng giá trị 2 thương vụ này đạt 90 triệu USD.
Các giao dịch còn lại đến từ Nhật Bản, Thái Lan (tại khu công nghiệp Bình Minh (Vĩnh Long) còn nhà đầu tư Hàn Quốc có một thương vụ là dự án tại khu công nghiệp Đồng Văn 4 (Hà Nam) với giá trị 20 triệu USD.
Các dự án của nhà đầu tư ngoại thuộc lĩnh vực sản xuất hoặc gia công tập trung vào những nhóm ngành: dệt may và may mặc, thiết bị điện, linh kiện điện tử, máy móc, sản phẩm nhựa - kim loại - giấy - cao su và sản phẩm nông nghiệp.
Về nguồn cung tương lai, Savills cho biết, từ quý 4/2020 đến quý 4/2021 sẽ có 6 dự án khu công nghiệp mới tập trung ở Hải Phòng, Bắc Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc với nguồn cung lên đến 3.733 ha.
Vụ Quản lý các Khu kinh tế mới công bố đã phê duyệt bản đồ quy hoạch tổng thể cho 561 dự án khu công nghiệp sắp tới với diện tích trên 201.000 ha. Trong số này, 259 khu sử dụng 86.500 ha vẫn chưa được thành lập và chiếm 43,1% tổng diện tích mới.
Để thu hút các nhà đầu tư dịch chuyển đến Việt Nam, Savills nhấn mạnh, Vụ Quản lý các Khu kinh tế cần hoàn chính khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp, Hỗ trợ các dự án ngách, ví dụ: Khu công nghiệp sinh thái, Khu công nghiệp hỗ trợ, Khu công nghiệp liên kết, mô hình dịch vụ khu công nghiệp và đô thị kết hợp.
Bên cạnh đó, để chuyển dịch sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, Việt Nam phải tăng nguồn cung lao động có trình độ và đầu tư vào Giáo dục, Công nghệ thông tin, toán học, khoa học trên toàn quốc.