Công ty của ông Vinod Khosla, Khosla Ventures, một trong những đơn vị ủng hộ sớm nhất dự án OpenAI, đang tiến gần đến mục tiêu ra mắt quỹ đầu tư trị giá 3 tỷ USD. Gần đây, công ty đã tập trung hậu thuẫn hai startup AI, một ở Nhật Bản và một ở Ấn Độ, theo Nikkei Aisa.
Sakana AI có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản), đồng sáng lập bởi nhóm cựu nghiên cứu viên của Google, đang phát triển một số mô hình AI tạo sinh đòi hỏi ít năng lượng hơn và tiết kiệm chi phí so với phần lớn mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) trên thị trường. Một startup khác cũng được Khosla Ventures chú ý là Sarvam AI, đặt trụ sở tại Bengaluru (Ấn Độ), thành lập nhằm mục đích thúc đẩy nhanh quá trình áp dụng AI tạo sinh tại đất nước tỷ dân.
ƯU TIÊN AI BẢN ĐỊA
Ông Khosla nhận định: "Tôi nghĩ bối cảnh AI trải đều khắp các khu vực sẽ mang lại nhiều lợi ích và bảo vệ thế giới khỏi viễn cảnh một ông lớn thống trị toàn thị trường", đồng thời cho biết các nhà cung cấp mô hình trí tuệ nhân tạo địa phương có thể hỗ trợ quá trình đào tạo và áp dụng AI tạo sinh "hiệu quả hơn, từ đó chi phí phục vụ cũng rẻ hơn".
Vị chuyên gia lấy Ấn Độ làm ví dụ, quốc gia sở hữu hơn 10 loại chữ viết khác nhau cũng như hàng trăm ngôn ngữ, phương ngữ: "Ở Ấn Độ, tiếng Hindi thường bị trộn lẫn với tiếng Anh, do đó một câu nói của người dân có thể chứa khoảng 3 từ tiếng Anh và 20 từ tiếng Hindi. Mã hóa dữ liệu được sử dụng trong mô hình chuẩn như Google hoặc OpenAI rất kém hiệu quả".
Ông Khosla bày tỏ: "Tôi nghĩ chính phủ các nước như Nhật Bản hay Ấn Độ, đặc biệt là một số quốc gia có ngân sách nghiên cứu đủ lớn, dân số đủ lớn, sẽ khuyến khích phát triển dịch vụ AI nội địa".
Nhà sáng lập Khosla Ventures dự đoán Sakana sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu lớn, góp phần vào sứ mệnh phát triển AI bản địa hóa tại Nhật Bản.
CUỘC ĐUA AI KHỐC LIỆT GIỮA CÁC QUỐC GIA
Ông Khosla cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phương Tây và một số nước châu Á trong cuộc đua dẫn đầu về phát triển AI trước sự cạnh tranh từ Trung Quốc.
"Tôi đặc biệt lo ngại về sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhiều công ty sử dụng dữ liệu cá nhân của người dùng để đào tạo AI và phạm sai lầm liên tiếp, chỉ vì đa số doanh nghiệp tin rằng phạm sai lầm là chìa khóa để phát triển AI nhanh hơn", ông Khosla chia sẻ.
Rõ ràng, Trung Quốc nắm giữ lợi thế lớn trong lĩnh vực vì hầu hết các nước phương Tây hay thậm chí cả Nhật Bản đều có xu hướng khai thác AI thận trọng hơn.
Khosla Ventures quyết định đầu tư vào OpenAI từ năm 2019 khi startup này ra mắt tổ chức phi lợi nhuận. Suy ngẫm về sự việc CEO Sam Altman bị sa thải tạm thời, ông Khosla thẳng thắn: "Sai lầm là ban quản trị được xây dựng quá kém chất lượng. Quá nhiều người không hiểu rõ về thế giới khởi nghiệp hoàn toàn không phù hợp với vị trí Hội đồng quản trị OpenAI".
Công ty sau đó tuyên bố tái cơ cấu Hội đồng quản trị vào tháng 11 năm ngoái. Đội ngũ quản trị mới bao gồm nhiều tên tuổi uy tín như doanh nhân công nghệ Bret Taylor và nhà kinh tế học kiêm cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Larry Summers.
Giữa một số lập luận cho rằng quá trình phát triển AI tốn kém phụ thuộc vào nguồn lực chủ yếu do Big Tech cung cấp, ông Khosla lại khẳng định các doanh nghiệp nhỏ sẽ góp phần thúc đẩy đổi mới.
Nói về trình AI tạo hình ảnh, ông Khosla thừa nhận "Adobe đang cố gắng" trở thành công ty dẫn đầu khi hoạt động kinh doanh cốt lõi gặp nhiều thách thức, nhưng một số tổ chức như OpenAI hoặc Midjourney vẫn xứng đáng là đối thủ đáng gờm.
Nhà đầu tư mạo hiểm tin rằng các công ty khởi nghiệp có khả năng chấp nhận nhiều rủi ro và hành động nhanh chóng hơn so với phần lớn gã khổng lồ công nghệ: "Điều quan trọng nhất trong đổi mới là cho phép thất bại". Khi các tổ chức giảm bớt nỗ lực nhằm tránh rủi ro thất bại, "điều đó sẽ dẫn đến thay đổi nhỏ, chứ không phải đổi mới mang tính bước ngoặt", ông Khosla khẳng định.