Theo tin từ hãng thông tấn Kyodo News, Chính phủ Nhật Bản ngày 24/2 đã thông qua dự luật phê chuẩn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới được 15 quốc gia châu Á Thái Bình Dương ký kết vào năm ngoái.
Phát biểu tại họp báo, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama cho biết hiệp định RCEP, bao phủ khu vực với hơn 2,2 tỷ dân và chiếm hơn 30% GDP toàn cầu, sẽ trở thành "nền tảng cho hoạt động thương mại tại châu Á".
Ông Kajiyama kỳ vọng dự luật sẽ sớm được Quốc hội Nhật Bản phê chuẩn nhằm thiết lập một "trật tự kinh tế đáng mơ ước" khi đưa RCEP vào thực thi.
RCEP, được ký kết vào tháng 11/2020, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 91% hàng hóa, đồng thời thiết lập các quy định chung về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. Hiệp định này được kỳ vọng sẽ phục hồi và nâng cao hiệu quả của các chuỗi cung ứng trong khu vực.
RCEP có sự tham gia của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước thành viên ASEAN gồm Brunei, Capuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 quốc gia khác phê chuẩn.
Các quốc gia thành viên RCEP cũng đã ký kết một thỏa thuận đặc biệt để tạo điều kiện cho Ấn Độ trở lại. Từ tháng 11/2019, Ấn Độ, dù là một trong những thành viên sáng lập, đã bỏ qua tất cả các cuộc đàm phán và rút khỏi hiệp định này do lo ngại thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Nếu trở lại trong vòng 18 tháng kể từ khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực, Ấn Độ sẽ không bị áp dụng quy tắc cấm kết nạp thêm thành viên mới.
RCEP được khởi xướng vào năm 2012 từ Campuchia, như một sáng kiến của ASEAN nhằm thúc đẩy thương mại giữa các nước trong khối và 6 đối tác thương mại lớn gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand và Hàn Quốc.
16 nước bắt đầu đàm phán RCEP vào năm 2013, trong khi một thỏa thuận thương mại lớn khác là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đang được đàm phán. Do Trung Quốc tham gia RCEP và Mỹ đang dẫn đầu TPP - thỏa thuận khi đó được kỳ vọng sẽ trở thành FTA lớn nhất thế giới - đã có nhiều ý kiến cho rằng RCEP sẽ là một cách để Bắc Kinh đối trọng với ảnh hưởng gia tăng của Washington trong khu vực.
Tuy nhiên, sau khi cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi TPP vì cho rằng đây là một thỏa thuận tồi cho Mỹ. Các nước còn lại trong thỏa thuận, gồm Việt Nam và Nhật Bản, tiếp tục đàm phán, đi đến ký kết, và thực thi TPP từ cuối năm 2018. Thỏa thuận này đã được đổi tên thành Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ấn Độ tham gia đàm phán RCEP từ đầu, nhưng sau đó đã rút khỏi do lo ngại không bảo vệ được các nhà sản xuất trong nước.
Giống như CPTPP, RCEP là một thỏa thuận không dễ dàng và là một nỗ lực của các nước chống lại chủ nghĩa bảo hộ cho dù nước Mỹ thời ông Trump chủ trương sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại.
Giới truyền thông và các nhà phân tích nói rằng RCEP chủ yếu mang lại lợi ích cho thương mại hàng hóa vì sẽ giảm mạnh thuế quan đối với nhiều mặt hàng. Ngoài ra, thỏa thuận sẽ cho phép các doanh nghiệp bán cùng một mặt hàng tại tất cả các quốc gia trong thỏa thuận mà không cần phải thực thi các thủ tục riêng lẻ tại từng thị trường.