Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) nhận định sự gia tăng mạnh mẽ du khách quốc tế được cho là nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó có việc đồng Yên giảm, mùa nghỉ lễ của Trung Quốc và số lượng chuyến bay, tàu biển đến từ các nước Đông Á tăng lên. Dữ liệu cho thấy, tổng lượt khách du lịch đến Nhật Bản sau 5 tháng đầu năm là 14,64 triệu lượt, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch bùng phát.
Ngoài việc mang lại những lợi ích kinh tế to lớn cho Nhật Bản, ngành du lịch cũng đang gây ra nhiều phiền toái cho nước này, trong đó nổi cộm là vấn đề quá tải khách du lịch nước ngoài. Đây là điều được nhấn mạnh trong sách trắng du lịch Nhật Bản 2024 vừa được Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 18/6.
Theo đó, mức chi tiêu của khách du lịch nước ngoài mang lại lợi nhuận lớn cho các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú, vận tải… Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến một thực trạng là du khách nước ngoài tập trung quá đông tại những thành phố lớn như Tokyo, Osaka, Nagoya… đã gây ra sự quá tải và một số vấn đề như: ùn tắc giao thông, rác thải, tự ý xâm nhập khu vực tư nhân để chụp ảnh. Những vấn đề này ảnh hướng xấu tới sinh hoạt của người dân.
Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, Tổng cục du lịch Nhật Bản đã chọn 20 khu vực có đông du khách để thí điểm mô hình xử lý tình trạng quá tải du lịch. Sách trắng nhấn mạnh, tới đây Chính phủ Nhật Bản một mặt tiếp tục hỗ trợ các địa phương khắc phục tình trạng trên.
Mới nhất, chính quyền quận Shibuya – một quận trung tâm của Tokyo đã công bố điều lệ sửa đổi về việc cấm uống rượu ban đêm tại các tuyến phố, công viên trên địa bàn quận, trong đó việc du khách nước ngoài và thanh niên tụ tập uống rượu ban đêm bị cấm quanh năm thay vì chỉ cấm vào dịp lễ Halloween và lễ năm mới như trước đây.
Lượng du khách đông đảo đang khiến các địa điểm nổi tiếng, chẳng hạn như cố đô Kyoto hay các khu vực xung quanh núi Phú Sĩ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc quản lý. Trong năm ngoái, thành phố Kyoto có khoảng 1,5 triệu dân này đã đón lượng du khách gấp 20 lần dân số, tổng cộng 32 triệu lượt khách. Tình hình tương tự diễn ra tại núi Phú Sĩ. Kể từ khi mở cửa trở lại vào năm 2023, sau bốn năm đóng cửa vì đại dịch, núi Phí Sĩ đã đón một lượng lớn khách du lịch tới tham quan, kéo theo tình trạng ô nhiễm, rác thải bừa bãi và lượng khí thải CO2 gia tăng.
Vào tháng 4, tình trạng khiếu nại của cư dân Fujikawaguchiko đã lên đến đỉnh điểm dẫn đến việc chính quyền phải dựng rào chắn để ngăn du khách tụ tập. Sau đó, đến lượt người dân thành phố Fuji phàn về tình trạng hỗn loạn đang diễn ra xung quanh cây cầu Giấc Mơ Phú Sĩ hàng chục năm tuổi. Miyu Toyama, một viên chức của Sở Du lịch thành phố, nói với SCMP: "Rắc rối này bắt đầu khi một du khách nước ngoài có sức ảnh hưởng đăng tải bức ảnh lên Instagram. Giờ đây hầu hết tất cả những người đến thăm cây cầu này đều là người nước ngoài, không phải người Nhật".
Trong rất nhiều nỗ lực, việc ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) được cho là hoạt động mới nhất, theo SCMP. Theo đó, các cơ quan quản lý du lịch sẽ sớm bắt đầu sử dụng AI để chuyển hướng, dẫn dắt người dùng trên các trang mạng xã hội như Instagram, Weibo và TikTok đến những địa điểm ngẫu nhiên trên khắp đất nước.
Mạng xã hội hiện đang là cách phổ biến để tham khảo một lịch trình du lịch. TikTok, Facebook và Instagram trở thành nơi công cụ tìm kiếm yêu thích của giới trẻ vì tính chân thật, dễ tiếp cận. “Trong nghiên cứu của chúng tôi, gần 40% người dùng Gen Z khi tìm kiếm một địa điểm nào đó đã chọn cách truy cập TikTok hoặc Instagram”, ông Prabhakar Raghavan, Phó chủ tịch cấp cao của Google chia sẻ trong một hội nghị công nghệ.
Do đó, Nhật Bản quyết định dùng AI để phân phối thông tin trên các trang mạng xã hội mỗi khi du khách truy cập tại nước này, nhằm phổ biến các điểm đến ít người biết đến và phân tán du khách, giảm áp lực cho các điểm du lịch nổi tiếng.
Còn tại Kyoto, các biển báo ở ga tàu đều yêu cầu du khách “cần chú ý đến cách cư xử của mình”. Để giảm bớt áp lực lên người dân địa phương, chính quyền thành phố cũng đã cho triển khai các chuyến xe buýt đặc biệt dành cho khách du lịch nước ngoài. Các thuật toán AI cũng giúp mở rộng và điều phối các tuyến xe buýt, taxi và khuyến khích du khách sử dụng vé tàu điện ngầm kết hợp để giảm tắc nghẽn giao thông và cải thiện trải nghiệm du lịch.
Cũng dùng AI, Nhật Bản sẽ tích hợp dữ liệu và công nghệ trên hệ thống camera đường phố nhằm cấm du khách chụp ảnh và tiếp cận các con phố tư nhân ở Gion để bảo vệ geisha khỏi bị làm phiền. Những người vi phạm có thể đối mặt với án phạt hành chính khoảng 70 đô la Mỹ.
Việc cân bằng giữa thỏa mãn nhu cầu của du khách và bảo đảm sự ổn định cho cuộc sống của người dân là điều rất quan trọng trong bối cảnh Nhật Bản dự kiến sẽ đón 60 triệu khách du lịch vào cuối năm 2030. Ông Haruhito Yoshizaki, một quan chức ngành du lịch tại thành phố Fuji chia sẻ, người dân địa phương vẫn sẽ “luôn chào đón du khách, miễn là họ tuân thủ các quy tắc cơ bản”.
Hồi tháng 4, Nhật Bản đã chính thức cấp phép cho quy chế lưu trú mới đối với những người nước ngoài đăng ký loại hình “du mục kỹ thuật số”, như một trong những biện pháp thúc đẩy bền vững du lịch trong nước. Việc lưu trú dài hạn của người có thu nhập cao được kỳ vọng sẽ hỗ trợ sự thay đổi tư duy làm du lịch trong nước “từ số lượng sang chất lượng”, chú trọng hơn đến mức chi tiêu của mỗi người hơn là số lượng du khách đến Nhật Bản hằng năm, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương ngoài các trung tâm đô thị lớn.
Theo dữ liệu từ công ty công nghệ thanh toán quốc tế Visa công bố hôm 19/6, khách du lịch từ Việt Nam đứng thứ 5 về tổng chi tiêu tại Nhật Bản so du khách từ nhiều quốc gia khác. Tính riêng trong mùa hoa anh đào năm nay, mức chi tiêu trên mỗi thẻ của du khách Việt Nam nói chung đã tăng 22%, đặc biệt tại các khu bách hóa, hiệu thuốc và cửa hàng trang sức cao cấp.