May 23, 2024 | 09:20 GMT+7

Nhật Bản không vui dù trên đà vượt kỷ lục đón khách quốc tế

Tường Bách -

Tháng 4 vừa qua, Nhật Bản trải qua một tháng du lịch sôi động khi tiếp tục đón hơn 3 triệu du khách, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp đạt được mức kỷ lục này...

Ảnh: Nikkei Asia
Ảnh: Nikkei Asia

Theo dữ liệu từ Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO), số lượng du khách nước ngoài đến với xứ sở hoa anh đào đã đạt 3,04 triệu người vào tháng 4. Mặc dù thấp hơn một chút so với con số 3,08 triệu du khách của tháng 3, song điều này cho thấy Nhật Bản vẫn là điểm đến du lịch hàng đầu, tạo tiền đề cho khả năng phá vỡ kỷ lục hàng năm của ngành du lịch nước này.

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách đến Nhật Bản trong tháng 4 tăng trưởng ấn tượng 56% và cao hơn 4% so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch làm cho ngành du lịch toàn cầu bị trì trệ. Du khách tới Nhật Bản trong tháng 4 chủ yếu đến từ các quốc gia như Pháp, Italy và khu vực Trung Đông. Một trong những yếu tố góp phần tạo nên sức hấp dẫn của Nhật Bản đối với du khách quốc tế là việc đồng Yên Nhật mất giá, tỷ giá hối đoái thuận lợi, khiến chi phí du lịch Nhật Bản ở mức phải chăng hơn.

Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của du lịch đã đi kèm với một số bất cập. Cộng đồng tại địa phương đã nhiều lần phàn nàn về việc du khách xả rác và đỗ xe trái phép ở khu vực gần núi Phú Sĩ, yêu cầu chính quyền phải vào cuộc. Ngoài ra, các báo cáo về ô nhiễm và tai nạn gia tăng đã dẫn đến việc thực hiện một số quy định mới, trong đó các hạn chế về tuyến đường và việc áp dụng thu phí 2.000 Yên (12,79 USD) đối với những người leo núi Phú Sĩ, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.

Đồng Yên Nhật mất giá, chi phí du lịch ở mức phải chăng hơn khiến du khách đổ xô đến Nhật Bản.
Đồng Yên Nhật mất giá, chi phí du lịch ở mức phải chăng hơn khiến du khách đổ xô đến Nhật Bản.

Tuần trước, Fujikawaguchiko, thị trấn bên hồ Kawaguchi - một cảnh đẹp trường tồn với thời gian dưới chân núi Phú Sĩ – cũng đã gây chú ý khi dựng tấm chắn lớn màu đen để che tầm nhìn ra đỉnh núi, nhằm ngăn khách du lịch trèo lên mái nhà để chụp ảnh. Biện pháp này "hơi cực đoan" với một quốc gia luôn nổi tiếng ôn hòa, tuy nhiên người dân địa phương cho biết sự kiên nhẫn của họ đang cạn dần.

Theo CNN, một điểm nóng du lịch khác là cố đô Kyoto cũng đưa ra những biện pháp quyết liệt để hạn chế tình trạng quá tải, ví dụ đóng cửa một phần khu Gion - quận geisha lịch sử - khi ngày càng nhiều báo cáo về việc khách du lịch quấy rầy geisha như giật áo, chen chúc chụp ảnh. Quá tải xe buýt địa phương ở Kyoto cũng là vấn đề khác. Trong tháng 3, quan chức thành phố công bố kế hoạch đưa xe buýt đặc biệt đến các điểm tham quan nhằm giảm áp lực lên đường phố địa phương.

Sara Aiko, Giám đốc Curated Kyoto, công ty quản lý du lịch sang trọng có trụ sở tại Kyoto, cho biết du lịch bắt đầu phá vỡ nếp sinh hoạt hàng ngày của người dân, du khách đông nghịt kể cả ở những nơi thanh bình như đền chùa. "Khi việc bắt xe buýt đi siêu thị cũng khó khăn vì đám đông, người địa phương sẽ có thái độ căng thẳng", bà Aiko nói. “Trong khi du khách hoàn toàn có thể tìm thấy nhiều trải nghiệm tuyệt vời khác ở Kyoto, thay vì trở thành một phần của đám đông”.

Niseko, khu trượt tuyết nổi tiếng ở Hokkaido, cũng đối mặt với lượng khách đông nghịt và phải tăng phí lưu trú lên tới 2.000 Yên (khoảng 330.000 đồng) mỗi đêm từ tháng 11 - mùa trượt tuyết - với hy vọng có thể giảm lượng khách. Ở phía nam tỉnh Hiroshima, thành phố Hatsukaichi bắt đầu thu phí 100 Yên (khoảng 16.000 đồng) để bảo vệ ngôi đền Itsukushima, một địa điểm được UNESCO công nhận, nổi tiếng nhờ cổng Torii chìm trong biển nước khi thủy triều lên.

Du khách đông nghịt kể cả ở những nơi thanh bình như đền chùa.
Du khách đông nghịt kể cả ở những nơi thanh bình như đền chùa.

Ở cấp nhà nước, chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực kéo du khách khỏi "tam giác vàng" quen thuộc gồm Tokyo, Kyoto và Osaka. Họ quảng bá 11 điểm đến kiểu mẫu, hấp dẫn và vắng hơn để khách ghé thăm như khám phá văn hóa samurai tại Hokuriku; trải nghiệm thiên nhiên tại Nasu, Tochigi; khám phá dãy Alps Nhật Bản; núi lửa Kagoshima hay các công viên quốc gia phía đông Hokkaido.

Charles Spreckley, người sáng lập People Make Places, công ty thiết kế du lịch có trụ sở tại Nhật Bản, khuyên du khách nên bỏ qua Google và những trang thông tin du lịch khác. Điều tuyệt vời của Nhật Bản là sự an toàn, du khách hãy chọn một điểm đến và tự đi bộ khám phá theo cách riêng.

Ngoài ra, khi khách du lịch đổ xô đến Nhật Bản ngày càng đông thì quốc gia này phải đối mặt với vấn đề ý thức của du khách. Để hạn chế tình trạng này, tổ chức phi lợi nhuận Touristship đã tạo ra những sự kiện giúp du khách cư xử đúng mực hơn thông qua các trò đố vui. Theo đó, Travel Quiz Meet là một sự kiện nhằm biến việc truyền đạt quy tắc ứng xử cho khách du lịch thành một trải nghiệm hấp dẫn và thú vị.

Sáng kiến ​​này được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2023 tại các trung tâm du lịch chính của Kyoto. Kể từ đó, sự kiện đã mở rộng sang các địa điểm trên khắp đất nước, bao gồm Hokkaido, Okinawa, Tokyo, Hiroshima, Nara và Shiga. Các trạm đố vui sẽ được đặt tạm thời ở các địa điểm du lịch nổi tiếng. Tại đây, khách du lịch có thể tham gia giải các câu đố để tìm hiểu về lịch sử, phong tục địa phương một cách có trách nhiệm với nơi mà mình khám phá.

Travel Quiz Meet có hiệu quả trong việc thay đổi hành vi và tăng cường sự tôn trọng của du khách quốc tế với phong tục địa phương.
Travel Quiz Meet có hiệu quả trong việc thay đổi hành vi và tăng cường sự tôn trọng của du khách quốc tế với phong tục địa phương.

Theo Japan Times, ban đầu, sự kiện gặp khó khăn trong việc thu hút khách du lịch với trung bình chỉ khoảng 20 người tham gia mỗi ngày ở Kyoto. Tuy nhiên, nhờ các hoạt động giúp gia tăng độ tương tác và sức hấp dẫn, số lượng người tham gia đã tăng lên đáng kể. Vào cuối tháng 4/2024, Travel Quiz Meet đã kỷ niệm cột mốc quan trọng với hơn 10.000 người tham gia. Họ cũng đặt mục tiêu tăng gấp ba con số đó trong năm nay.

Sự kiện này không chỉ hướng dẫn khách du lịch về phong tục tập quán địa phương mà còn giúp hỗ trợ các nghiên cứu. Những nhà tổ chức có thể thu thập dữ liệu về sự hiểu biết của khách du lịch đối với các quy tắc địa phương, từ đó giúp tinh chỉnh nội dung phù hợp theo xu hướng trong tương lai. Cách tiếp cận này đã được chứng minh là hiệu quả trong việc thay đổi hành vi và tăng cường sự tôn trọng của cả du khách trong nước và quốc tế với phong tục địa phương.

Trung bình mỗi năm du lịch góp khoảng 6 - 7% vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Nhật Bản. Nước này cũng đang hy vọng mỗi năm du lịch đóng góp khoảng 35 tỷ USD. Chính vì vậy, Nhật Bản hiện rất quan tâm tới việc phát triển hạ tầng giao thông tốt nhất, kết nối các điểm du lịch bằng hệ thống đường cao tốc; xây dựng hành lang du lịch mới, cho phép du khách có thể đi đến mọi miền đất nước của Nhật Bản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào phát triển du lịch…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate