Theo báo cáo của Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch bệnh, hiện nay các bệnh truyền nhiễm lưu hành cơ bản vẫn đang được kiểm soát, song nguy cơ lây lan các loại dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn.
CA MẮC CÓ XU HƯỚNG TĂNG
Trong bối cảnh chung của thế giới, tại nước ta một số bệnh có vaccine phòng bệnh ghi nhận rải rác các trường hợp mắc đã bắt đầu có xu hướng tăng.
TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, riêng với bệnh sởi, từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 130 ca mắc (chưa ghi nhận ca tử vong), tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023.
Trước đó 5 năm (2019-2023), trung bình ghi nhận 300-500 ca/năm từ 2021-2023; năm 2020 có hơn 3.000 ca, và riêng năm 2019 ghi nhận gần 40.000 ca (4 tử vong). Các ca mắc ghi nhận trong năm có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.
Một trong những khó khăn trong công tác phòng chống bệnh sởi là tỷ lệ tiêm vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch Covid-19. Trong khi đó, bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%) trong cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo dịch sởi tái bùng phát trên toàn cầu. Trong thời gian tới, nước ta có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch, nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua.
Với bệnh ho gà, từ đầu năm đến nay có 118 ca mắc, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023. Các ca mắc ghi nhận rải rác các tháng trong năm. Riêng tại Hà Nội năm 2024, trẻ mắc bệnh chủ yếu dưới 3 tháng tuổi (38/48 trường hợp, chiếm 79%), có 47/48 trường hợp chưa tiêm/chưa đến lịch tiêm vaccine có thành phần ho gà, trong đó 27 trường hợp dưới 2 tháng tuổi, chưa đến lịch tiêm chủng; chỉ có 1/48 trường hợp được tiêm 2 mũi vaccine có thành phần ho gà.
Trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, và cả ở nhóm trẻ em chưa đến độ tuổi tiêm chủng.
Với bệnh bạch hầu, năm 2024 ghi nhận 3 ca mắc tại Hà Giang (đều trên 8 tuổi), tăng 3 ca so với cùng kỳ năm 2023…
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh chiều 10/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng nhận định, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao.
ĐẨY MẠNH TIÊM CHỦNG VỚI CÁC BỆNH CÓ VACCINE
Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế thời gian qua đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đề nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong đó có các bệnh sởi, ho gà, cúm gia cầm...
Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương bố trí kinh phí triển khai bằng nguồn kinh phí địa phương; trình Hội đồng nhân dân ban hành định mức chi cho hoạt động y tế dự phòng, để chủ động triển khai các hoạt động kịp thời, hiệu quả ngay từ những tháng đầu năm.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đề nghị ngành y tế tại các địa phương chủ động tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch Phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2024, bố trí kinh phí cho công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch. Bởi hiện nay, dịch bệnh còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn và diễn biến khó lường.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố cũng cần phải giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động triển khai hiệu quả giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng, và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.
Đặc biệt chú trọng đến các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao, có nguy cơ gia tăng số mắc, như sốt xuất huyết, cúm, sởi, ho gà...; thực hiện tốt công tác thu dung bệnh nhân, điều trị kịp thời.
Riêng với các bệnh có vaccine dự phòng, để phòng chống bệnh gia tăng, đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo cần tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm, như sởi, ho gà, bạch hầu.
Cùng với đó, cần xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác. Trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng, nhằm tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ.
Đối với bệnh thủy đậu, cần tăng cường truyền thông người dân hiểu đây là dịch bệnh có vaccine và khuyến khích trẻ tiêm chủng dịch vụ, trong trường hợp địa phương có số mắc lớn. Đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đánh giá dịch tễ học và địa phương chủ động vấn đề vaccine tiêm cho trẻ.
Đối với ho gà, việc tiêm vaccine dịch vụ ở phụ nữ có thai được khuyến khích, trên cơ sở sau khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc tiêm vaccine phòng bệnh ho gà đối với phụ nữ có thai, nhằm tăng miễn dịch khi trẻ sinh ngay sau sinh.