December 17, 2013 | 08:48 GMT+7

“Nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ, hướng đi để phát triển”

PV

Hội nghị quốc tế với chủ đề “Nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ (SNPP) - hướng đi để phát triển điện hạt nhân” đã được tổ chức ở Moscow

Ông Dzhomart Aliev, CEO của Rosatom Overseas.
Ông Dzhomart Aliev, CEO của Rosatom Overseas.
Hội nghị quốc tế với chủ đề “Nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ (SNPP) - hướng đi để phát triển điện hạt nhân” đã được tổ chức ở Moscow từ ngày 3/12 đến ngày 5/12 năm 2013.

Hội thảo được tổ chức bởi Viện an toàn hạt nhân thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, (IBRAE) với sự hỗ trợ từ IAEA, ROSATOM và Rosatom Overseas, Học viện Kurchatov NRS cũng như Quỹ nghiên cứu khoa học cơ bản Cộng hòa Liên bang Nga (RFBR).

Sự kiện có sự tham gia của đại diện các tổ chức, các công ty công nghệ, công ty năng lượng trong nước và quốc tế. Điểm nổi bật của SNPP-2013 là sự tham gia của giới học giả Nga cũng như các học giả nước ngoài, cho thấy lĩnh vực này đang nhận được sự quan tâm rộng rãi.

Chủ đề chính của hội thảo là tính kinh tế của dự án lò phản ứng môđun cỡ nhỏ (SMR) trong công nghiệp năng lượng ngày nay. Cụ thể hội thảo sẽ thảo luận các vấn đề lắp đặt và vận hành, vấn đề thương mại hóa, vấn đề cấp phép và tính an toàn của các SMR.

Tại phiên họp toàn thể, CEO của Rosatom Overseas ông Dzhomart Aliev đã thuyết trình về các thách thức và viễn cảnh của SMR. Ông khẳng định để phát triển công nghệ SMR cần phải đáp ứng một số yêu cầu về thị trường và công nghệ. Một trong những thị trường tiềm năng là các quốc gia nơi không thể xây các nhà máy lớn và trung bình, có nhu cầu tải điện đến vùng sâu vùng xa và muốn giảm thiểu các tác động về môi trường. Dựa trên các tính toán về tiềm năng của thị trường, bản báo cáo đánh giá tổng sản lượng điện của các SMR có thể đạt tới 50 GW vào năm 2030.

Ông Aliev nhấn mạnh “các tính toán về thị trường của ngành công nghiệp này xác nhận các dự án SMR đang thu hút nhiều sự quan tâm. Giá điện thấp ở các khu vực trọng điểm và xu hướng tự do hóa các thị trường năng lượng là các thách thức mà nhà kinh doanh SMR gặp phải”.

Để SMR được khách hàng lựa chọn, ngoài việc phù hợp với mục đích của chủ đầu tư, còn phải tính đến các yếu tố như tiến độ thiết kế, xây dựng và cấp phép; chi phí xây kết cấu hạ tầng; hệ thống an toàn; cấu hình APCS (Hệ thống quản lý dây chuyền tự động); và tính chất có thể tháo lắp của các bộ phận lò phản ứng. “Do đó, khái niệm SMR và việc phân tích khả thi các dự án SMR đánh dấu sự xuất hiện của một kiểu khách hàng NPP mới – “khách hàng thương mại”  mua điện hoặc nhiệt giá rẻ cho nhu cầu cụ thể của mình.”

Với xu hướng nhu cầu thị trường chuyển từ các hợp đồng EPC truyền thống (thiết kế-thu mua-xây dựng) sang các hợp đồng BOO (xây dựng-sở hữu-vận hành) và BOOT (xây dựng-sở hữu-vận hành-chuyển giao), các dự án SMR đang giúp hình thành một mô hình kinh doanh mới trong đó khách hàng không quản lý việc vận hành các tổ máy mà đơn thuần mua điện hoặc nhiệt theo mức giá được thỏa thuận trước.

Khái niệm “energy outsourcing” là một mô hình hợp tác mới mẻ. Và với các dự án như vậy các “hợp đồng sử dụng dịch vụ theo chu kỳ” (service contract of life cycle) sẽ trở nên phổ biến. Ông nói thêm rằng điều công chúng quan tâm nhất vẫn là tính an toàn của SMR. Do đó sự tham gia tích cực của các đồng nghiệp từ IAEA, các bài báo cáo nghiên cứu của Viện an toàn hạt nhân (IBRAW) sẽ có tác động quan trọng đến quyết định của thị trường.

Nhiều doanh nghiệp điện hạt nhân hàng đầu của Cộng hòa Liên bang Nga đã thuyết trình về SMR tại hội thảo này. Một đại diện của Rosenergoatom thuyết trình về thực trạng và tương lai của NPP nổi trên nước nói chung, về các đặc điểm và tình hình triển khai xây dựng NPP nổi đầu tiên trên thế giới “Akademik Lomonosov.”

Bên cạnh các bài thuyết trình của các giám đốc và chuyên gia đến từ Afrikantov OKBM, AKME, NIKIET, Học viện Kurchatov của Nga, đại diện từ các công ty và tổ chức nước ngoài cũng đến để chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia họ về lĩnh vực này.

Tiến sĩ Sai Golub từ Phòng Công nghệ Lò phản ứng hạt nhân, Vụ Năng lượng Nguyên tử, Bộ Năng lượng Mỹ chia sẻ về sự phát triển của công nghệ SMR ở quốc gia của ông. Một đại diện từ công ty quốc phòng hàng hải DCNS (công ty đóng tàu hàng đầu châu Âu) thảo luận về khái niệm nhà máy điện hạt nhân nổi di động.

Ông Ferhat Aziz từ Cục Năng lượng nguyên tử Indonesia (BATAN) đến cuộc hội thảo với chủ đề quản lý nhà nước đối với điện hạt nhân và SMR. Ông cho rằng SMR có thể cung cấp điện sạch với chi phí hợp lý cho các vùng xa trung tâm ở quốc đảo với hơn 17.000 hòn đảo này. 

Một điều khác cần quan tâm là hiện nay Indonesia đang ở giai đoạn phát triển cơ sở hạ tầng cho điện hạt nhân, BATAN đang tiến hành đánh giá kinh tế và đánh giá kĩ thuật với các phương án NPP thông thường và NPP cỡ nhỏ, trong đó có cả lò phản ứng VVER-1000 và KLT-40S của Nga.

(Nguồn: Rosatom)
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate