November 20, 2022 | 09:20 GMT+7

Nhận thức về dạy nghề thay đổi tích cực

Đỗ Như -

Tại buổi gặp mặt với Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều 19/11, đại diện các nhà giáo tiêu biểu đã có ý kiến tâm huyết về giáo dục nghề nghiệp...

Thầy Nguyễn Quốc Huy bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, hỗ trợ, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên yên tâm với nghề - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thầy Nguyễn Quốc Huy bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, hỗ trợ, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên yên tâm với nghề - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thầy Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh, cho biết thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ quan tâm đết phát tiển giáo dục nghề nghiệp, đã phê duyệt Chiến lược Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh- Xã hội giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giúp các cơ sở có điều kiện phát triển tốt.

Từ đó, giáo dục nghề nghiệp có chuyển biến lớn, nhận thức về giáo dục nghề nghiệp có thay đổi tích cực. Học sinh sau khi tốt nghiệp THPT vào học nghề ngày càng tăng. Ngày 17/10, Việt Nam đã giành được 2 huy chương bạc tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới năm 2022. Tính tới thời điểm hiện tại, đây là thành tích tốt nhất của đoàn Việt Nam trong các lần tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới.

Giáo dục nghề nghiệp có đặc thù riêng, gắn chặt với doanh nghiệp, từ khâu xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, bố trí việc làm sau tốt nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp đa phần đều có việc làm ngay. Tại Bắc Ninh, thu nhập trung bình của sinh viên giáo dục nghề nghiệp sau tốt nghiệp trung bình khoảng 7 triệu đồng/tháng, có em kỹ năng nghề tốt có thể thu nhập 20 triệu đồng/tháng.

Thầy Nguyễn Quốc Huy bày tỏ mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, hỗ trợ, tạo điều kiện để đội ngũ giáo viên giáo dục nghề nghiệp yên tâm với nghề, tiếp tục sức mệnh đào tạo nghề, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Cùng quan điểm, thầy Lê Hoàng Ân, Trường Cao đẳng Y tế An Giang cho biết, thời gian qua, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có những thành công nhất định, nhất là ngành điều dưỡng.

Tuy nhiên, theo thầy Lê Hoàng Ân, ngành này còn có một số khó khăn, nhiều giáo viên chủ yếu làm trong nghề y, chưa qua đào tạo sư phạm nên các thầy cô đều phải học thêm, trau dồi thêm kỹ năng giảng dạy. Hơn 50% thời gian của các thầy cô là làm ở bệnh viện, phải hỗ trợ sinh viên, cầm tay chỉ việc cho sinh viên khám bệnh.

Trong đại dịch Covid-19, các sinh viên của trường tham gia tuyến đầu chống dịch, hỗ trợ tốt cho tuyến y tế cơ sở, làm giảm bớt gánh nặng cho các bác sĩ tuyến cuối.

Tại cuộc gặp mặt, thầy Lê Hoàng Ân bày tỏ mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm về chế độ phụ cấp, hỗ trợ thêm cho 2 ngành: Giáo dục và y tế, để các đồng nghiệp có đủ nghị lực bám nghề. Miễn giảm học phí cho sinh viên các ngành trọng điểm như điều dưỡng.

Thầy Nguyễn Bá Thành, Giám đốc Phân hiệu Thanh Hóa - Trường Cao đẳng Nghề số 4 (Bộ Quốc phòng) cho biết, trong những năm gần đây, nhà trường luôn lấy phương châm sự hài lòng của học viên, doanh nghiệp  là hàng đầu, luôn quan tâm tạo điều kiện xây dựng đội ngũ giáo viên, đầu tư trang bị hiện đại.

Những năm qua, nhà trường tham gia công tác nghiên cứu, vào năm 2020, đã thực hiện đề tài giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề việc làm cho đối tượng sau phổ thông...

Cô giáo Ma Thị Hồng: Chúng tôi luôn vận động, thuyết phục bà con rằng con đường thoát nghèo là có việc làm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Cô giáo Ma Thị Hồng: Chúng tôi luôn vận động, thuyết phục bà con rằng con đường thoát nghèo là có việc làm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Cô giáo Ma Thị Hồng, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang cho biết, Lâm Bình là huyện mới thành lập được 10 năm, có 97% dân số là đồng bào dan tộc thiểu số (60% dân tộc Tày, 30% dân tộc Dao), có hơn 70% là hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt khó khăn. Sinh kế của của bà con chủ yếu dựa vào nông nghiệp, dân trí chưa phát triển.

“Tôi và các đồng nghiệp nhiều trăn trở làm sao để giúp kinh tế xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Chúng tôi xác định đào tạo những ngành nghề theo nhu cầu người học, phù hợp với thị trường lao động, lợi thế dịa phương định hướng xuất khẩu lao động.

Căn cứ lợi thế của địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa phong phú, chúng tôi đã tập trung đào tạo nghề du lịch, tổ chức dạy thêm tiếng Nhật vào buổi tối cho người lao động để đi xuất khẩu lao động. Chúng tôi luôn vận động, thuyết phục bà con: Con đường thoát nghèo là có việc làm.

Trung tâm cũng mạnh dạn tham gia cuộc thi khởi nghiệp, hỗ trợ học sinh khởi nghiệp tại địa phương với ý tưởng thành lập hợp tác xã thổ cẩm Yên Bình, hỗ trợ thu mua thổ cẩm, ưu tiên những chị em phụ nữ thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, thiết kế sản phẩm phục vụ du lịch, tạo thương hiệu, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác”, cô giáo Hồng chia sẻ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate