Ngày 19/1, Nhật Bản gửi một công hàm tới Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trong đó bác bỏ lập trường về việc "vẽ các đường cơ sở phân chia lãnh hải" trên Biển Đông của Trung Quốc.
Trả lời về phản ứng của Việt Nam trước công hàm này, tại họp báo thường kỳ được tổ chức trực tuyến ngày 4/2, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan tới Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong nhiều dịp khác nhau, trong đó việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển, thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) là thiết yếu.
"Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về Biển Đông, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong tuyên bố chung dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 và thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 53, rằng UNCLOS là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương", bà Hằng cho biết.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam mong tất cả quốc gia, bao gồm các đối tác của ASEAN, sẽ đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, vì lợi ích chung và phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
"Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Tại họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng nhắc lại quan điểm của Việt Nam về luật cảnh sát biển mới được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua hôm 22/1.
Luật này làm dấy lên nhiều quan ngại khi trao quyền cho lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc thực hiện mọi biện pháp cần thiết, bao gồm cả sử dụng vũ khí khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển. Ngoài ra, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng được quyền bắt giữ và ra lệnh cho tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng biển mà nước này tự xưng là "thuộc quyền tài phán" của mình.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng khẳng định trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Bà Hằng cũng tái khẳng định Việt Nam có đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Bà cho biết Việt Nam sẽ kiên quyết, kiên trì các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền hợp pháp, chính đáng đó.
"Việt Nam yêu cầu các nước liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, có trách nhiệm thực thi một cách thiện chí luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không có hành động làm gia tăng căng thẳng, tích cực đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hòa bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.