Nhà chức trách Nhật Bản đã chi 5,53 nghìn tỷ yên, tương đương 36,8 tỷ USD, để hỗ trợ tỷ giá đồng yên trong tháng 7 vừa qua - số liệu chính thức công bố ngày 31/7 cho thấy.
Dữ liệu mới được Bộ Tài chính Nhật đưa ra bao trùm khoảng thời gian từ ngày 27/6 đến ngày 29/7. Trước đó, thị trường tài chính đã đồn đoán rằng Bộ Tài chính có thể đã phối hợp với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ca thiệp vào thị trường ngoại hối. Đồn đoán này rộ lên khi tỷ giá đồng yên so với đồng USD bất ngờ phục hồi mạnh sau khi rớt xuống mức thấp nhất 38 năm.
Hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5, nhà chức trách Nhật đã có một đợt can thiệp khác để bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ. Đó cũng là lần can thiệp đầu tiên kể từ tháng 10/2022.
Trong bối cảnh đồng yên trên đà hồi phục sau một thời kỳ mất giá kéo dài, BOJ ngày 31/7 tuyên bố nâng lãi suất cơ bản lên ngưỡng 0,25%, từ ngưỡng 0-0,1% trước đó. Đây là mức lãi suất cao nhất của Nhật Bản kể từ năm 2008.
Đồng yên tiếp tục tăng giá mạnh sau động thái nâng lãi suất của BOJ. Sáng nay (1/8), tỷ giá yên so với USD có lúc đạt 149,515 yên đổi 1 USD, cao nhất kể từ giữa tháng 3. Trong phiên giao dịch. Ngày 31/7 tại Mỹ, yên tăng 1%.
Trước đợt phục hồi trong tháng 7, yên đương đầu áp lực mất giá mạnh ngay cả sau khi BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 3.
Sau cuộc họp của BOJ ngày 31/7, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda không loại trừ khả năng sẽ tăng lãi suất thêm lần nữa trong năm nay. Ngoài ra, BOJ cũng công bố kế hoạch từ nay đến quý 1/2026 giảm một nửa lượng mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ, từ mức 6 nghìn tỷ yên xuống còn 3 nghìn tỷ yên mỗi tháng.
“Tôi ngạc nhiên vì sự cứng rắn mà BOJ thể hiện trong cuộc họp này. Tôi cho rằng đợt phục hồi của yên gần đây đã làm suy giảm áp lực phải tăng lãi suất đối với BOJ. Tuy nhiên, BOJ có vẻ như rất muốn tăng lãi suất và bình thường hóa chính sách tiền tệ. Điều này có thể sẽ giúp yên phục hồi thêm nữa, nhưng cũng có thể gây áp lực lên nền kinh tế và thị trường chứng khoán trong nước”, chiến lược gia Ben Bennett của công ty Legal and General Investment Management nhận định.
Đồng yên đã tăng giá 7% trong tháng 7, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2022. Đầu tháng, yên giảm về mức gần 162 yên đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1986.
Sau khi nhà chức trách can thiệp thị trường, đà hồi phục của yên được đẩy mạnh khi các nhà bán khống mua vào để cắt lỗ.
Một số chuyên gia dự báo đà tăng này có thể đưa tỷ giá đồng yên lên mức 140 yên đổi 1 USD vào cuối năm nay và 125 yên đổi 1 USD vào cuối năm 2025 - theo hãng tin Bloomberg. Đó là mức tỷ giá vào đầu năm 2022, thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới bắt đầu tăng lãi suất. Chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ với Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác là nguyên nhân chính dẫn tới sự mất giá kéo dài của đồng yên.
Có những ý kiến cho rằng tron ngắn hạn, yên có thể để mất phần lớn thành quả tăng đạt được trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, việc BOJ tăng lãi suất và việc Fed phát tín hiệu giảm lãi suất vào tháng 9 đã xóa sạch cảm giác u ám về triển vọng tỷ giá yên.
“Đồng yên có thể tăng tới mức 140 yên đổi 1 USD nếu xuất hiện đồng thời các yếu tố: Fed bắt đầu chu kỳ nới lỏng, tâm lý lo ngại rủi ro tăng lên, và BOJ duy trì việc thắt chặt chính sách tiền tệ”, Giám đốc chiến lược tiền tệ của công ty Amundi, ông Paresh Upadhyaya nhận định.