Theo tờ Nikkei Asia, giới nhà đầu tư tại châu Á, đặc biệt là ở Nhật Bản và Ấn Độ, đang hết sức quan ngại trước tình hình dịch bệnh tái bùng phát tại một số quốc gia trong khu vực.
Chính phủ các nước này đã phải tái áp đặt lệnh phong tỏa, đe dọa "thổi bay" lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng như cản trở phục hồi kinh tế.
Trước đó, châu Á dường như đã thoát được những hậu quả tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 nhờ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, giúp kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Do đó, giới nhà đầu tư đặt cược vào sự phục hồi của khu vực, đẩy thị trường chúng khoán châu Á tăng cao.
Tuy nhiên, giờ đây, nhiều quốc gia trong khu vực đang phải vật lộn với tình hình dịch bệnh tái bùng phát. Trong đó, Ấn Độ lập kỷ lục về số ca nhiễm mới trong ngày. Còn Nhật Bản hôm qua (25/4) cũng phải gia hạn tình trạng khẩn cấp tại các khu vực đô thị lớn.
NHẬT BẢN: 17 NGÀY TRONG TÌNH TRẠNG KHẨN CẤP THIỆT HẠI 6,4 TỶ USD
Nhật Bản là một trong những thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh nhất trong số các thị trường lớn toàn cầu vài tuần gần đây. Chỉ số Nikkei Stock Average của chứng khoán Tokyo đã giảm hơn 2% trong tuần trước. Chỉ số Topix cũng giảm gần 3% trong tháng qua.
Trong khi đó, Chỉ số Công nghiệp Dow Jones của chứng khoán Mỹ cũng như các chỉ số của chứng khoán Trung Quốc, Đài Loan đều tăng trong cùng kỳ.
Khi "khẩu vị" rủi ro của các nhà đầu tư vào Nhật Bản giảm dần, các lĩnh vực như vận tải hàng không, đường sắt, bất động sản và nhà hàng càng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Nhật Bản đang đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 4 với các ca nhiễm mới tăng mạnh tại các thành phố lớn như Tokyo và Osaka. Tốc độ lây lan nhanh chóng của chính bệnh này trở này mối quan tâm lớn nhất của các nhà đầu tư bởi chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 tại Nhật Bản đang diễn ra khá chậm chạp. Hiện tại, chỉ hơn 1% dân số nước này được tiêm mũi vaccine đầu tiên.
"Trong khi số lượng ca nhiễm mới tăng trở lại, tốc độ tiêm vaccine của Nhật lại chậm hơn nhiều so với Mỹ và châu Âu. Điều này khiến khả năng phục hồi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường của Nhật Bản càng trở nên mong manh", Ryota Sakagami, nhà chiến lược trưởng về chứng khoán tại J.P. Morgan Securities Nhật Bản, nhận định trong một báo cáo mới đây.
Theo Nikkei Asia, khi "khẩu vị" rủi ro của các nhà đầu tư vào Nhật Bản giảm dần, các lĩnh vực như vận tải hàng không, đường sắt, bất động sản và nhà hàng càng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Chính phủ Nhật Bản mới đây tuyên bố kéo dài tình trạng khẩn cấp sang tháng 5, qua cả kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng - vốn là dịp cao điểm du lịch và mua sắm. Chính phủ yêu cầu các nhà hàng và các cơ sở kinh doanh không thiết yếu khác như trung tâm thương mại đóng cửa để hạn chế tụ tập đông người.
Takahide Kiuchi, nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Nomura và cũng là cựu thành viên hội đồng chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, ước tính 17 ngày áp dụng trạng thái khẩn cấp tại 4 tỉnh khiến nền kinh tế Nhật thiệt hại 699 tỷ Yên (6,4 tỷ USD).
Giá cổ phiếu của Keihan Holdings - công ty cung cấp dịch vụ xe buýt tại Osaka và quản lý hãng đường sắt Keihan Electric Railway cũng như cửa hàng bách hóa Keihan, đã giảm hơn 20% trong tháng qua.
Những công ty chịu thiệt hại nặng nề nhất gồm Japan Airlines, công ty quản lý trung tâm thương mại J. Front Retailing, hãng thời trang Tokyo Base và Oriental Land - công ty vận hàng khu nghỉ dưỡng Tokyo Disney.
"Các nhà đầu tư đã bắt đầu dè dặt hơn khi Nhật Bản bước vào mùa công bố lợi nhuận", Hiroshi Matsumoto, Giám đốc đầu tư tại Pictet Asset Management cho biết. "Nhiều khả năng những doanh nghiệp phụ thuộc vào tiêu dùng nội địa như các hãng bán lẻ và dịch vụ nói chung, sẽ công bố dự báo kết quả kinh doanh đầy thận trọng".
Trước khi dịch bệnh tái bùng phát tại Nhật, kỳ vọng phục hồi kinh tế tăng cao khi các nhà đầu tư dự báo triển vọng lợi nhuận khả quan.
"Tuy nhiên, chính vì kỳ vọng lớn, nên nếu kết quả kinh doanh công ty không đạt mức dự báo thì sẽ gây ra sự thất vọng lớn trên thị trường", ông Hiroshi Matsumoto, trưởng bộ phận đầu tư Nhật Bản tại Pictet Asset Management, nhận xét.
ẤN ĐỘ, MALAYSIA: MẤT SẠCH THÀNH QUẢ PHỤC HỒI CỦA THỊ TRƯỜNG
Ấn Độ là quốc gia châu Á khác từng được kỳ vọng sẽ phục hồi kinh tế mạnh mẽ hậu Covid-19. Tuy nhiên, những ngày gần đây, đất nước với hơn 1,3 tỷ dân liên tục lập các kỷ lục về số ca nhiễm mới mỗi ngày - trên 300.000 ca, gấp 3 lần so với số lượng trong những ngày cao điểm của đợt bùng phát dịch bệnhd đầu tiên hồi tháng 9/2020. Khi các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng, thành phố Delhi đã buộc phải tái áp dụng lệnh phong tỏa.Trước tình hình này, các ngân hàng, công ty chứng khoán, bao gồm UBS Securities và Nomura Securities, đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. UBS đã hạ dự báo tăng trưởng của nước này từ 11,5% xuống còn 10% trong năm 2021, còn Nomura hạ từ 13% xuống còn 12,6%.
Chỉ số BSE Sensex của chứng khoán Ấn Độ đã giảm hơn 4% kể từ đầu tháng 4. Trước đó, chỉ số này ghi nhận mức tăng hơn 10% từ đầu năm lên mức cao kỷ lục hôm 16/2. Mọi kết quả tăng trưởng này đều đã bị "thổi bay" khi dịch bệnh tái bùng phát.
"Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần hai tại nhiều nước châu Á có vẻ nghiêm trọng hơn lần đầu tiên. Đặc biệt, Ấn Độ, Thái Lan chịu nhiều nguy cơ nhất", Manishi Raychaudhuri, trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương của BNP Paribas ở Hồng Kông, nhận xét.
Theo ông Raychaudhuri, dịch bệnh tái bùng phát khiến các thị trường toàn khu vực chịu áp lực lớn. Chứng khoán toàn cầu, được đo lường bởi chỉ số MSCI All Country World Index, đã tăng hơn 8,4 điểm phần trăm so với các thị trường châu Á kể từ ngày 1/2.
Tại Malaysia, tốc độ lây nhiễm dịch bệnh cũng tăng kỷ lục trong tháng 4 khi người dân di chuyển trong dịp lễ Ramadan. Chính phủ Malaysia đã cảnh báo về làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại nước này. Chỉ số FTSE Bursa Malaysia KLCI Index của chứng khoán Malaysia đã mất sạch tăng trưởng tích lũy được thừ đầu năm.
Làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần hai tại nhiều nước châu Á có vẻ nghiêm trọng hơn lần đầu tiên. Đặc biệt, Ấn Độ, Thái Lan chịu nhiều nguy cơ nhất.
Trong khi đó, Thái Lan đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ ba và cũng là đợt dịch nghiêm trọng nhất khi lan ra tất cả 77 tỉnh thành. Hơn 1/3 tổng số ca nhiễm Covid-19 của nước này được ghi nhận trong tháng 4, buộc chính phủ phải siết chặt các biện pháp phòng dịch.
Tuy nhiên, chỉ số chứng khoán Thái Lan, dù giảm 10% trong năm ngoái, vẫn đứng vững nhờ việc các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào các cổ phiếu sụt giảm.
Tại Indonesia, chính phủ cũng đã công bố lệnh cấm du lịch trong dịp lễ Eid al-Fitr vào tháng 5 tới. Chỉ số chứng khoán của nước này đã giảm gần 4% trong tháng qua.
Hàn Quốc cũng chứng khiến số lượng ca nhiễm mới trong ngày tăng mạnh nhất kể từ tháng 1. Tuy nhiên, tình hình có vẻ đang được kiểm soát và chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy mạnh. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc đã tăng 6% trong tháng qua, tăng 11% so với thời điểm đầu năm.