May 17, 2017 | 08:56 GMT+7

Nhà đầu tư lên tiếng vụ kéo dài 24 năm thu phí dự án BOT

KIỀU LINH

4 dự án tăng thời gian thu phí do lưu lượng xe sụt giảm so với dự báo và doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính

Thu phí qua cầu Bến Thuỷ - Hà Tĩnh của Cienco 4. 
Thu phí qua cầu Bến Thuỷ - Hà Tĩnh của Cienco 4. 
Theo thông tin từ Vụ Đối tác công - tư (PPP), hiện Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện điều chỉnh hợp đồng 21 dự án BOT sau khi có thỏa thuận quyết toán từng phần hoặc toàn bộ giai đoạn xây dựng, gồm 19 dự án đường bộ và 2 dự án hàng hải.

Trong đó, có 13 dự án đã được điều chỉnh giảm thời gian thu phí sau khi quyết toán với tổng số năm giảm là hơn 92 năm.

Tuy nhiên, lại có 4 dự án phải kéo dài thời gian thu phí với tổng số 24 năm 5 tháng. Bao gồm: dự án cầu Mỹ Lợi, Quốc lộ 50 kéo dài nhiều nhất là 16 năm 2 tháng (từ 28 năm 4 tháng lên 44 năm 6 tháng).

Dự án cầu Yên Lệnh, Quốc lộ 38 kéo dài 4 năm 3 tháng (từ 17 năm 1 tháng lên 21 năm 4 tháng).

Dự án Quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long kéo dài 3 năm (từ 16 năm 4 tháng lên 19 năm 4 tháng).

Dự án Quốc lộ 1 đoạn Nam Bến Thủy - Tp.Hà Tĩnh kéo dài 1 năm (từ 20 năm 5 tháng lên 21 năm 5 tháng).

Liên quan đến việc kéo dài thời gian thu phí, trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 (Cienco 4) cho rằng thời gian kéo dài thu phí thực tế có thể lên đến 4-5 năm.

Lý giải về việc này, theo ông Huỳnh, trước đó từ tháng 4/2017, Cienco 4 miễn giảm phí cho người dân xung quanh cầu Bến Thuỷ theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải. Chi phí miễn giảm được đưa vào phương án tài chính của dự án là kéo dài thời gian thu phí sau khi thống nhất với chủ đầu tư và ngân hàng cho vay vốn.

Đối với việc kéo dài hơn 16 năm thu phí tại dự án BOT cầu Mỹ Lợi, ông Vũ Ngọc Tài, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bê tông 620 Long An (nhà đầu tư dự án) cho biết, khi nghiên cứu phương án tài chính, quy hoạch của địa phương về đầu tư các khu công nghiệp trong địa bàn Tiền Giang và Long An nhận thấy, nếu xây dựng cầu Mỹ Lợi nối từ Long An sang Tiền Giang sẽ có tính khả thi do kinh tế khu vực được dự tính theo quy hoạch đáp ứng tăng trưởng lưu lượng xe.

Đồng thời việc mở rộng Quốc lộ 50 từ Tp.Hồ Chí Minh đến cầu Mỹ Lợi dự kiến hoàn thành cùng với dự án cầu Mỹ Lợi sẽ sớm thúc đẩy giao thương qua cầu Mỹ Lợi.

Tuy nhiên, đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Long An chưa hình thành, đặc biệt dự án Quốc lộ 50 mới chỉ giải phóng mặt bằng được một phần rồi phải dừng lại vì quá khó khăn về kinh phí dẫn tới lưu lượng xe qua cầu Mỹ Lợi không đạt được như tính toán ban đầu, thậm chí chỉ đạt 60% dự báo.

Theo phương án tài chính, trong năm 2016, bình quân mỗi tháng dự án phải thu được 120 triệu đồng/ngày, nhưng thực tế chỉ đạt 80 triệu đồng/ngày.

Hiện nay, trung bình mỗi tháng, nhà đầu tư phải bỏ ra khoảng 3 tỷ đồng để bù tiền trả lãi vay cho ngân hàng.

“Nếu lượng xe tiếp tục không có sự tăng trưởng như dự báo, chúng tôi sẽ bỏ tiền túi để bù lỗ cho phần lãi vay ngân hàng trong vòng 17 năm tới”, ông Tài nói và cho biết thêm, trong hợp đồng BOT đã ghi rõ, để chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư, trong tình huống này cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ kéo dài được thời gian thu phí mà thôi.

Đồng quan điểm, ông Vũ Tuấn Anh - Phó vụ trưởng Vụ PPP cho rằng, 4 dự án phải kéo dài thời gian thu phí chủ yếu do lưu lượng xe sụt giảm so với dự báo và doanh thu thực tế thấp hơn nhiều so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT, nhất là dự án BOT cầu Mỹ Lợi và dự án BOT cầu Yên Lệnh, Quốc lộ 38.

"Đây là rủi ro mà các nhà đầu tư cần cân nhắc đánh giá trước khi ký kết hợp đồng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, ông Tuấn Anh nói.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện Bộ đang tiếp tục tiến hành quyết toán 54 dự án BOT. Khi quyết toán xong sẽ công khai toàn bộ thời gian thu phí còn lại, mức thu của từng dự án. Dự kiến thời gian công bố sau ngày 30/6/2017.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate