Trước những dấu hiệu cho thấy cải cách “chạm trần”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cải cách giai đoạn tới phải xử lý hiệu quả mối quan hệ giữa cải cách kinh tế trong nước với hội nhập kinh tế quốc tế.
Đặc biệt, để không lỡ “chuyến tàu” cải cách, cách tiếp cận cải cách cần đảm bảo đủ tập trung và có lộ trình bài bản, gắn với sự “phân vai” của các bộ, ngành phù hợp.
CIEM vừa tổ chức tham vấn cấp cao về cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2021-2025. Nhìn lại giai đoạn cải cách vừa qua, ông nhận định như thế nào về những việc chúng ta đã làm được?
Việt Nam đã duy trì công cuộc cải cách kéo dài liên tục trong gần 10 năm trở lại đây. Xu hướng cải cách đặc biệt nổi bật hơn kể từ giai đoạn 2013-2014, khi Việt Nam thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế sau những năm hứng chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009) và lạm phát trong nước liên tục leo thang (năm 2011).
Theo đó, bên cạnh nỗ lực cải thiện hiệu quả phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, cải cách đã tập trung mạnh mẽ hơn về phía cung, nghĩa là gắn với sản xuất và tăng năng lực sản xuất của Việt Nam thông qua hàng loạt giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chính sách cạnh tranh, mở rộng không gian cho cả đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tư nhân trong nước…
Cần lưu ý, giai đoạn 2013-2015 cũng chứng kiến Việt Nam đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA). Việc chuẩn bị cho các hiệp định này cũng đòi hỏi phải đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước trong nhiều lĩnh vực như doanh nghiệp nhà nước, đầu tư, thương mại, phát triển bền vững và sở hữu trí tuệ…
Kể từ năm 2016, với việc kiên định và không ngừng “làm mới” các Nghị quyết 19 của Chính phủ (từ năm 2019 đổi thành Nghị quyết 02), việc cải cách môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh đã có đà và trở nên sâu sắc hơn. Một thành quả rõ nét là ngay cả trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay dịch bệnh Covid-19, nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm và dịch chuyển dòng vốn vào Việt Nam do tin tưởng vào triển vọng cải cách ở Việt Nam (ngoài các nguyên nhân khác).
Cho dù đâu đó vẫn có ý kiến lo ngại về khả năng “chạm trần” của một số lĩnh vực cải cách, nhưng một loạt nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ gần đây vẫn phản ánh quyết tâm thúc đẩy cải cách song hành với phòng chống dịch, phục hồi kinh tế. Một định hướng rõ nét là việc tạo thêm không gian và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Chúng ta đã thấy nhiều chuyển động chính sách về đổi mới sáng tạo, kinh tế số, mô hình kinh tế đêm hay gần đây nhất là câu chuyện về kinh tế tuần hoàn. Còn nhớ, thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kinh tế đêm vào cuối tháng 7/2020, cùng với thời điểm đợt dịch Covid thứ hai bắt đầu bùng phát. Điều này cho thấy quyết tâm tìm kiếm từng cơ hội để tạo thêm không gian và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay cả trong thời điểm khó khăn.
Khả năng “chạm trần” của những cải cách như ông vừa chia sẻ được hiểu như thế nào?
Hiểu theo nghĩa tương đối, “chạm trần” phản ánh tình trạng các nỗ lực cải cách không mang lại thêm nhiều kết quả và lợi ích cho nền kinh tế nếu không có đổi mới mạnh mẽ cả về tư duy và cách làm. Chẳng hạn, hiệu quả liên kết vùng sẽ khó có thêm đột phá nếu như chúng ta không thực hiện đổi mới thể chế liên kết vùng.
Tương tự, cải cách môi trường kinh doanh dường như đang thiếu đột phá trong một số lĩnh vực như điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành… Các khảo sát PCI trong 2017-2020 đều cho thấy khó khăn trong tiếp cận vốn với 35-41% doanh nghiệp tư nhân được khảo sát. Như vậy, có thể cần những cách tiếp cận quy định mở hơn để tăng cường tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Ở một chừng mực khác, trong bối cảnh thực thi các FTA thế hệ mới, thị trường nước ngoài cũng như trong nước ngày càng khó tính hơn, đặc biệt là về yêu cầu hướng tới phát triển bền vững, chúng ta sẽ trông chờ doanh nghiệp tự giác đổi mới chất lượng hàng hóa, dịch vụ, hoặc Nhà nước phải điều chỉnh hệ thống quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn… Tư duy thể chế về nội dung này sẽ cần tiếp tục nghiên cứu trong thời gian tới.
Vậy theo ông, trọng tâm cải cách giai đoạn tới sẽ là gì để có thể nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19, đồng thời hướng tới phát triển bền vững trong tương lai?
Cá nhân tôi cho rằng để cải cách có trọng tâm, thực chất hơn nữa, thì chúng ta phải thẳng thắn nhận diện những lĩnh vực cải cách đã hoặc sắp “chạm trần”. Bên cạnh đó là xử lý hiệu quả mối quan hệ giữa cải cách kinh tế trong nước với hội nhập kinh tế quốc tế.
Trước đây, hội nhập kinh tế quốc tế tạo động lực buộc Việt Nam chủ động đẩy nhanh cải cách thể chế trong nước trong nhiều lĩnh vực như bảo hộ sở hữu trí tuệ, cải cách doanh nghiệp nhà nước… Bây giờ, hội nhập kinh tế quốc tế vẫn là điểm sáng nhưng có gắn kết chặt chẽ với cải cách kinh tế trong nước, có phát huy vai trò định hướng cho cải cách thể chế kinh tế trong nước hay không cũng là điều nhiều chuyên gia trăn trở.
Hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay sâu hơn rất nhiều, bên cạnh các hiệp định thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, đã có thêm các hiệp định hợp tác mới, sâu hơn trên một số lĩnh vực (chẳng hạn như các hiệp định đối tác kinh tế số). Nếu chỉ chăm chăm thực hiện đúng và đủ cam kết của mình, Việt Nam có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội để tiếp cận những thông lệ quốc tế mới nhất.
Cuối cùng là cải cách để phát triển bền vững. Cần lưu ý, phát triển bền vững cũng mang lại cơ hội kinh tế, cơ hội tạo thêm giá trị gia tăng, chứ không chỉ là yêu cầu có tính đánh đổi đối với tăng trưởng kinh tế. Vấn đề là làm thế nào để chuyển đổi sang phát triển bền vững nhưng không đi kèm với chi phí tuân thủ quá cao cho doanh nghiệp.
Theo ông, đâu là những vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực hiện những trọng tâm nêu trên?
Để không lỡ “chuyến tàu” cải cách, cách tiếp cận cải cách cần đảm bảo đủ tập trung và có lộ trình bài bản gắn với sự “phân vai” của các bộ, ngành phù hợp. Đây là vấn đề rất khó cả về tư duy và thực hiện bởi nhiều lĩnh vực mới chưa có tiền lệ.
Kinh tế số hay kinh tế tuần hoàn là vấn đề rất mới nên việc minh định chức năng của các bộ, ngành sẽ không dễ. Một cách tiếp cận có thể là để các bộ, ngành tự chủ động mở sân chơi riêng, có thể thông qua thử nghiệm trước. Tuy nhiên, trên bình diện quốc gia, cần phải xem xét tính tổng thể quốc gia và lợi ích quốc gia để bảo đảm sự thử nghiệm (nếu có) được đồng bộ, định hướng rõ ràng, không manh mún. Đối với kinh tế số, tư duy mở không gian cho doanh nghiệp tận dụng các cơ hội kinh doanh mới có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, cần nghiên cứu cơ chế để cụ thể hóa tư duy theo hướng dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, để biến dữ liệu thành giá trị, thành tiền, thành nguồn lực hiệu quả để thúc đẩy tăng trưởng.
Bên cạnh đó, tác động của dịch bệnh Covid-19 và biến đổi khí hậu thời gian qua cho thấy phát triển bền vững là xu thế không thể né tránh. Thời gian còn lại để hoàn thành các mục tiêu SDG không phải quá nhiều, vì vậy cần phải bắt tay ngay vào việc thực hiện các hành động cụ thể. Cơ hội và dư địa cải cách thể chế kinh tế vẫn còn, vấn đề là phải thực hiện sớm, thực chất, có thể thông qua cân nhắc các cơ chế thử nghiệm. Chẳng hạn, đối với kinh tế tuần hoàn, cần cân nhắc xây dựng cơ chế thử nghiệm thông qua các dự án cụ thể để tạo cơ hội đẩy nhanh hướng tới tăng trưởng xanh, từ đó minh chứng và tạo động lực lan tỏa tới các doanh nghiệp khác. Học hỏi và thử nghiệm, mạnh dạn gắn với quá trình hội nhập cũng là một hướng đi phù hợp.