Việc ban hành một loạt chính sách trong tháng 5/2025, từ Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 198 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 139 của Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai một số cơ chế chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, đã cho thấy Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân - động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.
Tại buổi tọa đàm "Gỡ điểm nghẽn thể chế - Khơi thông nguồn lực tư nhân" do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào sáng 27/05, các diễn giả tham dự đều có chung quan điểm cải cách thể chế là giải pháp nhanh nhất để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, các đại biểu cũng khẳng định để làm được điều này cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp.
NHIỀU ĐIỂM NGHẼN CẦN THÁO GỠ
Chia sẻ kinh nghiệm từ quốc tế, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, khẳng định mọi nền kinh tế trên thế giới duy trì được tăng trưởng bền vững đều có điểm chung, đó là: Khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò trung tâm.
Tuy nhiên, theo ông Thành, kinh tế tư nhân đòi hỏi một nền kinh tế thị trường hoạt động hữu hiệu, ở đó môi trường kinh doanh mang tính cạnh tranh cao. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo để xây dựng các thể chế hỗ trợ như giải quyết các điểm nghẽn của thị trường. Vì vậy, muốn tăng trưởng nhanh phải “cởi trói” cho nền kinh tế.

"Từ nghị quyết đến hành động là hành trình cần sự vào cuộc quyết liệt của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Khi được tiếp sức bằng chính sách đúng đắn, kinh tế tư nhân sẽ bứt phá, trở thành trụ cột vững chắc của nền kinh tế.
Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân là "một cú sốc" đối với giới công nghệ khi nêu trúng nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp phải, bao gồm nguồn vốn đến việc cắt giảm các chi phí không cần thiết”.
Đồng tình, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập Tập đoàn công nghệ tài chính MoMo, cũng nhận định cải cách thể chế là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất và “rẻ” nhất để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Diệp cho rằng Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân là "một cú sốc" đối với giới công nghệ khi nêu trúng nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp phải, bao gồm nguồn vốn đến việc cắt giảm các chi phí không cần thiết.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), ông Đinh Hồng Kỳ, nhấn mạnh rằng thể chế cần bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của doanh nghiệp tư nhân; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm”. Đặc biệt, đối với môi trường pháp lý, cần phân định rõ ràng giữa trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Nam Long, chia sẻ: “Mong mỏi của các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản được phát triển hoạt động kinh doanh trong môi trường minh bạch, cạnh tranh công bằng và mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn lực đất đai, bởi quỹ đất đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các nhà phát triển bất động sản, khu đô thị, nhà ở, thể chế hoá đối với việc phát triển quỹ đất.
Đại diện Nam Long thừa nhận suốt 3-4 năm qua, việc tạm dừng nhiều dự án bất động sản khiến dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài chưa thể đổ vào Việt Nam như kỳ vọng. Trong khi đó, nhiều đối tác quốc tế vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam và sẵn sàng đầu tư dài hạn.
"Chúng tôi rất mong chính sách sẽ sớm được cụ thể hóa. Khi các nguồn lực được khơi thông, việc tham gia vào các dự án lớn như phát triển đô thị gắn với giao thông (TOD) sẽ trở nên khả thi hơn. Nam Long và các đối tác đã sẵn sàng tham gia nếu cơ chế thực thi minh bạch và kịp thời", bà Nguyễn Thanh Hương nhấn mạnh.
NHANH CHÓNG THỰC THI CHÍNH SÁCH ĐỂ KINH TẾ TƯ NHÂN PHÁT TRIỂN
Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu T&T Vina Group, ông Nguyễn Đình Tùng, nêu thực trạng mà doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp đang gặp phải là "quản không được thì cấm" khiến nhiều sáng kiến và nhu cầu đầu tư bị bó hẹp. “Nghị quyết đã có, tinh thần cũng rất tiến bộ, nhưng nếu không đi sâu vào đời sống thì doanh nghiệp và người dân sẽ không "hấp thụ" được. Tôi mong cơ chế sẽ sớm được cụ thể hóa ở cấp thực thi”
Đồng tình, ông Nguyễn Xuân Thành, cho rằng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu cấp thiết phải tái thúc đẩy tăng trưởng. Việc ban hành các chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân đã có, vấn đề quan trọng là việc thực thi, các đột phá thể chế cụ thể ở cấp cơ sở.
Trong thực thi, ông Thành nêu thách thức là quyền của cơ quan hành pháp, ban hành quy định; cụ thể là ban hành xong không dám thực thi. “Làm sao để các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan có chức năng điều tiết thị trường có dòng ngân sách đặc biệt để họ có đủ nguồn lực, tự chủ tài chính, cơ chế nhân sự thông thoáng xây dựng người tài? Đồng thời, chính sách cần trao quyền cho cán bộ thực thi để tránh vòng luẩn quẩn”, ông Thành nêu vấn đề.

"Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận vốn vì không có tài sản đảm bảo và tài chính không minh bạch. Để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, có thể có hệ thống xếp hạng tín dụng uy tín quốc gia, bản thân các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần đảm bảo minh bạch tài chính, hình thành quyền đảm bảo tài sản. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần thay đổi hình thức tiếp cận khách hàng tốt hơn, thay đổi khẩu vị rủi ro để phù hợp với thực tiễn”.
Về đất đai, ông Thành đề xuất tái khai thác các quỹ đất công chưa sử dụng, hỗ trợ doanh nghiệp thuê đất tại các khu công nghiệp và vườn ươm công nghệ, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ, công nghệ cao, startup sáng tạo.
Về vốn đầu tư, cần đa dạng hóa kênh tín dụng, khơi thông thị trường trái phiếu doanh nghiệp, và sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng đơn giản hóa thủ tục, mở rộng đối tượng hỗ trợ, tránh lặp lại cơ chế xin cho, và tuyệt đối không nên tạo thêm bộ máy giám sát rườm rà.
Đứng về góc độ ngân hàng, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, cho rằng trước tiên cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay phục vụ hệ sinh thái nội bộ để vừa đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính, vừa giải phóng “các dòng vốn thật” cho kinh tế tư nhân. Cần đa dạng hóa các kênh tín dụng từ cả ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng. Đồng thời, tạo cơ chế, chính sách khơi thông lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ và đơn giản hóa tối đa điều kiện, quy trình, thủ tục doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi của Nhà nước.
“Thực tế, các ngân hàng rất mong mỏi các doanh nghiệp tiếp cận vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tuy nhiên hiện nay việc tiếp cận nguồn vốn vay vẫn còn “rào cản”, đòi hỏi phải có cơ chế chính sách cởi mở hơn", ông Phát nói thêm.