Thông tin về tình hình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài tính riêng trong quý 4/2022 là 39.743 lao động (11.536 lao động nữ).
Bao gồm các thị trường Nhật Bản 15.436 lao động (6.320 lao động nữ), Đài Loan 14.014 lao động (4.360 lao động nữ), Hàn Quốc 8.300 lao động (411 lao động nữ), Singapore 324 lao động nam, Trung Quốc 267 lao động nam, Hungary 253 lao động (70 lao động nữ), Rumania 179 lao động (53 lao động nữ), Liên bang Nga 149 lao động nam, Ba Lan 179 lao động (29 lao động nữ) và các thị trường khác.
Tính chung năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.779 lao động (48.835 lao động nữ), đạt 158,64% kế hoạch năm 2022, (năm 2022, dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động), và bằng 316,87% so với cùng kỳ năm ngoái (năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 45,058 lao động).
Trong đó, dẫn đầu là thị trường Nhật Bản với 67.295 lao động (29.741 lao động nữ). Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Nhật Bản cũng là một trong những thị trường lao động trọng điểm mà Việt Nam đang đưa người lao động đến làm việc.
Những năm gần đây, số lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Đây cũng là một trong những thị trường có điều kiện làm việc và thu nhập tốt nhất, được người lao động Việt Nam ưa thích.
Hiện nay, Việt Nam phái cử lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo các hình thức như: Chương trình thực tập sinh kỹ năng; chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang Nhật Bản làm việc trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (EPA); chương trình lao động kỹ năng đặc định; chương trình lao động kỹ thuật, phiên dịch viên; lao động xây dựng, đóng tàu.
Bên cạnh Nhật Bản, các thị trường truyền thống vẫn có số lao động Việt Nam sang làm việc ở mức cao là Đài Loan và Hàn Quốc, lần lượt là 58.598 lao động (17.689 lao động nữ), 9.968 lao động (454 lao động nữ).
Các thị trường khác như Singapore 1.822 lao động (2 lao động nữ), Trung Quốc 910 lao động nam, Rumania 721 lao động (155 lao động nữ), Hungary 775 lao động (325 lao động nữ), Liên bang Nga 467 lao động (20 lao động nữ), Ba Lan 494 lao động (86 lao động nữ) và các thị trường khác.
Tính đến hết năm 2022, số doanh nghiệp được cấp phép hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là 456 doanh nghiệp, trong đó, doanh nghiệp nhà nước là 15, còn lại là công ty cổ phần và trách nhiệm hữu hạn.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong thời gian tới, cơ quan này tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động theo thỏa thuận đã ký với các nước tiếp nhận lao động; các biện pháp ổn định và phát triển thị trường truyền thống; đàm phán với phía Hàn Quốc để ký kết biên bản ghi nhớ phái cử và tiếp nhận người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS).
Đồng thời, thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Algeria, Kuwait. Trong năm 2023, dự kiến sẽ đưa khoảng 110.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.