Sáng 22/2, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 2/2024. Tại phiên họp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Trọng Trang thông tin, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh này trong tháng 2 tăng mạnh so với cùng kỳ, như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,3%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 21%; giá trị xuất khẩu tăng 52,8%; tổng lượt khách du lịch tăng 34,4%, tổng thu du lịch tăng 46%; vận chuyển hàng hóa tăng 10,2%, vận chuyển hành khách tăng 26,3%, doanh thu vận tải tăng 15,3%; thu ngân sách Nhà nước tháng 2 ước đạt 3.375 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 8.708 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ.
Trong tháng 2, Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) và cấp giấp chứng nhận đầu tư cho 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký khoảng 2.929,9 tỷ đồng và 32,6 triệu USD; lũy kế từ đầu năm đến nay, đã thu hút được 21 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 3 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.299,2 tỷ đồng và 32,6 triệu USD, gấp 3 lần về số dự án và gấp 6,7 lần về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh; đa số các doanh nghiệp cho công nhân nghỉ Tết trong các ngày 07 - 08/02/2024 và ra quân sản xuất từ ngày 15 - 19/02/2024; các doanh nghiệp có đặc điểm sản xuất đặc thù, như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, thủy điện, nhiệt điện, xi măng, gạch ceramic, đường, sữa… bố trí lao động, duy trì sản xuất xuyên Tết.
Đối với việc thực Chương trình xây dựng nông thôn mới và sản phẩm OCOP tiếp tục được tỉnh này quan tâm thực hiện; trong kỳ báo cáo, có thêm 3 xã nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao, 7 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 53 thôn/bản kiểu mẫu; có thêm 15 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao, nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lên 479 sản phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2024 của Thanh Hóa còn có những hạn chế, khó khăn, như hoạt động của một bộ phận doanh nghiệp còn gặp khó khăn; 11/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm so với cùng kỳ; sản lượng khai thác thủy sản giảm 31,2%. Xảy ra 1 vụ tai nạn lao động tại nơi sản xuất, làm chết 1 người. Tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn Thanh tăng cao so với cùng kỳ cả 3 tiêu chí...
Phát biểu tại cuộc họp, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu 5 Tổ công tác về đầu tư công đã được thành lập cần khẩn trương đi kiểm tra tại các địa bàn được giao phụ trách, nắm bắt lại tình hình, giải quyết những vấn đề còn vướng mắc và báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền trước 15/3; cuối tháng 3/2024 sẽ tổ chức Hội nghị chuyên đề về đầu tư công. Đồng thời phải chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để khởi công các dự án lớn trong năm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì hội nghị giữa các nhà đầu tư, chủ mỏ để nắm bắt lại tình hình nguyên vật liệu, giá cả nguyên vật liệu để có giải pháp sớm khắc phục tình trạng thiếu nguyên vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Về công tác cải cách hành chính, ông Tuấn yêu cầu các sở, ngành phải rà soát lại, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân, đảm bảo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, hấp dẫn.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp Cục Thuế, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, Cục Hải quan… tham mưu giải pháp kích cầu tiêu dùng, tăng thu, hỗ trợ các doanh nghiệp khó khăn, không tiêu thụ được hàng hóa, báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa trước 30/3/2024.