Những dự báo về triển vọng thu hút FDI được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) phát hành gần đây đã “ứng” vào dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021, đó chính là sự suy giảm cả vốn đăng ký và giải ngân
VỐN FDI ĐĂNG KÝ VÀ GIẢI NGÂN ĐỀU GIẢM
Theo số liệu công bố, tính đến ngày 20/7/2021, tổng vốn FDI đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 4/2021 và đầu tháng 5/2021 tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Bắc Giang. Trước đó, vốn FDI đăng ký 6 tháng giảm 2,6% (15,27 tỷ USD), trong khi 5 tháng vẫn tăng 0,8% so với cùng kỳ (14 tỷ USD).
Mặc dù vốn FDI giải ngân 7 tháng tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020 (10,5 tỷ USD) song đà tăng này giảm dần so với các tháng trước đó (6 tháng tăng 6,8%, 5 tháng tăng 6,7%, 4 tháng tăng 6,8%). Một trong những lý do kéo đà tăng của 7 tháng giảm là do giải ngân tháng 7/2021 giảm tới 14,3% so với tháng 7/2020 và giảm 39,7% so với tháng trước.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE), đây là điều rất đáng chú ý trong bức tranh thu hút FDI 7 tháng đầu năm 2021.
“Trong đó, Covid-19 diễn biến căng thẳng tiếp tục là một trong những nguyên nhân khiến vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sụt giảm”, ông Toàn cho biết.
Ngoài ra, theo ông Toàn, sự sụt giảm này còn thể hiện rất rõ ở số lượng dự án mới cũng như dự án góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư ngoại.
Xu hướng sụt giảm trong thu hút vốn FDI cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không chỉ vốn đăng ký hay giải ngân, số lượng dự án cũng đang trên đà giảm. Đây là là những chỉ báo quan trọng cho thấy cần phải có sự điều chỉnh trong chiến lược thu hút FDI sắp tới.
Thống kê cho thấy vốn FDI toàn cầu năm 2020 giảm 38% xuống mức thấp nhất tính từ năm 2005. Trong đó, theo OECD, vốn FDI đặc biệt “nhạy cảm” với khả năng đi lại của nhà đầu tư. Điều này nghĩa là vốn FDI sẽ không thể hồi phục hoàn toàn cho đến khi hoạt động đi lại quốc tế trở lại gần sát ngưỡng trước đại dịch.
“Đặc biệt đối với phần đông nước đang phát triển tại châu Á, viễn cảnh trên dường như khá xa vời. Ngay cả tại những nước đã có đủ năng lực tài chính để tiêm chủng, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 vẫn ở mức thấp. Các biện pháp hạn chế đi lại dự kiến sẽ vẫn được áp dụng trong suốt năm và thậm chí lâu hơn nữa tại nhiều nơi”, OECD cho biết.
Hơn nữa, theo ông Nguyễn Văn Toàn, việc đầu tư một dự án mới tại một quốc gia khác hoàn toàn với việc mua cổ phiếu của một công ty ở một nước khác. “Do đó, chừng nào còn giãn cách, hạn chế đi lại, chừng đó dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn còn hạn chế”, ông Toàn nhấn mạnh.
CẦN SỰ ĐIỀU CHỈNH CHIẾN LƯỢC
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và không sớm kết thúc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng cần tập trung theo dõi, phát hiện các xu hướng mới trong và sau Covid-19 để điều chỉnh định hướng, chiến lược phát triển cho phù hợp với “trạng thái bình thường mới”.
“Chẳng hạn các vấn đề như chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển xanh, kinh tế số, phát triển bền vững cần được nghiên cứu sâu hơn và kỹ hơn”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI toàn cầu đã giảm khoảng 40% trong năm 2020, tiếp tục giảm 5-10% trong năm 2021 và từ năm 2022 sẽ bắt đầu phục hồi chậm trở lại. Còn theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), ngay cả khi đại dịch dự kiến dần kết thúc vào năm 2021, thì mức phục hồi ngắn hạn trong đầu tư vào các nền kinh tế đang phát triển cũng chỉ đạt 5,7%, thấp hơn nhiều so với con số 10,8% của năm 2010 (sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu).
Điều này cho thấy vốn FDI chảy vào các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt khu vực Đông Á, trong đó có Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng nhất định khi tâm lý đầu tư của các nhà đầu tư quốc tế vẫn còn lo ngại trước sự bùng phát của các đợt dịch Covid-19 tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng ở mức thấp.
Do đó, để tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh nguồn vốn được dự báo giảm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp.
Theo đó, các biện pháp được nhắc tới là tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động tiếp cận, tìm hiểu và hỗ trợ các đối tác, tập đoàn lớn có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị; chủ động phương án tạo mặt bằng sạch, hạ tầng kết nối, nhân lực… để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ, nắm bắt tình hình, có biện pháp kịp thời, phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Ở góc độ ngoại giao, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng cần mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế với các đối tác quan trọng, tận dụng các hiệp định thương mại tự do, nhất là trong bối cảnh 6 tháng cuối năm sẽ diễn ra nhiều hoạt động đối ngoại cấp cao với các nước đối tác.
“Trong đó, các cơ quan đại diện ở nước ngoài cần rà soát tổng thể, tìm hiểu và chủ động đề xuất các dự án kinh tế cụ thể, mang tính chiến lược trong quan hệ với các đối tác quan trọng và từ đó tổ chức xúc tiến kinh tế đối ngoại thực chất, hiệu quả nhân các chuyến thăm cấp cao. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối địa phương, doanh nghiệp xúc tiến kinh tế đối ngoại thích ứng với bối cảnh Covid-19. Đặc biệt, cần có lộ trình nối lại hợp tác kinh tế, đi lại, du lịch giữa Việt Nam với các nước”, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định.