May 06, 2025 | 15:02 GMT+7

Nhiều “cá mập” quốc tế muốn giải cứu dự án tỷ đô “sa lầy” hàng thập kỷ tại Thanh Hóa

Thiên Anh -

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư sau chuyển đổi lên tới 47.000 tỷ đồng (xấp xỉ 2 tỷ USD), đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc quan trọng.

Lễ kí kết hợp tác BP và các đối tác nước ngoài tham gia tái cấu trúc dự án. Ảnh Cổng thông tin Bộ Công Thương
Lễ kí kết hợp tác BP và các đối tác nước ngoài tham gia tái cấu trúc dự án. Ảnh Cổng thông tin Bộ Công Thương

Việc chuyển đổi nhiên liệu từ than sang khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) cùng sự tham gia của các tập đoàn năng lượng và tài chính quốc tế lớn đã tạo nên cú hích mới, đưa dự án tỷ đô này trở thành tâm điểm thu hút đầu tư năng lượng sạch tại miền Bắc.

DỰ ÁN TỶ ĐÔ SA LẦY HÀNG THẬP KỶ VÀ BƯỚC NGOẶT CHUYỂN ĐỔI NHIÊN LIỆU

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh được khởi công từ năm 2011 với quy mô ban đầu 600 MW sử dụng than, tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD. Theo kế hoạch, tổ máy số 1 và số 2 lần lượt sẽ vận hành trong năm 2014.

Tuy nhiên, sau hơn 12 năm, dự án vẫn chưa hoàn thiện các hạng mục chính, hiện trạng chỉ có cổng và một phần tường rào, còn diện tích rộng lớn chủ yếu là đất trống. Nguyên nhân chính được chủ đầu tư đưa ra là khó khăn trong việc thay đổi cổ đông và thu xếp vốn đầu tư, cùng với những rào cản về chính sách đối với nhiệt điện than.

Trước bối cảnh đó, dự án được đề xuất chuyển đổi sang sử dụng khí LNG nhập khẩu, nâng công suất lên 1.500 MW, áp dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp hiện đại, nhằm phù hợp với định hướng phát triển năng lượng sạch và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được điều chỉnh và bổ sung chính thức dự án này.

Tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên 2 tỷ USD, diện tích sử dụng đất mở rộng lên 197,3 ha, bao gồm khu vực nhà máy chính, tuyến ống khí và nước làm mát, kho cảng LNG và mặt nước cảng LNG. Sản lượng điện phát lên lưới dự kiến đạt khoảng 9 tỷ kWh mỗi năm, góp phần quan trọng vào an ninh năng lượng quốc gia.

Việc bổ sung dự án vào Quy hoạch điện VIII là bước ngoặt lớn, mở đường cho việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư và vận hành dự kiến trong giai đoạn 2026-2030 hoặc 2031-2035 tùy theo tiến độ hệ thống điện quốc gia.

NHỮNG “CÁ MẬP” QUỐC TẾ TÁI CẤU TRÚC VÀ ĐẦU TƯ DỰ ÁN LNG CÔNG THANH

Dự án LNG Công Thanh đang được tái cấu trúc bởi tổ hợp nhà đầu tư quốc tế gồm Tập đoàn BP (British Petroleum, Vương quốc Anh), Quỹ đầu tư Actis (Anh) và Tập đoàn GE (General Electric, Hoa Kỳ) – những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng và tài chính toàn cầu.

BP làm việc tại Bộ Công thương về việc tham gia dự án LNG tại Thanh Hóa. Ảnh Cổng thông tin Bộ Công Thương
BP làm việc tại Bộ Công thương về việc tham gia dự án LNG tại Thanh Hóa. Ảnh Cổng thông tin Bộ Công Thương

Tập đoàn BP đảm nhận vai trò cung cấp vốn, giải pháp kho cảng LNG, cung cấp khí cho dự án, đồng thời tham gia thu xếp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế. Quỹ đầu tư Actis chịu trách nhiệm chính trong việc thu xếp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế, bao gồm các tổ chức tín dụng xuất khẩu (ECA) và các ngân hàng thương mại. Tập đoàn GE cung cấp công nghệ thiết bị chính như turbin khí và máy phát điện chu trình hỗn hợp tiên tiến nhất, đồng thời tham gia thu xếp vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế.

Sự phối hợp của bộ ba nhà đầu tư này được kỳ vọng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp, giúp dự án vượt qua những khó khăn kéo dài nhiều năm, đồng thời đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình theo tiêu chuẩn quốc tế.

Các nhà đầu tư đã ký biên bản hợp tác từ tháng 7/2022, đồng thời đối tác trong nước là Công ty Cổ phần Nhiệt điện Công Thanh đã hoàn thành các bước giải phóng mặt bằng, san lấp và đầu tư hạ tầng kỹ thuật cần thiết cho dự án.

SỰ QUAN TÂM CỦA SK GROUP VÀ THAM VỌNG PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI LNG TẠI MIỀN TRUNG

Bên cạnh tổ hợp BP – Actis – GE, Tập đoàn SK (Hàn Quốc) mới đây cũng đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến dự án LNG Công Thanh cùng các dự án điện khí LNG khác tại Thanh Hóa và Nghệ An. SK là một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất Hàn Quốc với vốn hóa thị trường gần 200 tỷ USD, có kinh nghiệm đầu tư sâu rộng tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, viễn thông và dược phẩm.

SK đề xuất tham gia các dự án LNG tại Bắc Trung bộ với Bộ Công thương. Ảnh Cổng thông tin Bộ Công Thương
SK đề xuất tham gia các dự án LNG tại Bắc Trung bộ với Bộ Công thương. Ảnh Cổng thông tin Bộ Công Thương

Đại diện SK đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vào tháng 4/2025, khẳng định cam kết mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng sạch và thân thiện môi trường. Đặc biệt, SK mong muốn hợp tác phát triển các dự án điện LNG tại những địa phương có tiềm năng như Thanh Hóa và Nghệ An.

Ngoài ra, SK đề xuất xây dựng chuỗi trung tâm công nghiệp tích hợp tại nhiều vùng miền của Việt Nam, bao gồm Trung tâm trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo tại Bắc Trung Bộ gắn với các dự án LNG Nghi Sơn, Quỳnh Lập; Trung tâm hydrogen, logistics và đổi mới sáng tạo tại Nam Trung Bộ gắn với dự án LNG Cà Ná; và Trung tâm nông nghiệp thân thiện môi trường tại Đồng bằng Sông Cửu Long gắn với dự án LNG Cà Mau.

Những đề xuất này cho thấy SK xem Việt Nam là điểm đến đầu tư, là nơi phát triển hệ sinh thái công nghiệp xanh, hiện đại và bền vững trong dài hạn.

TIẾN ĐỘ, PHƯƠNG ÁN ĐẤU NỐI VÀ NHỮNG THÁCH THỨC CẦN GIẢI QUYẾT

Phương án đấu nối điện của dự án LNG Công Thanh đang được nghiên cứu với các lựa chọn kết nối về trạm biến áp 500 kV Hưng Yên, Nam Hà Nội hoặc Long Biên, nhằm đảm bảo phù hợp với tiến độ vận hành của hệ thống điện quốc gia.

Hiện dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, san lấp và đầu tư hạ tầng kỹ thuật cần thiết. Tuy nhiên, việc chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG đòi hỏi điều chỉnh đồng bộ về cơ sở hạ tầng kho cảng LNG, logistics và hệ thống vận chuyển khí. Ngoài ra, biến động giá LNG trên thị trường quốc tế và quy trình phê duyệt, giải phóng mặt bằng vẫn là những thách thức lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp đại diện Tập đoàn SK. Ảnh Cổng thông tin Bộ Công Thương
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tiếp đại diện Tập đoàn SK. Ảnh Cổng thông tin Bộ Công Thương

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh được kỳ vọng sẽ góp phần bổ sung nguồn điện quan trọng cho miền Bắc, đồng thời là bước đi chiến lược trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch theo định hướng của Chính phủ và Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.

Với sự tham gia của các “cá mập” quốc tế hàng đầu và định hướng phát triển năng lượng sạch, dự án Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh đang từng bước vượt qua những rào cản kéo dài, mở ra triển vọng phát triển mới cho nguồn điện miền Bắc và góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương tại Thanh Hóa.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate