Sau khi giấy phép băng tần hết hạn, nhà nước có thể thu hồi băng tần để cấp phép lại theo thủ tục cấp phép mới giấy phép, khi đó, doanh nghiệp đối diện với khả năng không được tiếp tục sử dụng băng tần và đây là một rủi ro lớn.
Nội dung trên được đề cập trong dự thảo tờ trình Chính phủ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến nhân dân.
Theo tờ trình, sau 7 năm áp dụng, Luật Tần số vô tuyến điện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số, đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường dịch vụ thông tin vô tuyến…
Đồng thời, hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet đã được đầu tư mạnh mẽ, phát triển mạnh và hoạt động ổn định. Số lượng thuê bao viễn thông di động, Internet băng rộng, đặc biệt là số lượng thuê bao di động băng rộng (3G), tăng nhanh. Số liệu thống kê tính đến tháng 6/2017 cho thấy: đã có xấp xỉ 49 triệu thuê bao Internet băng rộng di động (đạt tỷ lệ 50 thuê bao/100 dân)…
Tuy nhiên, Luật Tần số vô tuyến điện còn bộc lộ hạn chế cần được điều chỉnh linh hoạt hơn đối với việc gia hạn giấy phép sử dụng băng tần, thường được cấp cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động như VinaPhone, MobiFone, Viettel,..
Cụ thể, luật này quy định thời hạn giấy phép sử dụng băng tần tối đa là 15 năm. Luật cho phép gia hạn giấy phép với tổng thời hạn của cả lần cấp đầu và các lần gia hạn không quá thời hạn tối đa (15 năm) của giấy phép; trường hợp cấp lần đầu 15 năm thì được gia hạn tối đa 1 năm. Như vậy, sau khi giấy phép băng tần hết hạn, nhà nước có thể thu hồi băng tần để cấp phép lại theo thủ tục cấp phép mới giấy phép.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, khi đó, doanh nghiệp đối diện với khả năng không được tiếp tục sử dụng băng tần. Đây là một rủi ro lớn đối với cả doanh nghiệp và người sử dụng dịch vụ.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều nước cũng đang đối mặt với việc cấp lại như thế nào cho các giấy phép di động đã, đang, sắp hết hạn để mang lại lợi ích lớn nhất cho toàn thể cộng đồng. Việc đấu giá, thi tuyển lại hoặc xem xét gia hạn sử dụng trong một thời hạn đủ dài 10-20 năm đều có những ưu nhược điểm riêng và phù hợp áp dụng với từng trường hợp, điều kiện hoàn cảnh cụ thể.
Dự thảo tờ trình trên đề nghị sửa đổi quy định về gia hạn tại khoản 1 Điều 22 Luật Tần số vô tuyến điện. Cụ thể, sửa đổi quy định về thời hạn gia hạn theo hướng kéo dài thời hạn gia hạn giấy phép sử dụng băng tần sau khi giấy phép hết hạn bằng với thời hạn cấp mới (15 năm) và bổ sung thêm điều kiện để được gia hạn.
Theo quy định hiện hành thì, tổng thời hạn cấp lần đầu và các lần gia hạn giấy phép không vượt quá thời hạn tối đa quy định cho từng loại giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tương ứng (với giấy phép sử dụng băng tần có thời hạn tối đa là 15 năm); trường hợp cấp lần đầu bằng thời hạn tối đa quy định cho loại giấy phép tương ứng thì chỉ được xem xét gia hạn tối đa là một năm.
Ngoài nội dung sửa đổi thời gian gia hạn sử dụng băng tần trên, Bộ Thông thông tin và Truyền thông cũng đề nghị sửa đổi các cụm từ có liên quan đến “quy hoạch” tại các Điều 3, 5, 10, 11, 12, 16, 17, 18, 19, 45, 46 trong Luật Tần số vô tuyến điện.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, việc sửa đổi các quy định về quy hoạch trên nhằm để phù hợp và tránh xung đột với Luật Quy hoạch dự kiến được Quốc hội thông qua năm 2017.