August 25, 2016 | 14:54 GMT+7

Nhật có tránh nổi “lời nguyền Olympic”?

An Huy

Việc đăng cai Thế vận hội chưa chắc sẽ giúp ích gì cho nền kinh tế đang trì trệ và nặng nợ của nước này

Các vũ công Nhật Bản trình diễn trong lễ bế mạc Thế vận hội mùa hè Rio 2016 - Ảnh: Getty/CNN.<br>
Các vũ công Nhật Bản trình diễn trong lễ bế mạc Thế vận hội mùa hè Rio 2016 - Ảnh: Getty/CNN.<br>
Lá cờ Thế vận hội đã được Rio trao lại cho Tokyo, nhưng trang CNN Money cho rằng Nhật Bản khó có thể biến đại hội thể thao mùa hè năm 2020 thành một thành công về kinh tế.

Hoạt động chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 đến nay đã chịu nhiều sức ép từ bê bối và bội chi. Một số chuyên gia nhận định việc đăng cai Thế vận hội chưa chắc sẽ giúp ích gì cho nền kinh tế trì trệ và nặng nợ của đất nước mặt trời mọc.

“Tôi không cho là Thế vận hội sẽ dẫn tới sự tăng trưởng kinh tế bùng nổ cho Tokyo”, ông Andrew Zimablist, chuyên gia kinh tế thuộc trường Smith College, một người chuyên nghiên cứu về hiệu ứng của các sự kiện thể thao lớn, phát biểu. “Bằng chứng lịch sử không cho thấy Tokyo sẽ hưởng lợi, và những dấu hiệu ban đầu từ kế hoạch của họ cũng không lấy làm khả quan”.

Giới chức Nhật Bản vốn hy vọng Olympic Tokyo 2020 sẽ giúp thu hút du khách, thúc đẩy hoạt động kinh doanhh và sáng tạo của đất nước. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đóng góp phần của mình khi xuất hiện tại lễ bế mạc Thế vận hội Rio 2016 trong trang phục của nhân vật game Mario nổi tiếng.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ước tính việc chuẩn bị cho Olymipic sẽ giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này tăng thêm tới 0,3 điểm phần trăm mỗi năm từ nay đến đến hết năm 2018.

Nhưng hai nhà kinh tế học người Mỹ Robert Baade và Victor Matheson có một cái nhìn khác. Trong một báo cáo đưa ra hồi tháng 4, hai chuyên gia này nhấn mạnh rằng các nghiên cứu về các kỳ Thế vận hội trước đây cho thấy “ảnh hưởng thực tế đối với nền kinh tế hoặc gần bằng 0, hoặc chỉ bằng một phần nhỏ so với kỳ vọng trước sự kiện”.

Trong khi đó, tình trạng bội chi đã xảy ra ở nhiều kỳ Olympic trước đây, và hiện đã là một thực tế mà Tokyo phải đối mặt. Năm ngoái, Nhật Bản đã phải từ bỏ thiết kế ban đầu về xây dựng một sân vận động mới cực hoành tráng sau khi chi phí “phình” lên tới mức 250 tỷ Yên, tương đương 2,5 tỷ USD.

Kể từ khi Tokyo giành quyền đăng cai Thế vận hội 2020 vào năm 2013, hai thị trưởng của thành phố đã phải từ chức. Ngoài ra, các nhà tổ chức của sự kiện còn phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc về nhận hối lộ trong quá trình đấu thầu, cũng như cáo buộc về đánh cắp ý tưởng logo.

Bà Yuriko Koike, người vừa nhậm chức thị trưởng Tokyo trong tháng 8 này, đã hứa sẽ rà soát lại chi phí của Olympic. Ủy ban tổ chức Olympic mùa hè Tokyo 2020 cũng đã thừa nhận ngân sách hoạt động sẽ cao hơn nhiều so với con số ước tính ban đầu 350 tỷ Yên, tương đương 3,5 tỷ USD. Con số này chưa bao gồm chi phí xây dựng tất cả các cơ sở hạ tầng mới phục vụ cho sự kiện.

Các chuyên gia nói rằng các nước đăng cai Olympic rốt cục thường bị bội chi và gánh nặng nợ nần của họ vì thế mà tăng thêm.

“Xét đến chi phí cho các sân thi đấu và vận hành sự kiện chuyên biệt, đặc biệt là chi phí an ninh, rất khó để doanh thu mà Olympic mang lại hay doanh thu mà ngành du lịch hưởng lợi nhờ Olympic có thể bù đắp chi phí cho sự kiện”, hai nhà kinh tế học Baade và Matheson viết.

Các nhà tổ chức Olympic Tokyo hiện đang đàm phán với thành phố Tokyo và Chính phủ Nhật về cách chia sẻ hàng tỷ USD chi phí tổ chức sự kiện này.

“Họ cần phải tránh tạo gánh nặng cho Tokyo bởi những cơ sở hạ tầng sẽ bị bỏ phí sau sự kiện”, Giáo sư Jeff Kingston thuộc Đại học Temple của Nhật Bản nhận định. Các sân thi đấu luôn đòi hỏi được bảo trì trong một thời gian dài sau khi Olympic kết thúc”.

Nợ công của Chính phủ Nhật Bản hiện đã lên tới 12 nghìn tỷ USD, gấp khoảng 2,5 lần quy mô của nền kinh tế nước này.

Nền kinh tế Nhật hiện đang chật vật hồi phục sau 3 cuộc suy thoái trong vòng 8 năm, trong đó có một cuộc suy thoái là kết quả của thảm họa động đất-sóng thần hồi tháng 3/2011.

“Đang có nhiều ý kiến trái chiều về chi khoản tiền lớn đến như vậy vào một sự kiện phô trương trong khi nước Nhật còn phải đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách”, ông Kingston nói. Giáo sư này nhấn mạnh những lo ngại cho rằng Olympic sẽ tiêu tốn những khoản ngân sách đáng ra phải được rót cho những khu vực bị động đất-sóng thần phá hủy.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate