May 25, 2024 | 14:00 GMT+7

Nhiều chủ đầu tư tại Thanh Hóa ì ạch giải ngân vốn đầu tư công

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Dù Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã nghiêm khắc phê bình, tuy nhiên đến nay một số chủ đầu tư tại tỉnh này vẫn ì ạch giải ngân vốn đầu tư công...

Đến ngày 9/5/2024, thành phố Thanh Hóa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt dưới 10%
Đến ngày 9/5/2024, thành phố Thanh Hóa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt dưới 10%

Tổng nguồn kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa được phê duyệt là hơn 12.836 tỷ đồng. Trong đó, vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 là hơn 65 tỷ đồng. Vốn năm 2023 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 là hơn 625 tỷ đồng, vốn năm 2024 là gần 11.645 tỷ đồng.

Ngày từ đầu năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công năm 2024. 

Theo đó, từng chủ đầu tư, từng huyện, thị xã và thành phố phải giải ngân kế hoạch vốn do mình quản lý đảm bảo theo 4 mốc thời gian giải ngân cụ thể.

Đến ngày 30/6/2024: Giải ngân đạt ít nhất là 50% kế hoạch vốn được giao;

Đến ngày 30/9/2024: Giải ngân đạt ít nhất là 70% kế hoạch vốn được giao;

Đến ngày 30/11/2024: Giải ngân đạt ít nhất là 90% kế hoạch vốn được giao;

Đến ngày 31/12/2024: Giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao.

Đối với các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024 và dự án hoàn thành sau năm 2024, trước ngày 31/5/2024 phải giải ngân đạt từ 50% kế hoạch vốn giao trở lên.

Đối với các dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao kế hoạch năm 2024 tại Quyết định số 4924/QĐ-UBND ngày 23/12/2023, trước ngày 30/7/2024 phải giải ngân đạt từ 50% kế hoạch vốn giao trở lên.

Đến ngày 9/5/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa có 48 chủ đầu tư đã được phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với tổng số tiền hơn 12.335 tỷ đồng. Trong đó, số vốn đã giải ngân là hơn 3.648 tỷ đồng, bằng 28,4% kế hoạch, đứng thứ 12 cả nước về tỷ lệ giải ngân.

Đối với nhóm chủ đầu tư có 19 đơn vị là các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh. Nhóm này đã giải ngân được hơn 398 tỷ đồng/hơn 2.457 tỷ đồng, đạt 16,2%. Trong đó, có 2 đơn vị đạt 100% là Sở Thông tin và truyền thông, Trường THPT chuyên Lam Sơn; 1 đơn vị đạt 99,8% là Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa; 2 đơn vị đạt từ 50% đến dưới 80%, gồm có Ban Dân tộc tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa.

Trong nhóm này có 13 đơn vị đạt dưới 50%. Trong 13 đơn đó, có 4 đơn vị đạt dưới 10%, gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; 1 đơn vị chưa giải ngân là Sở Y tế Thanh Hóa.

Tiếp đến, nhóm chủ đầu tư là UBND cấp huyện có 27 đơn vị. Nhóm này đã giải ngân được hơn 1.271 tỷ đồng/hơn 4.474 tỷ đồng, đạt 28,4%. Trong đó, có 6 đơn vị đạt trên 50%, gồm có thị xã Bỉm Sơn 71,1%, các huyện Thiệu Hóa 75,1%, Yên Định 71,2%, Hậu Lộc 55,6%, Quảng Xương 53,9%, Nga Sơn 52,8%; 21 đơn vị đạt dưới 50%. Trong 21 đơn vị đó, có 2 đơn vị đạt dưới 10% là thành phố Thanh Hóa và huyện Ngọc Lặc.

Nhóm chủ đầu tư khác gồm 2 đơn vị, đã giải ngân được 909 triệu đồng/ hơn 2,1 tỷ đồng, đạt 41,5%, trong đó, Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng đạt 42,9%; Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa chưa giải ngân.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate