October 27, 2021 | 09:10 GMT+7

Nhà đầu tư “săn lùng” start-up Proptech

Nhĩ Anh -

Các start-up lĩnh vực công nghệ bất động sản (proptech) là một trong những xu hướng mới, nhiều tiềm năng và đang hút sự quan tâm chú ý, “xuống tiền” của nhà đầu tư...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dịch Covid trong hai năm qua đã thúc đẩy công nghệ proptech phát triển mạnh mẽ trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Thị trường proptech tại Việt Nam đã nhanh chóng trở thành lĩnh vực start-up mới nổi với hàng loạt start-up ra đời và nhiều start-up đã gọi vốn thành công với các hợp đồng hàng triệu USD.

LĨNH VỰC ĐANG HÚT VỐN ĐẦU TƯ

Từ đầu năm 2021, mặc dù Covid chưa hạ nhiệt nhưng thị trường đã ghi nhận các thương vụ đầu tư, góp vốn, M&A vào lĩnh vực công nghệ bất động sản (proptech). Gần đây nhất, tháng 8/2021, start-up Rever cho biết đã gọi vốn thành công hơn 10 triệu USD quỹ Mekong Enterprise Fund IV. Rever cũng đã nhận được khoản đầu tư 2,3 triệu USD từ GEC-KIP Technology and Innovation Fund. VinaCapital Ventures cũng đã công bố đầu tư 4 triệu USD vào đơn vị này.

Vào tháng 3, Citics gọi được 1 triệu USD vòng Series A từ Vulpes Investment Management, Nextrans, The Ventures. Giữa tháng 5/2021, start-up đặt phòng ngắn hạn Go2Joy nhận 1,3 triệu USD từ SV Investment, nâng tổng cộng vòng gọi vốn series A đạt 6,1 triệu USD. Mấy tháng trước đó, Go2Joy nhận 2,5 triệu USD từ các nhà đầu tư.

 
Các proptech đang được các nhà đầu tư “săn lùng”. Tiềm năng phát triển của bất động sản là rất lớn. Do đó, nếu start-up công nghệ proptech có thể tham gia hỗ trợ phát triển nhanh, bền vững hơn thì sẽ được các nhà đầu tư đón nhận.

Trước đó, Propzy- start-up trong lĩnh vực proptech đã công bố gọi vốn 25 triệu USD vòng Series A thành công từ Softbank, Gaw Capital và một số nhà đầu tư nâng tổng số vốn gọi được lên 37 triệu USD vào quý 2/2020.

Theo lộ trình phát triển, Propzy dự kiến sẽ kết thúc vòng gọi vốn Series B 50 triệu USD vào cuối năm nay. Đại diện start-up này tiết lộ đang thảo luận cùng nhóm nhà đầu tư nước ngoài rất hứng thú với thị trường proptech đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Thống kê, năm 2020, trong khi đầu tư vào start-up nhiều ngành giảm thì số vốn đầu tư vào start-up lĩnh vực bất động sản và hạ tầng lại tăng, đạt khoảng 26 triệu USD, cao hơn năm trước 10 triệu USD.

Trong quá trình kết nối giữa start-up với nhà đầu tư, ông Đặng Nhựt Thông, Đồng sáng lập và Chủ tịch Wiziin cho biết, các proptech đang được các nhà đầu tư săn lùng. Tiềm năng phát triển của bất động sản trên toàn cầu là rất lớn. Do đó, nếu công nghệ có thể tham gia hỗ trợ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn thì sẽ được các nhà đầu tư đón nhận. Trong giai đoạn 2020-2021 đã có khoảng 5-6 công ty start-up proptech ở Mỹ lên sàn IPO thành công. Các nhà đầu tư khi làm việc với Wiziin đều rất quan tâm, theo dõi sát các công ty start-up lĩnh vực proptech.

Theo đánh giá, các nền tảng proptech ở Việt Nam hiện đang phát triển khá tốt. Tuy nhiên, với những start-up mới trong lĩnh vực này chưa thích hợp với thị trường, chưa đạt độ chín để hút các nhà đầu tư. Các chuyên gia hy vọng thời gian tới ở Việt Nam sẽ có những start-up proptech mới tiềm năng để có thể giới thiệu kết nối với các nhà đầu tư. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang rất quan tâm đến Proptech và sẵn sàng “xuống” tiền.

NHÀ ĐẦU TƯ QUAN TÂM GÌ Ở CÁC START-UP PROPTECH?

Để có thể thâm nhập thị trường, các chuyên gia cho rằng, start-up phải xác định rất rõ giải pháp của mình hướng tới giải quyết vấn đề gì. Với quy mô và tốc độ phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, các start-up chỉ cần có được một miếng bánh rất nhỏ trong đó, giải quyết được các bài toán, “nỗi đau” đang đặt ra của thị trường sẽ thành công.

Đại diện một doanh nghiệp bất động sản khẳng định, yếu tố quan trọng nhất để doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ mới chính là tính hiệu quả doanh thu mang lại, tiết kiệm chi phí bao nhiêu và có thể giúp chuyển doanh nghiệp sang một trạng thái mới không… Hiện các đơn vị xây dựng, kinh doanh bán hàng, chủ đầu tư, tư vấn, thẩm định giá… vẫn đang rất thiếu công nghệ bất động sản. Thị trường này đang được ví như một đại dương xanh để các đơn vị công nghệ, start-up có thể triển khai.

 
Các start-up cần phải làm rõ những hoạt động đã làm được, mô hình kinh doanh là gì và tỷ lệ lợi nhuận trong tương lai như thế nào? Các nhà đầu tư sẽ chỉ quan tâm nếu mô hình của start-up đem lại những lợi nhuận “đột biến" chứ không chỉ là mức tăng trưởng 10-20%/năm.

Với mỗi start-up, việc gọi vốn đầu tư để thúc đẩy phát triển là rất quan trọng. Trong quá trình gọi vốn, việc xây dựng một bộ hồ sơ “pitch deck” hoàn thiện, đạt chuẩn để tiếp cận các nhà đầu tư là rất quan trọng đối với tất cả các start-up ở giai đoạn sớm. Theo ông Thông, trước hết các start-up phải có bộ hồ sơ ngắn gọn, xúc tích nhưng phải đầy đủ, đặc biệt phải nêu rõ các giải pháp công nghệ sẽ giải quyết vấn đề gì và mang lại lợi ích gì cho thị trường.

Các start-up cũng cần phải làm rõ những hoạt động đã làm được, mô hình kinh doanh là gì và tỷ lệ lợi nhuận trong tương lai như thế nào? Các nhà đầu tư sẽ chỉ quan tâm nếu mô hình của start-up đem lại những lợi nhuận “đột biến" chứ không chỉ là mức tăng trưởng 10-20%/năm, chuyên gia này nói.

Một yếu tố được các nhà đầu tư rất quan tâm tới team, đội ngũ nhân sự hiện tại cũng như người lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược đặt ra. Các start-up cần phải cho nhà đầu tư thấy được bức tranh tài chính tổng thể và tình trạng phát triển cho giai đoạn 1-3 năm tới sẽ thế nào? Đây sẽ là những yếu tố quyết định start-up đó có được nhà đầu tư quan tâm, hợp tác không.

Trong quá trình gọi vốn, các start-up có thể gửi hồ sơ tiếp cận nhiều nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cũng sẽ đi tìm kiếm các start-up phù hợp với chiến lược đầu tư của mình. Sự hợp tác giữa nhà đầu tư và start-up là mối quan hệ hài hòa và mang lại giá trị cho nhau, không chỉ là tiền mà còn là kinh nghiệm. Các chuyên gia khuyên các start-up mới tham gia thị trường nên chuẩn bị list danh sách 30-50 nhà đầu tư khác nhau để có thể tìm nhà đầu tư phù hợp với chiến lược của doanh nghiệp. Bởi với một mô hình quá mới mẻ và chưa hoàn thiện thì tỷ lệ nhận được đầu tư sẽ rất thấp.

Bà Minh Lê, đồng trưởng làng đô thị thông minh và công nghệ bất động sản Proptech cho rằng, bên cạnh team làm sản phẩm, các start-up cũng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng team gọi vốn, có chiến lược tiếp cận các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, nhà đầu tư thiên thần, hoặc những tập đoàn bất động sản đang có nhu cầu quan tâm đến các giải pháp công nghệ proptech tốt...

Để các start-up giai đoạn sớm có cách tiếp cận đầu tư bối cảnh hiện nay, các chuyên gia lưu ý, đây là thời điểm rất khó khăn, và quá trình gọi vốn sẽ không thể nhanh. Ngay cả khi start-up tiếp cận được nhà đầu tư thiên thần thì cũng phải mất vài tuần thậm chí vài tháng. Còn với các quỹ cần khoảng 3-6 tháng để thẩm định hồ sơ mô hình kinh doanh.

Đối với các start-up đang trong giai đoạn sơ khai, chưa nên tìm đến hình thức gọi vốn cộng đồng (crowdfunding). “Nếu mới chỉ hình thành với các ý tưởng thì chưa nên gọi vốn mà nhờ tham vấn từ các nhà cố vấn chuyên gia trong lĩnh vực proptech. Sẽ tốt hơn nếu các bạn dành thời gian để thành lập đội ngũ nhân sự và công ty có pháp lý rõ ràng trước khi đi gặp các nhà đầu tư”, nhiều chuyên gia đưa lời khuyên.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate