Theo tờ Wall Street Journal, Nhật Bản và Hà Lan đã đồng ý ký vào thỏa thuận ba bên với Mỹ trong hạn chế xuất khẩu các thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Nhật Bản chưa đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào liên quan đến thỏa thuận này. Những căng thẳng địa chính trị và cuộc chiến thương mại Mỹ–Trung gần đây đã gây áp lực lên các công ty Nhật Bản trong việc vạch ra chiến lược để tiếp tục phát triển ở cả hai thị trường.
Trong một cuộc họp báo gần đây, Bộ trưởng thương mại Nhật Bản, Yasutoshi Nishimura cho biết, họ sẽ hạn chế xuất khẩu sáu loại thiết bị sử dụng trong sản xuất chip bán dẫn. Trong tuyên bố của mình, ông Nishimura không đề cập đến Trung Quốc mà cho biết những hạn chế này là một phần trách nhiệm của Nhật Bản với tư cách là quốc gia công nghệ muốn đóng góp vào hòa bình và ổn định quốc tế.
BỘ TRƯỞNG THƯƠNG MẠI NHẬT BẢN: CHÚNG TÔI KHÔNG NGHĨ ĐẾN QUỐC GIA CỤ THỂ NÀO KHI ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH NÀY
Theo Financial Times, các quan chức Nhật Bản cho biết phạm vi hạn chế xuất khẩu của họ rộng hơn so với những hạn chế mà Mỹ áp đặt từ năm ngoái. Theo đó, các doanh nghiệp Nhật Bản trước khi xuất khẩu thiết bị cho bất kỳ khu vực nào cũng cần giấy phép nhằm hạn chế` trường hợp sử dụng chip trong phục vụ sản xuất vũ khí chiến tranh.
“Bằng cách mở rộng khu vực được áp dụng biện pháp này, chúng tôi muốn giải quyết nhiều rủi ro hơn liên quan đến công nghệ bán dẫn tiên tiến”, một trong các quan chức Nhật Bản cho biết. “Trung Quốc không phải là rủi ro duy nhất ngoài kia”.
Applied Materials của Mỹ, ASML của Hà Lan và Tokyo Electron của Nhật Bản là ba công ty đang thống trị thị trường toàn cầu về các thiết bị sản xuất chip được sử dụng trong siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo.
Khi các hạn chế của Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7, không chỉ hai công ty hàng đầu Nhật Bản về thiết bị sản xuất chip là Tokyo Electron và Nikon bị ảnh hưởng, mà sẽ có khoảng 10 công ty cũng hứng chịu tác động từ các biện pháp kiểm soát này.
MỸ THÀNH CÔNG ĐƯA NHẬT BẢN VÀ HÀ LAN “LÊN TÀU” TRONG NỖ LỰC HẠN CHẾ KHẢ NĂNG SẢN XUẤT CHIP CỦA TRUNG QUỐC
Trước khi ký kết thỏa thuận vào tháng 1 với Hà Lan và Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng đã áp đặt một loạt các hạn chế hà khắc đối với việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc với các công ty trong nước. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng kế hoạch này sẽ chỉ có tác động thực sự nếu Hà Lan và Nhật Bản, hai quốc gia hàng đầu trong sản xuất thiết bị và chip tiên tiến có động thái tương tự. Và nhà sản xuất Hà Lan, ASML gần như độc quyền sản xuất thiết bị cần thiết cho quy trình in khắc cực tím (EUV) được sử dụng để tạo ra những con chip tiên tiến nhất, cũng đã ngừng vận chuyển máy EUV sang Trung Quốc.
Rahm Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, hoan nghênh những gì hai nước đã làm để củng cố liên minh Hoa Kỳ-Nhật Bản: “Tôi rất vui vì thỏa thuận mới này . . . Đó là một chiến thắng nữa cho an ninh kinh tế và chuỗi cung ứng an toàn”, Rahm viết trên Twitter.
Trước đó, khi các hạn chế xuất khẩu của Hoa Kỳ bắt đầu thắt chặt, các công ty chip của Trung Quốc đã nhanh chóng tích cực nhập vào thiết bị của các công ty như Tokyo Electron và Nikon (Nhật Bản) để phục vụ sản xuất chip tinh vi.
Bàn về thỏa thuận mới của Nhật Bản với Mỹ, Lucy Chen, phó chủ tịch của công ty Isaiah Research có trụ sở tại Đài Bắc cho biết: “Trung Quốc sẽ thực sự gặp khó khăn trong quy trình sản xuất chip tiên tiến trong thời gian sắp tới”.
Tuy nhiên, theo giám đốc tại một nhà máy của Trung Quốc, các công ty bán dẫn Trung Quốc đã dự trữ một lượng lớn nguyên liệu chính để đề phòng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản. Ngoài ra, một nhà phân phối thiết bị Nhật Bản giấu tên cũng cho biết, họ đã gấp rút giao đơn cho các khách hàng Trung Quốc vì họ dự đoán lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ nửa cuối năm nay.