July 21, 2025 | 10:00 GMT+7

Nhiều chuyến bay của các hãng hàng không trong nước bị huỷ do bão số 3

Đan Tiên -

Do ảnh hưởng của bão số 3 (Wipha), các hãng hàng không trong nước đã điều chỉnh kế hoạch khai thác nhiều chuyến bay nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách và hoạt động bay...

Dự báo đường đi bão số 3 (Bão Wipha) lúc 9h30 ngày 21/7. Ảnh: Hệ thống cảnh báo thiên tai.
Dự báo đường đi bão số 3 (Bão Wipha) lúc 9h30 ngày 21/7. Ảnh: Hệ thống cảnh báo thiên tai.

Theo thông tin từ Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO), ngày 21/7, Vietnam Airlines sẽ hủy các chuyến bay VN1188, VN7188, VN7189, VN7056, VN7057 giữa TP.HCM và Hải Phòng, cùng hai chuyến bay VN1856, VN1857 giữa TP.HCM và Côn Đảo.

Riêng Pacific Airlines sẽ điều chỉnh giờ khởi hành sớm hơn kế hoạch đối với các chuyến bay BL6440, BL6441 trên đường bay TP.HCM – Hải Phòng, để bảo đảm hạ cánh tại sân bay Cát Bi trước 12h trưa. Đồng thời, hai chuyến bay BL6520 và BL6521 trên cùng chặng bay sẽ bị hủy.

Trong ngày 22/7, các chuyến bay của Vietnam Airlines Group khai thác tại sân bay Cát Bi sẽ khởi hành sau 12h00. Ngoài ra, nhiều chuyến bay nội địa và quốc tế trong hai ngày 21–22/7 có thể bị ảnh hưởng dây chuyền do tác động của bão.

Vietjet cũng cho biết sẽ điều chỉnh kế hoạch khai thác đối với một số chuyến bay đến và đi từ Quảng Ninh, Hải Phòng trong ngày 21/7/2025. Theo đó, các chuyến bay VJ232 (TP.HCM – Vân Đồn), VJ233 (Vân Đồn – TP.HCM), VJ290, VJ1278, VJ1284 (TP.HCM – Hải Phòng), VJ291, VJ1275, VJ1285 (Hải Phòng – TP.HCM) và VJ734, VJ733 (Nha Trang – Hải Phòng – Nha Trang) sẽ tạm ngừng khai thác.

Hai chuyến bay quốc tế VJ926, VJ925 trên đường bay Hải Phòng – Seoul (Hàn Quốc) được chuyển sang khai thác từ Hà Nội đi Seoul và ngược lại. Một số chuyến bay khác của hãng cũng có thể bị ảnh hưởng dây chuyền.

Về phía cơ quan quản lý, Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành công điện yêu cầu các hãng hàng không, sân bay và các đơn vị liên quan triển khai khẩn trương các phương án phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách, phương tiện, công trình hàng không và hoạt động bay.

Cụ thể, các cảng hàng không nằm trong vùng ảnh hưởng như Vân Đồn, Nội Bài, Cát Bi được yêu cầu chủ động kiểm tra, gia cố kết cấu hạ tầng, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống thoát nước, đồng thời triển khai các biện pháp phòng ngừa ngập úng, bảo vệ công trình và thiết bị nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát toàn bộ hệ thống, cập nhật thông tin khí tượng, chủ động đề xuất phương án khai thác phù hợp với điều kiện thực tế và sẵn sàng phương án ứng phó trong tình huống khẩn cấp.

Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) được yêu cầu chỉ đạo các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng hàng không tăng cường giám sát, kịp thời phát hành các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết đến các đơn vị khai thác bay.

Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không phải theo dõi sát diễn biến cơn bão, chủ động điều chỉnh lịch bay phù hợp, trong đó ưu tiên bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách và phi hành đoàn. 

Cảng vụ hàng không miền Bắc, miền Trung có trách nhiệm giám sát, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong công tác ứng phó, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Cục Hàng không Việt Nam và các địa phương.

Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hành khách được khuyến cáo thường xuyên cập nhật thông tin từ các hãng hàng không và phối hợp với lực lượng chức năng để bảo đảm an ninh, trật tự tại nhà ga.

Được biết, VATM và Trung tâm Khí tượng hàng không trực giám sát 24/24, cập nhật liên tục dự báo từ 11 trung tâm khu vực và toàn cầu. Theo các mô hình dự báo, bão Wipha có khả năng đi vào Vịnh Bắc Bộ và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Các bản tin cảnh báo sẽ được phát hành kịp thời đến các đơn vị liên quan nhằm đảm bảo hoạt động bay an toàn tuyệt đối.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate