Buổi họp báo ngay sau phiên bế mạc hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), diễn ra ngày 5/12, đã được làm “nóng” lên với nhiều câu hỏi của báo giới liên quan đến "nghi án" đưa hối lộ của quan chức Công ty PCI, Nhật Bản.
Đồng chủ trì buổi họp báo, các ông James W. Adams, Phó giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam và ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho biết nhiều thông tin liên quan đến vụ PCI, cũng như cam kết hơn 5 tỷ USD vốn ODA mà các nhà tài trợ cho Việt Nam vừa công bố.
VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả những nội dung chính tại buổi họp báo.
Nhiều dự án hạ tầng lớn tạm dừng
Xin ông Võ Hồng Phúc cho biết thêm chi tiết về vụ PCI?
Ông Võ Hồng Phúc: Về vụ PCI, Chính phủ đã giao Bộ Công an. Hiện nay bộ này đang tiến hành điều tra. Như quý vị đã biết thì phía Tp.HCM đã đình chỉ công tác của ông Sỹ và đây là bước đầu để tạo điều kiện cho việc điều tra được tiến hành.
Hiện nay, Bộ Công an Việt Nam và Viện Công tố Nhật Bản đang có sự hợp tác với nhau để trao đổi chứng cứ về vấn đề này
Nhật Bản tạm dừng ở những dự án nào và khả năng đàm phán trở lại với Nhật Bản ra sao?
Ông Võ Hồng Phúc: Chúng tôi và ngài Đại sứ Nhật Bản đã thỏa thuận với nhau 3 dự án lớn với trị giá trên 65 tỷ Yên, và 3 dự án đó dự kiến sẽ được cam kết trong hội nghị lần này. Nhưng do vụ PCI cho nên phía Nhật Bản chưa cam kết.
Đó là dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn 2, dự án vệ sinh đô thị thành phố Hải Phòng và Metro Hà Nội. Nói chung, 3 dự án này đều là những dự án quan trọng.
Khi đã dừng cam kết thì sẽ dừng chưa ký kết. Các dự án lớn bị ngừng thì đa số đều chưa triển khai. Cũng không có nguồn vốn nào để thay thế.
Với các dự án liên quan đến PCI, hiện nay đang tạm dừng gồm một số dự án về giao thông nông thôn và đặc biệt là hai dự án lớn tại Tp.HCM là dự án hành lang Đông Tây và dự án vệ sinh môi trường đô thị Tp.HCM.
Quan điểm của các ông đối với việc Nhật Bản chưa đưa ra cam kết ODA như thế nào?
Ông Võ Hồng Phúc: Tôi tiếc rằng Nhật Bản chưa cam kết viện trợ. Nếu Nhật Bản cam kết viện trợ thì chắc con số này sẽ là trên 6 tỷ USD. Tôi cảm ơn Nhật Bản, vẫn khẳng định Việt Nam là đối tác viện trợ hàng đầu của Nhật Bản, vẫn quan tâm chương trình, dự án lớn ở Việt Nam, đặc biệt là dự án về đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc và khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hy vọng hai chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết những vấn đề còn cản trở sự cam kết của Nhật Bản.
Ông James W. Adams: Vấn đề này
đã được thảo luận tại hội nghị vừa qua. Chúng tôi cũng biết rằng Việt
Nam và Nhật Bản đã cùng lập ra một ủy ban để điều tra về vụ việc này.
Và ủy ban này sẽ đưa ra những khuyến nghị để chính phủ xem xét. Việc
điều tra vẫn đang diễn ra và điều này giải thích vì sao Nhật Bản chưa
đưa ra cam kết ngày hôm nay.
Các bạn đều biết Nhật Bản là một trong những nhà tài trợ hàng đầu và
đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường cơ sở hạ tầng, giúp cho
tăng trưởng của Việt Nam. Cả hai bên đều thấy là nhu cầu đối với viện
trợ của Nhật Bản trong duy trì các dự án, chương trình hiện nay đang
triển khai tại Việt Nam là rất quan trọng.
Đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã thống nhất ở
những điểm như tôi vừa nêu ra và họ sẽ sớm kết thúc quá trình đối thoại
này để đưa ra quyết định của mình.
Chống tham nhũng: Chính phủ nêu cao vai trò báo chí
Nếu trong thời gian tới phát hiện có thất thoát trong các dự án của WB hay ADB tài trợ thì các ông sẽ phản ứng thế nào?
Ông James W. Adams: Tất nhiên là chúng tôi sẽ phải có hành động rồi.
Chúng tôi có cơ chế rất nghiêm khắc trong tổ chức là nếu phát hiện nghi vấn tham nhũng trong một dự án thì chúng tôi sẽ điều tra.
Nếu nhân viên của chúng tôi bị phát hiện tham nhũng thì nhân viên đó sẽ bị phạt và đuổi việc. Nếu như tham nhũng đó liên quan đến một người nào của phía nước tiếp nhận viện trợ thì chúng tôi sẽ yêu cầu chính phủ đó không đưa người này vào các dự án tiếp theo của chúng tôi.
Chúng tôi cũng có một hệ thống về mặt thể chế để đảm bảo những người có hành vi sai trái thì không bao giờ có thể tiếp nhận được các lợi ích từ WB.
Ông Ayumi Konishi: Cũng như WB, chúng tôi có một ban phụ trách về tính thống nhất của các dự án, trong đó có trách nhiệm về thông tin và điều tra về các vụ tham nhũng. Chúng tôi cũng hỗ trợ chính phủ và các cơ quan liên quan củng cố hệ thống của họ để chống tham nhũng.
Xin hỏi với trên 5 tỷ USD cam kết ODA vừa được đưa ra, các bên liên quan sẽ làm thế nào để khoản tiền đó không bị tham nhũng xà xẻo?
Ông James W. Adams: Về vấn đề triển khai các chương này thì tôi cho rằng từ bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến bài phát biểu của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, cũng như là rất nhiều các bài tham gia của các bộ khác đều nhấn mạnh cam kết của Chính phủ là làm thế nào để các khoản tài trợ này được sử dụng hiệu quả.
Hiện nay, hệ thống quản lý vốn và mua sắm cần được củng cố hơn nữa. Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết hỗ trợ cộng đồng quốc tế và chúng tôi cũng hứa sẽ hỗ trợ Việt Nam để củng cố thể chế, để xử lý những vấn đề mới nảy sinh một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, vẫn có những thách thức diễn ra hàng ngày với bất kỳ một chính phủ nào. Chúng ta phải giải quyết vấn đề thể chế để cho tiền được sử dụng một cách hiệu quả.
Ông có đánh giá gì về khả năng giám sát nguồn vốn ODA của cơ quan dân cử cao nhất là Quốc hội?
Ông James W. Adams: Khi làm việc với Chính phủ, chúng tôi nhấn mạnh tính làm chủ đối với các dự án và tính làm chủ này không chỉ là của Chính phủ mà còn của Quốc hội, các tầng lớp xã hội khác nhau.
Chúng tôi cũng mời đại diện của Quốc hội đến trình bày ý kiến. Chúng tôi cũng mời các đại diện của các tầng lớp đến đây tham gia và chúng tôi đề cao các tổ chức dân cử xã hội trong các hoạt động như thế này.
Chính phủ và cộng đồng tài trợ có thể thu hút sự tham gia của Quốc hội đến các tầng lớp xã hội để có phản hồi tốt và đầy đủ, từ khâu thiết kế dự án trở đi.
Chúng tôi coi đây là một bộ phần rất quan trọng trong tiến trình làm việc.
Các ông đánh giá thế nào về vai trò chống tham nhũng của báo chí Việt Nam hiện nay?
Ông James W. Adams: Chúng tôi cũng đã thảo luận về vai trò của giới báo chí. Dưới góc độ của nhà tài trợ thì những sự việc diễn ra trong 6 tháng qua khiến chúng tôi rất lo ngại và nghĩ rằng giới báo chí sẽ không tích cực tham gia vào quá trình chống tham nhũng nữa.
Nhưng Chính phủ đã nhấn mạnh rằng luật pháp đã được thực thi và không có chủ ý để giới báo chí phải im lặng trước những diễn biến về tham nhũng tại Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng giới báo chí sẽ cần một hướng dẫn cụ thể nào đó, một định hướng cụ thể nào đó về vai trò của họ trong công cuộc này và chúng tôi cũng sẽ có nhiều cơ chế để đối thoại trong lĩnh vực này, làm sao để qua đó biết được vấn đề thực chất nằm ở đâu.
Đồng thời, cũng phải nhấn mạnh những việc Chính phủ Việt Nam có thể làm được theo định hướng này và các nhà tài trợ cũng sẽ hỗ trợ Chính phủ thông qua những việc họ sẽ làm trong tương lai.
Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong cải cách tư pháp và cải cách hành chính. Các vấn đề này cũng sẽ nhận được các khoản tài trợ, hỗ trợ của cộng đồng tài trợ. Đó là hai lĩnh vực cả Chính phủ Việt Nam và cộng đồng tài trợ đều bày tỏ ý muốn rõ ràng là sẽ phối hợp chặt chẽ.
Ông Võ Hồng Phúc: Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng công tác phòng chống tham nhũng và thực tế qua những hoạt động vừa qua, chúng tôi đã thể hiện điều đó.
Đặc biệt là gần đây nhất, trong phiên họp Chính phủ đầu tháng 12 đã thông qua việc xúc tiến gia nhập Công ước của Liên hiệp quốc về phòng chống tham nhũng. Vấn đề này sẽ được trình ra trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sau đó sẽ trình lên Chủ tịch nước để phê chuẩn.
Khi tham gia công ước này thì tất cả các điều khoản trong Công ước sẽ được thực thi và điều đó sẽ thể hiện rõ trách nhiệm cũng như vai trò tham gia của Chính phủ đối với vấn đề phòng chống tham nhũng.
Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng. Ở đây, đã có một sự nhầm lẫn trong thời gian vừa qua, liên quan đến việc bắt giữ hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến.
Tôi xin nói lại đây là việc bắt giữ hai nhà báo vi phạm pháp luật chứ không phải bắt hai nhà báo vì chống tham nhũng. Tất cả công dân Việt Nam, dù ở vị trí nào, khi vi phạm pháp luật đều sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
Còn việc tham gia của báo chí vào công cuộc chống tham nhũng luôn được Chính phủ khuyến khích, luôn luôn nêu cao vai trò của báo chí trong công tác này.
Vốn ODA không chỉ cho hạ tầng
Trước ngày hôm nay, các ngài có hy vọng số vốn cam kết đạt trên 5 tỷ USD hay không?
Ông James W. Adams: Liên quan đến việc huy động nguồn vốn, chúng tôi có hai khó khăn.
Thứ nhất là USD lên giá so với đồng Euro. Có nghĩa là với một lượng USD thì cần nhiều Euro hơn trươc đây.
Thứ hai là thị trường tài chính thế giới khó khăn nên các nhà tài trợ
họ có thể ngại không cam kết nhiều như con số họ từng cam kết trước đây.
Con số trên 5 tỷ USD vốn cam kết lần này đã không bao gồm Nhật Bản và
chúng tôi cho rằng cộng đồng quốc tế vẫn có niềm tin vào nỗ lực của
Việt Nam và sẵn sàng cung cấp vốn.
Qua vụ PCI, cơ cấu vốn ODA lần này có tập trung nhiều vào cơ sở hạ tầng như trước đây hay sẽ tập trung vào các dự án xóa đói giảm nghèo - vấn đề cộng đồng tài trợ thể hiện sự quan tâm trong các phiên họp tại hội nghị lần này?
Ông Ayumi Konishi: Chúng tôi cũng chưa có tính toán cụ thể theo danh mục dự án. Chúng ta đang trong giai đoạn khởi đầu và từ nay đến đầu năm sau chúng ta sẽ tiến hành xây dựng danh mục dự án. Và chỉ khi đó tôi mới có thể công bố tỷ lệ dự án bao nhiêu cho mỗi ngành, lĩnh vực.
Trong 1,6 tỷ USD của chúng tôi cam kết cho Việt Nam thì trên 75% sẽ được đưa vào dự án về đường cao tốc và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra là các dự án liên quan đến giáo dục và y tế.
Trong các lĩnh vực trọng yếu như năng lượng, hiện EVN đang gặp khó khăn trong việc tiếp tục các dự án của mình do thiếu vốn đầu tư. Chúng tôi đã trao đổi với Chính phủ, theo đó nếu các dự án vẫn gặp khó khăn thì ADB và các đối tác khác sẽ có những bước đi thích hợp. Nếu điều này xảy ra thì sẽ phải tính toán lại phân bổ nguồn vốn cho các dự án sang năm.
Về phía Chính phủ cần phải chủ động tăng cường các chương trình của mình để hỗ trợ cho người nghèo và cần tính toán nguồn vốn cho các dự án xã hội.
Ông James W. Adams: Rất thú vị là Việt Nam đã cho chúng tôi thấy một loạt các chương trình đa dạng, từ các chương trình về phát triển hạ tầng, năng lượng lớn... đến các vấn đề về xã hội, đặc biệt là tập trung hơn nữa cho các cộng đồng thiểu số. Các nhà tài trợ cũng thể hiện sẵn sàng hợp tác với Chính phủ Việt Nam trên các lĩnh vực này.
Vấn đề thứ hai là các chương trình hỗ trợ của cộng đồng tài trợ đối với các dự án xã hội phải được Chính phủ Việt Nam nhận thức như là chương trình của mình. Chúng tôi cho là Chính phủ cần phải có những chương trình riêng dành cho cộng đồng thiểu số và chúng tôi hy vọng là chính phủ Việt Nam sẽ bố trí đầy đủ ngân sách cho các dự án xã hội để tăng tỷ lệ dự án xã hội.
5 năm, dự kiến giải ngân 11 tỷ USD
Vấn đề giải ngân của Việt Nam được đánh giá như thế nào?
Ông James W. Adams: Nếu so sánh với các nước nhận tài trợ khác thì kết quả giải ngân vốn ODA của Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, Việt Nam là trường hợp rất đặc biệt.
Trong các cuộc họp, vấn đề chúng tôi đưa ra đối với Chính phủ Việt Nam là liệu chúng ta có thể bắt đầu giải ngân dự án sớm hơn hay không bởi vì quy định của Việt Nam là khi dự án khởi động thì mới bắt đầu giải ngân được. Và cũng phải chờ Chính phủ Việt Nam có vốn đối ứng thì các nhà tài trợ mới rót tiền và được.
Như vậy là vấn đề phụ thuộc rất nhiều vào phía Việt Nam.
Cụ thể với WB thì tỷ lệ giải ngân là bao nhiều?
Ông James W. Adams: Giải ngân vốn ODA của WB vào khoảng 50% mỗi năm. Con số này không bao gồm khoản đối ứng từ ngân sách của Việt Nam.
Theo kế hoạch 2 năm tới, chúng ta sẽ giải ngân mỗi năm khoảng trên 2 tỷ USD vốn ODA. Với tình hình khủng hoảng hiện nay thì vấn đề giải ngân sẽ xử lý như thế nào?
Ông Võ Hồng Phúc: Giải ngân ODA của Việt Nam đang có chiều hướng tốt. Năm 2006-2008 đều triển khai tốt và đạt kế hoạch đề ra, khoảng 6 tỷ USD. Dự kiến trong 5 năm 2006-2010 sẽ giải ngân khoảng trên 11 tỷ USD. Và con số còn lại có thể giải ngân được trong hai năm.
Hiện nay, giải ngân vốn ODA đang là ưu tiên của Chính phủ. Trong điều kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu như hiện nay, Chính phủ cần giải ngân mạnh nguồn vốn ODA để đảm bảo đủ vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là tăng nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Vê phía các nhà tài trợ thì cũng sẵn sàng cung cấp tiền khi mà chúng ta đảm bảo giải ngân được.
Việt Nam sẽ hành động như thế nào để tiếp tục duy trì vị thế tốt đối với các nhà tài trợ?
Ông Võ Hồng Phúc: Chúng tôi đã tuyên bố rằng trong chương trinh hành động Accra, Việt Nam tham gia đầy đủ các chương trình mà đã được nêu ra trong thỏa thuận, trước hết là vấn đề hài hòa hóa thủ tục, vấn đề nâng cao hiệu quả viện trợ, và vấn đề sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ do các quốc gia và các nước tài trợ cho Việt Nam.
Chúng tôi không có một hạn chế nào cả và tham gia đầy đủ các điểm đã cam kết.
Ông James W. Adams: Đã có rất nhiều tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được và hiện nay được nhiều nước học tập theo, trong đó có việc củng cố hơn nữa quan hệ giữa chính phủ và nhà tài trợ, nâng cao hiệu quả viện trợ... Việt Nam luôn là người đi đầu và điều đó thuyết phục cộng đồng tài trợ tiếp tục hợp tác trong tương lai.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate