Trong mấy năm gần đây, thị trường tài chính ngân hàng đã có sự phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, kèm theo đó nguồn cung cấp nhân lực cho ngành tài chính ngân hàng đang là một thách thức lớn với các nhà đào tạo và các tổ chức tài chính, ngân hàng.
Mỗi năm có hàng nghìn sinh viên chuyên ngành tài chính ngân hàng, kế toán, kiểm toán tốt nghiệp các trường đại học trong nước và nhiều du học sinh ở nước ngoài trở về cũng không thể đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của thị trường.
Bùng nổ nhu cầu
Việt Nam hiện có 34 ngân hàng thương mại cổ phần, 5 ngân hàng thương mại quốc doanh, 5 ngân hàng liên doanh và 35 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Nhiều ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang chuẩn bị nhập cuộc, gần chục công ty tài chính đang chờ hoàn tất thủ tục pháp lý để triển khai các dịch vụ tín dụng tiêu dùng.
Sự phát triển đó đòi hỏi nguồn cung cấp nhân lực rất lớn, nhất là nguồn nhân lực có kinh nghiệm làm việc và đáp ứng được nhu cầu mới.
Trong một thời gian ngắn, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã có tốc độ phát triển nhân lực khá cao, từ 30 – 70%. Ngân hàng VIB trong năm 2006 đã tăng nhân sự từ 900 người lên gần 1.700 người, Habubank dự kiến tăng thêm từ 300-400 nhân viên trong năm 2007.
Bà Nguyễn Thị Quy, Phó hiệu trưởng, Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Ngoại thương Hà Nội, giải thích: “Chúng tôi đã nhìn thấy nhu cầu nhân lực thực sự nhưng cũng không thể nào đào tạo kịp”.
Chương trình đào tạo chậm đổi mới
Chất lượng đào tạo đang có một khoảng cách xa so với nhu cầu sử dụng. Mô hình ngân hàng thực hành mới chỉ được áp dụng ở một hai trường đại học. Thời gian thực tập của sinh viên ngắn và không có nhiều cơ hội được cọ xát với thực tế công việc.
“Tôi học ở Việt Nam một năm đầu đại học, sau đó sang Australia học ngành tài chính ngân hàng, ở đại học Melbourne, tôi cũng nhận thấy sự khác biệt lớn trong cách đào tạo của họ. Chúng tôi có nhiều đợt thực tập hơn, trong quá trình thực tập chúng tôi được làm việc và chịu trách nhiệm về công việc của mình” chị Kim Thu, nhân viên kiểm toán Ngân hàng Indovinabank cho biết.
Chị Thanh Nga, chuyên viên thẩm định tín dụng, Ngân hàng Vietcombank chia sẻ, các sinh viên tốt nghiệp ngành tài chính – ngân hàng của các trường đại học ở Việt Nam có ưu điểm là được trang bị kiến thức vĩ mô và tổng hợp.
Tuy nhiên, kiến thức thực tế của họ thì rất hạn chế, các tài liệu giảng dạy ở các trường đại học chậm đổi mới, trong khi nền kinh tế và các khái niệm về kinh tế thay đổi từng ngày, không được trang bị về các kỹ năng làm việc, không có điều kiện thực hành.
TS.Hoàng Văn Quỳnh, Học viện Tài chính nói: “Học viện Tài chính có định hướng đào tạo sinh viên những kiến thức cơ bản, các nguyên lý để vận dụng trong thực tế. Theo tôi, đó là một định hướng đào tạo hoàn toàn đúng đắn. Còn các nghiệp vụ cụ thể khác, sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm nên tự học trong môi trường làm việc của mình”.
Giải pháp tình thế của các nhà tuyển dụng
Ngoài việc tìm cách “lôi kéo” nhân viên của những ngân hàng khác, các nhà tuyển dụng còn mở rộng diện tuyển dụng với sinh viên tốt nghiệp các trường đại học dân lập hoặc các trường cao đẳng và tìm cách nâng cao năng lực làm việc của nhân viên thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn.
Theo chị Thu Phương, Giám đốc nhân sự Ngân hàng Habubank: “Việc đào tạo nâng cao năng lực cho nhân viên là thiết yếu, chúng tôi đã chọn Công ty Đào tạo Nghiệp vụ ngân hàng Việt Nam làm một đối tác chiến lược trong việc nâng cao năng lực nhân sự, 80% nhân viên của Habubank đã trải qua các khóa đào tạo tại đây. Họ đào tạo theo hướng kết hợp giữa chuẩn mực quốc tế với thực tiễn Việt Nam, tài liệu có tính cập nhật cao, chú trọng trang bị kỹ năng làm việc thực tế và mời các cán bộ làm việc trực tiếp tại các tổ chức tài chính ngân hàng lớn giảng dạy nên học viên có thể tiếp cận vấn đề một cách bài bản, có thể áp dụng luôn vào công việc hàng ngày”.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân từng có ý kiến về vấn đề này: việc đào tạo hiện nay của chúng ta chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu xã hội. Để giải quyết được vấn đề này cần có sự nỗ lực của cả ba phía. Trong đó, quan trọng nhất là những người tuyển dụng cần tham gia vào quá trình đào tạo, phải nói cho nhà trường biết cần kỹ năng gì ở người học.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate