May 28, 2024 | 08:57 GMT+7

Nhận định của giới chuyên gia về cuộc gặp thượng đỉnh Trung-Nhật-Hàn

An Huy -

Cuộc gặp này được sắp xếp chóng vánh và là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ba cường quốc khu vực Đông Á kể từ năm 2019...

Từ trái qua: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại cuộc gặp ở Seoul, Hàn Quốc này 27/5 - Ảnh: Reuters.
Từ trái qua: Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại cuộc gặp ở Seoul, Hàn Quốc này 27/5 - Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ca ngợi một “khởi đầu mới” trong quan hệ giữa nước này với Hàn Quốc và Nhật Bản tại cuộc gặp thượng đỉnh ba bên diễn ra vào ngày 27/5, khi các bên cam kết nối lại đàm phán thoả thuận tự do thương mại (FTA). Ngoài ra, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi Tokyo và Seoul từ bỏ “chủ nghĩa bảo hộ” trong thương mại.

Một số chuyên gia cho rằng cuộc gặp này chủ yếu có ý nghĩa biểu tượng và cho thấy Trung Quốc muốn cản việc hai nước láng giềng tăng cường hợp tác với Mỹ.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận để đẩy nhanh tiến trình đàm phán một FTA ba bên”, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và ông Lý Cường nói trong một tuyên bố chung sau cuộc gặp diễn ra tại Seoul.

Cuộc gặp này được sắp xếp chóng vánh và là cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ba cường quốc khu vực Đông Á kể từ năm 2019. Sự kiện diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc không hài lòng với việc Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia vào các biện pháp hạn chế xuất khẩu mạnh tay do Mỹ khởi xướng áp lên Trung Quốc nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc tiếp cận với các công nghệ bán dẫn tân tiến. Ngoài ra, mối quan hệ quân sự gia tăng giữa Washington với hai đồng minh chủ chốt ở Đông Á cũng là một vấn đề gây mếch lòng Bắc Kinh.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Lý Cường nói sự kiện này “vừa là một sự tái khởi động, vừa là một khởi đầu mới” trong quan hệ giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc. Ba nước nhất trí tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng và liên lạc chặt chẽ hơn về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu - ông Lý cho biết - đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bảo hộ và việc phân ly các chuỗi cung ứng.

“Để tạo ra một môi trường thuận lợi hơn, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cần giải quyết tốt các vấn đề nhạy cảm và các khác biệt trong quan điểm”, nhà lãnh đạo Trung Quốc phát biểu tại một cuộc họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh.

Ông Lý cũng hối thúc Nhật Bản và Hàn Quốc “quan tâm đến lợi ích lõi của nhau” - lời kêu gọi được xem là sự cảnh báo ngầm đối với việc hai quốc gia này tham gia vào các chính sách ngày càng cứng rắn của Mỹ nhằm vào Trung Quốc. Ngoài ra, ba nhà lãnh đạo nhất trí có các cuộc gặp hàng năm.

Chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh ba bên này không đề cập đến các điểm xung đột của khu vực như Triều Tiên hay Đài Loan, mà thay vào đó tập trung vào trao đổi học thuật và du lịch, cũng như hợp tác về chống biến đổi khí hậu và lên kế hoạch ứng phó với bệnh dịch trong tương lai.

Hôm Chủ nhật, trong một cuộc gặp với Chủ tịch Samsung Lee Jae-yong, ông Lý Cường đã kêu gọi tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc đồng thời là hãng sản xuất chip nhớ hiện đại lớn nhất thế giới tăng cường đầu tư vào Trung Quốc.

“Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một lực lượng không thể thiếu trong sự phát triển của Trung Quốc và thị trường rộng lớn của Trung Quốc sẽ luôn rộng mở cho các doanh nghiệp nước ngoài”, thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn lời ông Lý.

Tuy nhiên, ông Yeo Han-kooo, một cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Hàn Quốc hiện làm việc như một chuyên gia tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, nói rằng “khó có chuyện doanh nghiệp Hàn Quốc muốn đầu tư công nghệ cao vào Trung Quốc, xét tới môi trường địa chính trị hiện nay và việc các công ty công nghệ Hàn Quốc và Trung Quốc đang là đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong nhiều lĩnh vực”.

Giáo sư Leif-Eric Easley thuộc Đại học nữ Ewha ở Seoul nhận định việc Trung Quốc tham gia trở lại vào tiến trình điều phối ba bên là “tin tốt”, có lợi cho trận tự khu vực dựa trên các nguyên tắc. Dù vậy, ông Easley cũng cho rằng Trung Quốc có thể đang muốn làm suy yếu hợp tác an ninh kinh tế giữa Hàn Quốc với Nhật Bản và Mỹ, nhất là về chuỗi cung ứng bán dẫn.

Ông Jaewoo Choo, trưởng trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Viện nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Seoul, cho rằng chìa khoá để các cuộc gặp thượng đỉnh ba bên Trung-Nhật-Hàn trong tương lai thành công là sự tham gia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo ông Choo, nếu ông Tập không tham gia, “những cuộc gặp này khó đạt được mục tiêu, cho dù đó là một FTA trong tương lai hay bất kỳ thứ gì khác”, ông Choo nói với tờ báo Financial Times.

Giáo sư Stephen Nagy thuộc Đại học Công giáo Quốc tế ở Tokyo nhận xét cuộc gặp thượng đỉnh vừa diễn ra giữ vai trò quan trọng trong việc ổn định quan hệ giữa ba nước, cho dù không mang lại một sáng kiến cụ thể nào. Trao đổi với hãng tin CNBC, ông Nagy cho rằng Trung Quốc muốn lôi kéo Nhật Bản và Hàn Quốc khỏi những sáng kiến mà Mỹ đưa ra.

“Thời Tổng thống Joe Biden, Mỹ đã đạt thành công lớn trong việc tập hợp Washington, Tokyo và Seoul lại với nhau”, ông Nagy nói, cho rằng Trung Quốc lo lắng về mối quan hệ hợp tác này và muốn ngăn cách giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ông Tobias Harris, Phó giám đốc chương trình châu Á thuộc Quỹ Marshall Đức ở Mỹ, nhận định Trung Quốc là một thị trường quá lớn để Nhật Bản và Hàn Quốc có thể bỏ qua. Bởi vậy, ông cho rằng việc cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và với Mỹ sẽ là một thách thức đối với Nhật Bản và Hàn Quốc trong thời gian tới.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate