September 13, 2022 | 09:40 GMT+7

Nhật Bản sẽ tiếp tục nới lỏng du lịch khi đồng Yên suy yếu?

Tường Bách -

Mạng truyền hình Fuji News Network (FNN) đưa tin chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch bỏ các yêu cầu khi xin thị thực du lịch như một phần của việc nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới…

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters

Theo FNN, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có thể quyết định sớm nhất là trong tuần này về việc nới lỏng nói trên. Động thái này cũng sẽ cho phép du khách đến thăm Nhật Bản mà không cần đặt chỗ của công ty lữ hành.

Trong khi đó, Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Seiji Kihara cho biết chính phủ sẽ cân nhắc các biện pháp "trong tương lai không xa" nhằm thu hút nhiều hơn các du khách nước ngoài, chẳng hạn như bằng cách loại bỏ giới hạn về số người được nhập cảnh mỗi ngày.

"Đồng yên yếu sẽ là động lực hiệu quả nhất để thúc đẩy du lịch trong nước," ông Kihara khẳng định, và cho biết thêm Nhật Bản cần có thêm nhiều động thái để thu hút khách du lịch nước ngoài đến nước này. Nhật Bản đã nới lỏng kiểm soát biên giới từ ngày 7/9 bằng cách nâng mức trần đối với số lượng người nước ngoài được nhập cảnh hàng ngày vào đất nước Mặt Trời mọc lên 50.000 người.

Các nhà phân tích cho rằng việc loại bỏ mức trần và cho phép nhiều khách du lịch nhập cảnh hơn sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút dòng tiền nước ngoài vào Nhật Bản và vực dậy nền kinh tế vốn đang yếu kém của nước này. Các yêu cầu đối với du khách và cư dân về xét nghiệm Covid-19 trước khi khởi hành cũng được bãi bỏ như một phần của kế hoạch phục hồi ngành công nghiệp không khói.

Nhật Bản cần có thêm nhiều động thái để thu hút khách du lịch nước ngoài đến nước này.
Nhật Bản cần có thêm nhiều động thái để thu hút khách du lịch nước ngoài đến nước này.

Theo Giám đốc điều hành Koji Masumura của Japan Airlines, lượng đặt chỗ đã tăng lên kể từ khi chính sách nới lỏng được ban hành vào tháng trước, đặc biệt đối với các du khách đến từ Singapore. Khoảng 68% người Singapore từ 16 đến 24 tuổi cho biết họ đang cân nhắc đến Nhật Bản cho “kỳ nghỉ tiếp theo”, so với 37% những người trong độ tuổi từ 55.

Dù Nhật Bản đã nâng giới hạn nhập cảnh lên 50.000 người/ngày, đồng thời bãi bỏ các yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt, du khách đến đây vẫn phải đăng ký với các công ty du lịch được Nhật Bản cấp phép trước khi nộp đơn xin thị thực tại các đại sứ quán và lãnh sự quán. Các phòng thương mại nước ngoài cho biết việc không đủ điều kiện miễn thị thực cho các doanh nhân và khách du lịch có nguy cơ khiến Nhật Bản tụt hậu về mặt kinh tế.

Người phát ngôn của Hiệp hội các đại lý du lịch Nhật Bản nói: “Chúng tôi rất biết ơn vì đồng yen suy yếu, nhưng khách du lịch nước ngoài vẫn phải xin thị thực". Trước đại dịch, Nhật Bản đã miễn thị thực với gần 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm tất cả các nước thuộc Liên minh châu Âu, Mỹ và nhiều nước láng giềng châu Á.

Nhật Bản chính thức đón khách du lịch trở lại vào tháng 6 sau 2 năm đại dịch, song chỉ có khoảng 8.000 du khách đến đây trong suốt tháng 7. Con số này kém xa so với hơn 80.000 du khách mỗi ngày thời điểm trước đại dịch. Năm ngoái, Nhật Bản cũng chỉ đón khoảng 246.000 du khách nước ngoài so với con số kỷ lục 31,9 triệu vào năm 2019.

Nhật Bản chính thức đón khách du lịch trở lại vào tháng 6 sau 2 năm đại dịch, song chỉ có khoảng 8.000 du khách đến đây trong suốt tháng 7.
Nhật Bản chính thức đón khách du lịch trở lại vào tháng 6 sau 2 năm đại dịch, song chỉ có khoảng 8.000 du khách đến đây trong suốt tháng 7.

Yabe Shunsaku, chủ quán "cà phê cú" với 36 con cú ở khu Akihabara của thủ đô Tokyo, cho biết hiện quán hoàn toàn vắng bóng du khách nước ngoài. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cơ sở kinh doanh này đón tiếp khoảng 2.000 lượt khách nước ngoài mỗi tháng, chiếm 98% lượng khách của cửa hàng. Để duy trì cửa hàng, chủ quán "cà phê cú" đã phải nâng cấp trang web và trò chơi điện tử để thu hút nhiều khách hàng tiềm năng khác ở Nhật Bản. Họ cũng bắt đầu cung cấp các dịch vụ hỗ trợ những người chơi cú khác để thêm thu nhập.

Khu phố Kappabashi ở Tokyo vốn nổi tiếng với hàng loạt cửa hàng bán dụng cụ nấu ăn cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi lượng du khách giảm mạnh. Trước khi xảy ra dịch bệnh, khoảng một nửa khách hàng của cửa hàng dụng cụ nhà bếp Kama-Asa là người nước ngoài, thậm chí có những ngày nhân viên của cửa hàng không sử dụng tiếng Nhật để giao tiếp. Tuy nhiên, hiện doanh số bán hàng của cửa hàng đã giảm đáng kể. Để tồn tại, đầu năm nay, cửa hàng đã lập website bán hàng trực tuyến và bắt đầu chuyển hàng ra nước ngoài.

Công ty nghiên cứu Teikoku Databank có trụ sở tại Tokyo cho biết tính đến đầu tháng 9 này, đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 4.000 doanh nghiệp ở Nhật Bản phải ngừng hoạt động, trong đó lĩnh vực nhà hàng bị ảnh hưởng nặng nhất, tiếp đến là xây dựng, thực phẩm và khách sạn.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate