August 22, 2015 | 08:36 GMT+7

Nhật cảnh báo Trung Quốc về phá giá Nhân dân tệ

Diệp Vũ

Nhật Bản phản đối bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm thao túng tỷ giá để giành lợi thế cho hoạt động xuất khẩu

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Taro Aso - Ảnh: Reuters.<br>
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Taro Aso - Ảnh: Reuters.<br>
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Taro Aso hôm 21/8 đã lên tiếng cảnh báo động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, gọi đây là một vấn đề đáng quan ngại và có thể gây thách thức cho Tokyo.

Theo tin từ hãng thông tấn AP, chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật có thời điểm giảm 3% trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần,  xuống dưới ngưỡng tâm lý 20.000 điểm, do hoạt động bán tháo trên diện rộng.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, nhân tố Trung Quốc đóng một vai trò quan trọng trong sự sụt giảm này của thị trường”, ông Aso nói trong cuộc họp báo thường kỳ sau một cuộc họp nội các.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật cho rằng nếu đồng Nhân dân tệ tiếp tục bị phá giá, thì Nhật Bản sẽ rơi vào thế khó.

Theo ông Aso, Nhật Bản hoan nghênh động thái tỷ giá của Nhân dân tệ nếu động thái này là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đưa hệ thống tiền tệ của mình trở thành một hệ thống dựa trên thị trường. Tuy vậy, ông cảnh báo Nhật Bản phản đối bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm thao túng tỷ giá để giành lợi thế cho hoạt động xuất khẩu của nước này.

“Nhật Bản sẽ phải đối mặt với một quyết định khó khăn về làm thế nào để phản ứng nếu Trung Quốc liên tiếp can thiệp vào thị trường”, ông Aso nói.

Không rõ ông Aso muốn ám chỉ Nhật Bản có thể phải đối mặt với những lựa chọn nào khi tỷ giá đồng Nhân dân tệ giảm sâu hơn. Tuy vậy, tỷ giá đồng Yên Nhật hiện đã giảm hơn 60% so với USD kể từ khi đạt mức đỉnh 73,35 Yên/USD vào tháng 10/2011. Hôm nay, đồng Yên Nhật giao dịch ở mức gần 123 Yên đổi 1 USD.

Sự giảm giá của đồng Yên đã được đẩy nhanh bằng chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh tay của Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) kể từ năm 2013. BoJ đã mua vào hàng nghìn tỷ Yên tài sản mỗi tháng, theo đó bơm tiền vào nền kinh tế, kích thích tăng trưởng. Đồng Yên giảm giá giúp tăng doanh thu và lợi nhuận cho các doanh nghiệp Nhật khi chuyển tiền từ nước ngoài về nước, từ đó giúp thị trường chứng khoán Nhật tăng điểm.

Chiến lược này là xương sống trong nỗ lực của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhằm chống giảm phát - tình trạng giảm xuống của giá cả - và thúc đẩy tăng trưởng thông qua khuyến khích người tiêu dùng và các doanh nghiệp chi tiêu nhiều hơn.

Những ngày gần đây, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã theo dõi các diễn biến từ Trung Quốc với con mắt thận trọng, bởi Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn của Nhật. Bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đối với kinh tế Trung Quốc cũng có thể là thách thức đối với các nhà xuất khẩu của Nhật.

“Chúng tôi sẽ phải theo dõi các dữ liệu để xác định xem có đúng là kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng 7% hay không”, ông Aso nói.

Xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm tốc trong tháng 7 do xuất khẩu xe hơi và hàng điện tử sang thị trường châu Á giảm, một tín hiệu cho thấy triển vọng của thị trường toàn cầu đang xấu đi.

Quyết định phá giá đồng tiền và nới biên độ tỷ giá của Trung Quốc vào tuần trước đã làm dấy lên quan ngại các quốc gia khác sẽ đẩy tỷ giá đồng nội tệ của mình xuống để cạnh tranh xuất khẩu với Trung Quốc.

Mặc dù hầu hết các chuyên gia kinh tế cho rằng mối lo về một cuộc “chiến tranh tiền tệ” đã bị thổi phồng, nhưng một số nước đã giảm giá đồng tiền sau động thái của Trung Quốc. Ngày 20/8, tỷ giá đồng Tenge của Kazakhstan sụt 23% so với đồng USD sau khi nước này tuyên bố thả nổi tỷ giá để ứng phó với biến động tỷ giá và giá hàng hóa toàn cầu.

Đến nay, sự mất giá của đồng Nhân dân tệ so với đồng USD mới chỉ có ảnh hưởng trực tiếp hạn chế lên giá trị của đồng Yên. Tuy vậy, bất ổn trong chính sách tương lai của Trung Quốc cũng như ảnh hưởng của sự giảm tốc tăng trưởng tại Trung Quốc đang gây “sóng gió” trên thị trường toàn cầu.

“Đây không chỉ là câu chuyện của Trung Quốc. Đây là câu chuyện của các nền kinh tế mới nổi nói chung”, theo ông Masamichi Adachi đến từ ngân hàng JPMorgan ở Tokyo.

“Xét cho cùng, mọi vấn đề đều liên quan đến Trung Quốc. Nhiều nước xuất khẩu hàng hóa cơ bản như Brazil hay Nam Phi đều có Trung Quốc là thị trường chính”.

Trong cuộc họp báo hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật nói sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc chắc chắn là một nhân tố lớn phía sau sự sụt giảm của thị trường chứng khoán thế giới những ngày gần đây, bao gồm cả phiên giảm điểm mạnh của chứng khoán Nhật cùng ngày.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate