Zero Covid (không Covid), chính sách chống dịch hà khắc của Trung Quốc, đang đặt hàng trăm triệu người ở hàng chục thành phố của nước này trong tình trạng hạn chế đi lại ở nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, phong toả nghiêm ngặt nhất được áp dụng ở Thượng Hải, gây ra những thiệt hại to lớn về mặt kinh tế không chỉ ở Trung Quốc mà còn lan rộng toàn cầu.
Ngày 11/5, giới chức Thượng Hải – thành phố đến nay đã bước sang tuần phong toả thứ 6 – nói rằng một nửa thành phố đã đạt tới trạng thái “không Covid” nhưng các hạn chế vẫn được duy trì.
Phương pháp chống dịch của Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với phần lớn thế giới, vì nhiều quốc gia khác đã chọn sống chung với virus Sars-CoV2.
Trong bình luận hiếm hoi về chính sách của một quốc gia cụ thể, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 10/5 nói rằng chính sách zero Covid của Trung Quốc là không bền vững và giờ là lúc nước này nên thay đổi cách chống dịch.
Đánh giá này của ông Tedros không được truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin và bị kiểm duyệt trên truyền thông xã hội của nước này. Phản ứng chính thức của Bắc Kinh được đưa ra tại một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
“Chúng tôi hy vọng là cá nhân liên quan có thể nhìn nhận khách quan và hợp lý về chính sách chống Covid của Trung Quốc và hiểu đúng về thực tế, thay vì đưa ra những bình luận vô trách nhiệm”, người phát ngôn Zhao Lijian của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói tại họp báo.
Tuần trước, lãnh đạo Trung Quốc đã cảnh báo những người ai phê bình chính sách zero Covid. Nhà chức trách nói rằng chính sách này “đặt sinh mạng lên trên hết”.
Để bảo vệ cách chống dịch của mình, Trung Quốc đã đề cập đến hàng triệu ca tử vong do Covid-19 ở các quốc gia khác. Theo thống kê chính thức của Trung Quốc, kể từ khi Covid xuất hiện đầu tiên ở Vũ Hán vào cuối năm 2019, nước này đến nay mới có hơn 5.000 ca tử vong vì căn bệnh này, ít hơn nhiều so với con số gần 1 triệu ca ở Mỹ.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trung Quốc và Mỹ kết luận rằng Trung Quốc có nguy cơ chứng kiến hơn 1,5 triệu ca tử vong do Covid-19 nếu từ bỏ chính sách chống dịch hiện nay mà không có các biện pháp phòng ngừa khác như đẩy mạnh tiêm vaccine và phổ biến thuốc đặc trị. Hiện tại, mới chỉ có khoảng một nửa số người trên 80 tuổi ở Trung Quốc tiêm vaccine ngừa Covid-19.
“Sự việc này cho thấy Bắc Kinh không khoan nhượng với bất kỳ ai thách thức chính sách zero Covid”, nhà nghiên cứu truyền thông Trung Quốc Fang Kecheng thuộc Đại học Trung Hoa Hồng Kông nhận định về việc truyền thông xã hội Trung Quốc kiểm duyệt phát biểu nói trên của người đứng đầu WHO.
Dữ liệu mới nhất cho thấy Thượng Hải, thành phố 25 triệu dân, ngày 10/5 không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới nào bên ngoài các khu vực bị phong toả nghiêm ngặt nhất - lần đầu tiên kể từ hôm 1/5. Một nửa trong số 16 quận của thành phố đã đạt tới trạng thái "không Covid" vì không ghi nhận ca nhiễm mới nào trong 3 ngày. Giới chức thành phố hy vọng sẽ xoá bỏ hoàn toàn số ca nhiễm mới và bắt đầu nới các hạn chế từ cuối tháng này.
Tại thủ đô Bắc Kinh, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh và một số lượng lớn người lao động phải làm việc ở nhà vì thành phố đang triển khai nhiều hạn chế để chống đợt bùng dịch với 56 ca nhiễm mới trong ngày 10/5.
Phong toả ở Thượng Hải đã thử thách khả năng của các nhà sản xuất trong việc duy trì hoạt động trong bối cảnh các biện pháp nghiêm ngặt được triển khai để chống Covid. Tuần này, nhà máy tại Thượng Hải của hãng xe điện Mỹ Tesla hoạt động ở mức thấp hơn nhiều so với công suất vì không có đủ linh kiện. Trong tháng 4, doanh số ô tô của Trung Quốc giảm 47,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ảnh hưởng không chỉ giới hạn ở biên giới Trung Quốc. Một số bệnh viện lớn nhất ở Mỹ cho biết đang ở trong tình trạng khan hiếm những sản phẩm cần thiết cho việc chụp CT, X quang… do hoạt động sản xuất các sản phẩm này ở Thượng Hải bị cắt giảm.