Theo thông tin từ UBND TP Hải Phòng, 5 tháng đầu năm 2023, có một số chỉ tiêu tăng trưởng như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trên 12%, ngành du lịch cũng có tăng trưởng khoảng hơn 15%.
Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu kinh tế còn lại đều có xu hướng giảm như : Sản lượng hàng qua cảng, thu ngân sách (cả thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu), thu hút đầu tư nước ngoài. Tiến độ giải phóng mặt bằng tại một số dự án vẫn còn chậm.
Cụ thể, tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu 5 đạt trên 38.600 tỷ đồng, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thu nội địa đạt trên 12.400 tỷ đồng, giảm trên 22% so với cùng kỳ năm 2022; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt trên 24.800 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 56 triệu tấn, giảm trên 9% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt, tính đến ngày 20/5, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn TP Hải Phòng cũng chỉ đạt trên 603 triệu USD, giảm trên 35% so với cùng kỳ năm 2022.
Thông tin từ Sở Công Thương Hải Phòng cũng cho biết, tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử… lớn như Mỹ, EU xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ đã khiến đơn hàng xuất khẩu giảm.
Ngoài ra, một số ngành sản xuất vẫn gặp khó khăn như: sản xuất phân bón thiếu quặng Apatit; dệt may, da giày, sản xuất máy móc thiết bị thiếu đơn hàng. Cùng với đó là sự cạnh tranh về giá như: sản xuất dây và cáp điện, sản xuất xi măng, sản xuất thép, sản xuất pin và ắc quy… đã khiến cho gần một nửa số ngành công nghiệp của Hải Phòng cũng như cả nước bị sụt giảm hoạt động sản xuất, kinh doanh gây tác động khá lớn tới tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP)…
Trước thực tế nêu trên, UBND TP Hải Phòng đã có một số giải pháp khá thiết thực nhằm cải thiện tốc độ tăng trưởng chung của thành phố. Yêu cầu các sở ngành, địa phương cần tập trung cao cho công tác thu ngân sách, nhất là nhiệm vụ thu thuế đất. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số và cải thiện chỉ số IIP.
Trước mắt, về nhiệm vụ thu ngân sách nội địa, khó khăn lớn nhất về thu ngân sách hiện nay liên quan đến các khoản thu từ đất do nhiều vướng mắc, chậm trễ trong thực hiện đấu giá đất của các quận, huyện. Do vậy, thời gian tới, lãnh đạo TP Hải Phòng sẽ quyết liệt chỉ đạo, tìm phương hướng thiết thực giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đấu giá đất, liên quan đến nhiều sở, ngành, nhất là với một số dự án theo kế hoạch sẽ thực hiện đấu giá đất từ cuối năm 2022, nhưng đến nay chưa triển khai.
UBND TP Hải Phòng đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế và các Sở ngành liên quan tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động; tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, giao cho Ban Quản lý Khu Kinh tế thiết lập hồ sơ trình Chính phủ thành lập khu kinh tế thứ 2 của thành phố dọc theo đường ven biển.Tiếp tục phát triển các cảng biển tại Khu vực Lạch Huyện.
Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên chia sẻ, sau khi quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 được điều chỉnh, sẽ có nhiều vướng mắc được tháo gỡ, trở thành tiền đề để Hải Phòng đẩy mạnh thu hút đầu tư, dự kiến có thể đạt và vượt kế hoạch đề ra trong năm 2023.
Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng cũng đề nghị sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của ngành Thuế để rà soát, chống thất thu thuế đối với doanh nghiệp FDI, cũng như kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Mới đây, UBND TP Hải Phòng cũng đã có Quyết định 1522/QĐ-UBND thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND TP do Chủ tịch Nguyễn Văn Tùng làm Tổ trưởng, thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố do các sở ban ngành của thành phố đang thụ lý hồ sơ, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian.
Thực hiện rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do vướng mắc phát sinh để có hướng xử lý. Đồng thời, rà soát nội dung bất cập, chồng chéo, mẫu thuẫn giữa các quy định pháp luật, nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.
Tổ công tác có quyền yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan đó.
Tổ công tác chịu trách nhiệm trước UBND TP. Hải Phòng về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm báo cáo UBND TP. Hải Phòng định kỳ, hoặc đột xuất theo quyết định của Tổ hoặc theo yêu cầu của UBND thành phố về kết quả, tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.