Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, thời gian quá độ từ già hóa dân số sang dân số già của Việt Nam là khoảng 26 năm, từ năm 2011 đến 2037. Đây là khoảng thời gian chuyển đổi rất ngắn so với các quốc gia có trình độ phát triển cao, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Về tốc độ tăng trưởng kinh tế: Việt Nam có thời gian tăng trưởng dài hàng đầu thế giới (42 năm, chỉ thua kỷ lục thế giới 44 năm của CHND Trung Hoa, trong đó có hàng chục năm tăng trưởng hai chữ số).
Trong hai năm đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam vẫn nằm trong số ít nước trên thế giới đạt tăng trưởng dương. Năm 2023, Việt Nam cũng nằm trong top các nước có tốc độ tăng trưởng GDP thuộc loại cao nhất thế giới. Đó là những tốc độ tăng rất đáng tự hào, bởi đối với những nước có điểm xuất phát thấp, thì tốc độ tăng cao hơn, tăng dài hơn là giải pháp quan trọng.
CHƯA GIÀU VÀ GIÀU CHẬM
Trước đây đã có không ít ý kiến cho rằng không nên chạy theo tốc độ tăng trưởng, thậm chí đối với một số năm (nhất là những năm tăng trên 8%,); có ý kiến còn cho rằng tăng trưởng như vậy là “quá nóng”.
Nhưng có ý kiến lại thể hiện tư duy tự hào thái quá mà không thấy được tốc độ tăng trưởng như thời gian qua là chưa đủ, bởi quy mô GDP của Việt Nam còn nhỏ so với thứ bậc thấp so với thứ bậc về dân số.
Theo đó, thứ bậc về tổng GDP còn thấp khá xa so với thứ bậc về dân số. Trong khi một số nước và vùng lãnh thổ có tốc độ tăng dân số mang dấu âm, thì Việt Nam vẫn đạt dấu dương, bình quân mỗi năm dân số Việt Nam vẫn tăng tự nhiên gần 1 triệu người; hơn nữa về biến động cơ học, số người đến Việt Nam cũng không ít, thể hiện ở tốc độ tăng dân số trung bình vẫn đạt trên dưới 0,95% so với tỷ lệ tăng tự nhiên ở mức 0,91%.
Đúng là thời gian tăng trưởng dài, tốc độ tăng trưởng khá, nhưng chưa đủ cao ở mức bứt phá; chưa năm nào đạt 2 chữ số, thời gian đạt trên 8-9% còn ít, chưa đủ dài.
Về GDP bình quân đầu người: do quy mô dân số đứng thứ bậc cao hơn về quy mô GDP, nên GDP bình quân đầu người của Việt Nam đứng thứ bậc còn thấp xa so với thứ bậc về dân số và thứ bậc về quy mô GDP. Đây là biểu hiện rõ nhất về tiêu chí “chưa giàu” (hình 2).
GDP bình quân đầu người của Việt Nam tuy có tăng lên qua các năm, nhưng vẫn còn thấp khá xa so với con số tương ứng của thế giới (hình 3).
Theo đó, năm 2015 GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ bằng 25,3% của thế giới; năm 2018 tương ứng bằng 28,3% của thế giới; năm 2019 tương ứng bằng 30,4% của thế giới; năm 2020 tương ứng bằng 32,4% của thế giới; năm 2021 tương ứng bằng 30,2% của thế giới. Những con số này cho thấy khả năng “tụt hậu xa hơn” của Việt Nam vẫn có thể xảy ra.
Năm 1988 - năm mà GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 88 USD, là một trong những năm chúng ta thuộc nhóm có thu nhập thấp nhất thế giới. Nhưng đến năm 2008, Việt Nam đã ra khỏi nhóm thu nhập thấp, trở thành nước thuộc nhóm thu nhập trung bình (thấp); và chúng ta hiện nay đang phấn đấu để năm 2025 ra khỏi nhóm nước thu nhập trung bình. Đó quả thật là những mốc thời gian có tính lịch sử. Nhưng so với thời gian 50 năm thống nhất đất nước, 40 năm đổi mới và 30 năm thoát khỏi bao vây cấm vận, mở cửa hội nhập, thì những biến chuyển trên vẫn còn chậm, tức là giàu chậm.
Về tích lũy tài sản: giàu có là kết quả của việc nâng cao mức GDP bình quân đầu người, nhưng không chỉ ở chỉ số này mà thể hiện ở nhiều chỉ số khác, nhất là các chỉ số tích lũy cho sự phát triển, các chỉ số về xã hội cho hiện tại và tương lai. Tỷ lệ tích lũy tài sản so với GDP của Việt Nam qua một số năm thể hiện ở hình 4.
Nhận diện về tỷ lệ tích lũy tài sản của Việt Nam, có 4 điểm cần quan tâm.
Một, tỷ lệ của Việt Nam thuộc loại cao trên thế giới (đứng thứ 1/11 Đông Nam Á; thứ 4/34 nước và vùng lãnh thổ ở châu Á có số liệu so sánh; thứ 8/109 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh trên thế giới).
Hai, tỷ lệ đầu tư/GDP cao hơn tỷ lệ tích lũy tài sản, trong khi bội chi ngân sách, làm cho phải vay nợ lớn.
Ba, trong khi lượng vốn đầu tư trực tiếp cho sản xuất kinh doanh còn thiếu, thì có một lượng vốn không nhỏ bị “chôn” vào các kênh tiền ảo, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, khi gặp trục trặc không chuyển dịch ngay được.
Bốn, sớm có tình trạng “ăn chơi sớm” ở một bộ phận người tham nhũng, làm giàu dễ bằng tranh thủ các kẽ hở của cơ chế chính sách, thậm chí của một bộ phận chưa giàu nhưng đua đòi.
Việc tích lũy để đảm bảo an sinh xã hội, như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhà dưỡng lão… còn yếu. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm mới đạt 32,7%, bảo hiểm y tế 90,2%, bảo hiểm thất nghiệp 26,6%.
CHƯA GIÀU NHƯNG ĐÃ GIÀ
Sự chuyển dịch cơ cấu dân số của Việt Nam đã dẫn đến kết quả là “cơ cấu dân số vàng” qua nhanh, “cơ cấu dân số già” đến nhanh. Sự khác nhau giữa “cơ cấu dân số vàng” và “cơ cấu dân số già” chủ yếu do tỷ số phụ thuộc, tức là 1 người trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 60 tuổi) phải “gánh” bao nhiêu người phụ thuộc. Tỷ số phụ thuộc trẻ em là tỷ số giữa trẻ em (từ 0 đến 14 tuổi) so với 100 người trong độ tuổi lao động. Tỷ số phụ thuộc già là tỷ số giữa số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) so với 100 người trong tuổi lao động. Tỷ số phụ thuộc chung là tổng của hai tỷ số phụ thuộc trẻ em và tỷ số phụ thuộc già.
Tỷ số phụ thuộc chung nếu còn ở mức dưới 50 thì cơ cấu dân số thuộc “cơ cấu dân số vàng”; nếu tỷ số phụ thuộc chung đã lên trên 50 thì cơ cấu dân số thuộc “cơ cấu dân số già”; nếu tỷ số phụ thuộc chung chuyển dần từ dưới 50 lên trên 50 thì cơ cấu dân số chuyển từ “cơ cấu dân số vàng” sang “cơ cấu dân số già”.
Sự chuyển dịch cơ cấu dân số của Việt Nam thời gian qua có một số điểm đáng lưu ý. Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” từ năm 2008. Theo chu kỳ chuyển dịch thông thường, thời gian của “cơ cấu dân số vàng” là 30 năm. Theo đó, “cơ cấu dân số vàng” của Việt Nam (tính từ năm 2008) có thể kéo dài đến năm 2038 và tính từ năm 2023 sẽ còn 15 năm nữa.
Tuy nhiên, sự chuyển dịch cơ cấu dân số của Việt Nam thực tế đang diễn ra theo xu hướng hơi khác thường: “cơ cấu dân số vàng” đang qua nhanh, xen kẽ với “cơ cấu dân số già” đang đến nhanh (từ năm 2011). Số người cao tuổi hiện đạt khoảng 13 triệu người, chiếm trên 13% tổng dân số. Trong đó, số người từ 80 tuổi trở lên là 1,97 triệu người; có 7,5 triệu người là nữ; 8,1 triệu người sống ở nông thôn.
Tỷ suất sinh thô của Việt Nam đã giảm nhanh: năm 2022 là 15,2%o, thấp hơn tỷ suất chung của thế giới (17%o); thấp thứ 6/11 tại Đông Nam Á; thứ 22/44 ở châu Á; thứ 52/124 thế giới. Tổng tỷ suất sinh của Việt Nam đã ở dưới mức sinh thay thế, năm 2022 chỉ là 2,01%. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam có xu hướng cao lên: năm 2022 là 73,6 tuổi, cao hơn con số 72 tuổi của toàn cầu; đứng thứ 5/11 Đông Nam Á; 17/44 châu Á; thứ 59/124 thế giới.
Một điểm cần chú ý nữa là tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức, tỷ lệ này tuy đã liên tục giảm qua các năm theo sự phát triển của doanh nghiệp nhưng vẫn còn rất cao (hình 5).
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức năm 2022 của nam giới cao hơn của nữ (68,9% so với 62,3%); ở nông thôn cao hơn ở thành thị (74,9% so với 50,3%). Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở lứa tuổi trẻ và lứa tuổi cao (trên 50 tuổi) ở mức cao (15-19 tuổi là 79,8%, trên 50 tuổi là 84,2.
Tỷ lệ ở người không có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao nhất (78,5%); nhưng ở một số trình độ vẫn còn cao (sơ cấp 53,8%; trung cấp 41%; cao cấp 30,5%; đại học trở lên 12,5%). Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ở nhóm ngành nông, lâm nghiệp – thủy sản cao nhất (96,7%), tiếp đến là dịch vụ (57,7%); công nghiệp – xây dựng cũng còn lớn (48,3%).
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức cao là một yếu tố gây áp lực đối với nguy cơ “chưa giàu đã già”.
ỨNG XỬ VỚI NGUY CƠ “CHƯA GIÀU ĐÃ GIÀ”
Thứ nhất, cần hoãn bớt sự chuyển dịch quá nhanh của dân số từ “cơ cấu dân số vàng” sang “cơ cấu dân số già”.
Có thể hãm bớt bằng một số giải pháp. Hãm sự sụt giảm nhanh của tỷ suất sinh bằng việc khuyến khích kết hôn sớm hơn đối với cả nam và nữ, cả ở thành thị và nông thôn. Khuyến khích sinh đẻ sớm, tăng số con, thời gian giữa các lần sinh…
Khuyến khích tập trung vào những địa bàn mà tuổi kết hôn muộn, tỷ suất sinh thấp, tỷ lệ tăng tự nhiên thấp. Cần ngăn chặn và xử lý nghiêm việc buôn bán phụ nữ ra nước ngoài; tuyên truyền để giảm bớt số phụ nữ đi lấy chồng nước ngoài.
Thứ hai, cần tranh thủ thời cơ “cơ cấu dân số vàng” để tăng GDP bình quân đầu người, để làm tốt các công tác bảo đảm xã hội.
Để tăng GDP bình quân đầu người, trước hết phải tăng tổng GDP với tốc độ tăng cao hơn và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng tăng trưởng, do tăng lượng vốn đầu tư và số lượng lao động bị giới hạn về nguồn và thường gây ra các hiệu ứng phụ về kinh tế vĩ mô. Để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phải nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động, tăng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP)...
Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2023-2024: Việt Nam & Thế giới phát hành ngày 06/03/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam